Trẻ đang thiếu kỹ năng sống

Trẻ đang thiếu kỹ năng sống
* Khi trẻ quá được bao bọc
(GD&TĐ) - Là giáo viên tiểu học, tôi rất quan tâm tới các kỹ năng của các em trong quá trình giảng dạy trên lớp. Ngoài thời gian dạy kiến thức văn hóa, tôi thường tranh thủ những lúc giải lao, thậm chí lồng vào các bài giảng để trang bị các kỹ năng sống đơn giản cho các em như: Văn hóa chào hỏi, sắp dọn đồ đạc, chơi với vật nuôi, tự chăm sóc bản thân... bởi thật sự tôi thấy hiện nay ở các trường tiểu học vùng nông thôn trẻ rất kém các kỹ năng sống. Hầu như các em ít được cha mẹ, thầy cô trang bị cho các kỹ năng sống hàng ngày nên không chỉ gây khó khăn cho trẻ trong cuộc sống thường ngày mà còn khiến trẻ dễ tạo lập các thói quen, tính cách xấu.
Cụ thể một trường hợp mà tôi thấy nguyên nhân cũng chính là do thiếu kỹ năng sống. Cậu con trai của cô bạn tôi năm nay đã học lớp 4, nhìn cậu khá thông minh, nhanh nhẹn nhưng khổ cái càng lớn cậu càng tỏ ra nhõng nhẽo, ủy mị và quấn mẹ một cách thái quá. Bạn bè cùng lớp thường trêu đùa cậu là con gái nhưng cậu cũng không hề có biểu hiện gì của sự ngại ngùng hay thay đổi. Cô bạn tâm sự, ở nhà mọi việc từ lớn đến nhỏ đều được mẹ làm, mẹ lo cho tất nên cậu tỏ ra rất thụ động. Bây giờ chỉ cần động vào một việc gì đó, dù là rất nhỏ là kêu trời, kêu đất gọi mẹ ngay. Thậm chí, nhiều lần nhà có khách của mẹ hoặc của bố, cậu nhỏ nói năng đùa cợt rất hỗn hào như quen thói mẹ vẫn nuông chiều... 
Thực tế cho thấy, nhiều gia đình có điều kiện, chính sự chiều chuộng, bao bọc, che chở quá kỹ lưỡng của cha mẹ, người lớn đang kiến cho không ít đứa trẻ mất đi khả năng tự chủ, các em chở nên phụ thuộc, ưa đòi hỏi, ỷ lại, làm tội người thân nhưng lại tỏ ra rất yếu đuối khi gặp chút khó khăn... Đây chỉ là một trong số rất nhiều những đứa trẻ hiện nay đang thiếu hụt kỹ năng sống một cách đáng lo ngại.
Cần sự góp sức của xã hội
Hãy dạy trẻ những kỹ năng đơn giản nhất
Hãy dạy trẻ những kỹ năng đơn giản nhất
 
Tôi thấy kỹ năng sống đầu tiên cần học chính là việc các bậc phụ huynh phải tháo dần những “hàng rào thép gai” bảo vệ, gỡ những chiếc “áo chống đạn” được trang bị quá kỹ cho con trẻ. Cha mẹ phải trở thành những thầy cô đầu tiên dạy cho con cái mình những kỹ năng sống thiết yếu nhất, dạy chúng biết cách tự đứng vững trên đôi chân của mình, biết cách đối mặt với những khó khăn, gượng dậy khi vấp ngã, giúp các em từ bỏ thói quen chỉ biết đòi hỏi ở người lớn những điều vô lý, thay vào đó là sự giúp đỡ, chia sẻ khó khăn và hết lòng yêu thương mọi người xung quanh.
Điều đáng nói là thực trạng thiếu kỹ năng sống của trẻ ngày càng phổ biến và có xu hướng phát triển. Thời gian gần đây, để khắc phục tình trạng thiếu kỹ năng sống của trẻ, các lớp học kỹ năng sống, các chương trình học kỳ quân đội... được mở ra để phần nào trang bị, rèn luyện cho trẻ. Nhưng tôi thấy nó vẫn chưa thấm tháp vào đâu, chưa thể khiến cho các bậc cha mẹ và xã hội yên tâm. Bởi quãng đời của mỗi đứa trẻ sau này lớn lên sẽ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách, nguy hiểm và những cạm bẫy. Nếu cha mẹ cứ cố tình tạo ra những chiếc “áo giáp” để bao bọc lấy con cái thì rất khó có thể giúp trẻ sớm trưởng thành, tự tin trong cuộc sống. Hơn nữa, việc tổ chức các lớp dạy kỹ năng chỉ mang tính thời vụ, chưa thường xuyên sẽ không có tính bền vững và mang lại hiệu quả thực sự.
Trang bị kỹ năng sống cho trẻ hiện nay là rất cần thiết, nhưng làm sao để mang lại hiệu quả cao và bền vững thì cần phải có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội, sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong phối hợp tổ chức thực hiện. Trong đó, phải xác định được các thời điểm cụ thể chủ thể nào là quan trọng nhất trong giáo dục, trang bị kỹ năng sống cho trẻ. Ví dụ, thời điểm đầu đời cha mẹ phải là chủ thể quan trọng nhất giúp trẻ có những kỹ năng sống cơ bản, sau đó trên cơ sở lấy gia đình làm nền tảng cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường và xã hội để tạo môi trường thuận lợi, liên tục giúp trẻ học hỏi, trưởng thành hơn qua các bài học về kỹ năng sống thiết thực.
Nhà giáo Nguyễn Thị Ngần

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ