Học sinh thiếu kỹ năng bảo vệ bản thân?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Từ một số sự việc thiếu chuẩn mực trong hành xử của giáo viên gần đây với học sinh, dư luận đặt ra câu hỏi:

Học sinh Trường Tiểu học Hoa Lư (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) tham gia buổi truyền thông về chống mua bán, xâm hại trẻ em.
Học sinh Trường Tiểu học Hoa Lư (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) tham gia buổi truyền thông về chống mua bán, xâm hại trẻ em.

Khi chứng kiến hành vi trên, tại sao trẻ và các bạn cùng lớp không biết cách tự bảo vệ mình, bảo vệ lẽ phải. Phải chăng những kỹ năng này trong các em còn thiếu và yếu?

Thiếu lắng nghe – thấu hiểu

Vụ việc nữ sinh ở Hà Nội bị cô chủ nhiệm kéo áo, quát mắng do không mua đúng loại bánh để tổ chức Trung thu chưa kịp lắng xuống thì mới đây, một học sinh ở Thanh Hóa bị giáo viên đánh vì không làm bài tập về nhà. Hay clip thầy giáo văng tục trong khi mắng học sinh cũng gây xôn xao dư luận về chuẩn mực trong môi trường học đường bị phá vỡ.

Trong nhiều câu chuyện về bạo lực học đường, bao gồm cả bạo hành về tinh thần, thể chất, một câu hỏi luôn lặp lại là học sinh bị bạo hành và các bạn trong lớp tại sao không tự bảo vệ mình hoặc phản ứng trước hành động, lời nói của giáo viên? Trả lời thắc mắc trên, thầy giáo Nguyễn Đình Hòa - Trường THPT Trần Phú (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) nhìn nhận, với học sinh THCS, THPT, có thể do các em không nắm hết nội quy trường học. Trong đó quy định, học sinh được làm gì, có nghĩa vụ và quyền lợi gì.

Ông Ngô Ngọc Hoàng Vương - Trưởng phòng Công tác chính trị - tư tưởng, Sở GD&ĐT Đà Nẵng thì cho rằng: “Tâm lý, tình cảm và tư tưởng học sinh mỗi thời kỳ có chuyển biến khác nhau, cả mặt tích cực lẫn tiêu cực, đặc biệt là giai đoạn “nổi loạn” trong quá trình phát triển, hình thành nhân cách.

Thế hệ học sinh hôm nay có sở thích, xu hướng tâm lý khác với thế hệ trước. Sai lầm của một số không ít người lớn, trong đó có thầy, cô giáo là vẫn nghĩ về các em như thời chúng ta. Đã không hiểu đúng thì khó để đồng hành. Mà không “đồng hành” cùng các em thì làm sao giáo dục”.

Như câu chuyện của Hải Nam (tên nhân vật được thay đổi) - học sinh trường THCS tại Gio Linh (Quảng Trị) bị nam sinh lớp dưới đánh chảy máu mũi, dập môi. Khi phụ huynh đến trường tìm hiểu sự việc thì thầy cô lại đẩy câu chuyện sang hướng khác. Nam kể: “Thầy cô bảo tuy bị đánh trước nhưng em cũng không vừa. Sau đó, một loạt vi phạm của em như đi học lười chép bài, không bỏ áo vào quần… được giáo viên liệt kê. Điều này khiến em thấy tủi thân, đang là người bị bắt nạt trở thành người có lỗi”.

Chị P.T.Y, mẹ của Nam cho biết: “Con tôi nếu nghịch ngợm thì giáo viên, nhà trường thông báo để gia đình biết và phối hợp giáo dục. Nhưng khi cháu bị đánh đến chảy máu mũi, ít ra thầy cô phải có hình thức để bảo vệ. Đằng này, lấy cái sai của cháu để “xóa” đi cái sai của bạn khác, tôi thấy đó là cách giải quyết không công bằng, thiếu thuyết phục”.

Một thời gian ngắn sau đó, phụ huynh của bạn nữ cùng lớp gọi điện phản ánh với cô giáo việc Nam đánh con mình. Nam cho biết: “Bạn nữ dùng đầu nhọn compa đâm vào lưng em nhiều lần, rất đau. Em bảo dừng nhưng bạn vẫn tiếp tục đâm. Em đứng dậy đẩy bạn qua một bên để ra khỏi chỗ ngồi nhưng bạn nghĩ em đánh nên lấy tay cào vào cổ em. Em chỉ tự vệ và không hề đánh bạn. Nhưng cô giáo bảo với mẹ em, nếu phụ huynh của bạn nữ lên trường phản ánh thì em phải chịu trách nhiệm. Em mong thầy cô lắng nghe hai phía trong những câu chuyện cụ thể”.

Từ câu chuyện trên, cô Phạm Thị Thùy Loan - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ (TP Đà Nẵng) cho rằng, cảm giác về sự không công bằng hoặc không đúng trong xử lý một vài tình huống của thầy cô trên lớp sẽ tạo nên lo lắng khiến các em thay đổi nhận thức về vấn đề diễn ra quanh mình. Học sinh dần không thể hiện quan điểm, chính kiến.

Cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) tham gia truyền thông về Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em.

Cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) tham gia truyền thông về Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em.

Trao kỹ năng

Bác sĩ Lâm Tứ Trung – nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng cho hay, bạo lực học đường, một phần do học sinh không biết cách giải quyết vấn đề đúng, thiếu kỹ năng giao tiếp. Ngay cả người bị gây bạo lực (nạn nhân) cũng phải biết cách nói để đối phương “hạ hỏa”.

Ngành GD-ĐT Đà Nẵng và Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng có chương trình hợp tác trong trang bị kỹ năng sống cho học sinh. Thông qua các bài tập, tình huống thảo luận nhóm, trẻ được phát triển khả năng giải quyết vấn đề cơ bản trong cuộc sống và thách thức tại trường học với bạn bè, thầy cô và gia đình.

Nguyễn Bảo Trâm - cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Hiền (Đà Nẵng) kể: “Trước đây, khi chứng kiến các bạn cãi nhau vì những hiểu lầm nhỏ nhặt trong học tập, nhất là phản ứng tiêu cực của tình yêu tuổi học trò…, em chỉ biết im lặng hoặc đồng ý với ý kiến, thái độ của số đông bạn cùng lớp. Em không mạnh dạn bày tỏ suy nghĩ hay can ngăn”.

Thay đổi lớn nhất, theo Bảo Trâm, sau khóa học ngắn về rèn luyện kỹ năng, “em không còn trốn tránh hay thấy lo lắng trước vấn đề thầy cô đưa ra trong giờ học. Bản thân biết thể hiện và bảo vệ quan điểm, suy nghĩ của mình. Hình thành cảm xúc bình tĩnh, biết trấn áp những suy nghĩ tiêu cực dễ khiến nổi nóng hay có lời nói, hành động xấu với bạn bè, thầy cô và mọi người xung quanh”.

Sau nhiều sự vụ, hành vi chưa chuẩn mực của giáo viên với học sinh, không ít ý kiến đề xuất, giáo viên và học sinh phải được truyền thông rộng rãi, nắm kỹ về Luật Trẻ em, nội quy trường học để thực hiện trong quá trình triển khai hoạt động giáo dục.

Thay vì in quảng cáo, logo trường nên đưa nội dung Luật Trẻ em ở 4 bìa vở, phù hợp nhận thức của từng cấp, lớp học. Bằng cách này, phụ huynh, học sinh và giáo viên đều nhìn thấy hằng ngày để có những hành vi chuẩn mực. Mọi vụ việc bạo hành trong trường học cần áp dụng Luật Trẻ em, điều lệ trường học để điều chỉnh thay vì lên án vi phạm đạo đức nhà giáo như hiện nay.

Thầy Nguyễn Đình Hòa cho rằng, để có được “học sinh tích cực” trong câu “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, thầy cô, nhà trường phải tạo điều kiện để trẻ được chủ động tham gia hoạt động, bộc lộ quan điểm, rèn luyện các kỹ năng và hình thành quan hệ tốt trong giao tiếp với thầy cô, bạn bè. Trên nền tảng của môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn cho sự phát triển, các em dần hình thành ý thức xây dựng, bảo vệ danh dự của nhà trường, tập thể lớp và bản thân, biết bảo vệ cái đúng, phê phán cái sai…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.