GD&TĐ - Tái hiện lý tưởng, hoài bão và khát vọng văn chương của nhân vật Hộ trong tác phẩm Đời thừa của nhà văn Nam Cao, học sinh lớp 11D chuyên Nhật, Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ giúp người xem thấu hiểu, chia sẻ với những bi kịch của người tri thức trong xã hội cũ. Đồng thời lan tỏa giá trị nhân văn, nâng niu vẻ đẹp tâm hồn nhà văn Hộ giàu lòng nhân ái.
Sáng tạo từ tác phẩm văn học
Không giấu được niềm vui khi tiểu phẩm “Đời thừa” (truyện ngắn Đời thừa - Nam Cao) đạt giải Nhất tại Cuộc thi Sân khấu hóa tác phẩm văn học, Nguyễn Lê Yến Trang (lớp 11D, Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ) là tổng đạo diễn của tiểu phẩm chia sẻ, vở kịch của tập thể lớp đã chạm đến trái tim người xem và lan tỏa giá trị nhân văn của tác phẩm văn học.
Theo Yến Trang, cùng với giữ nguyên phong thái, hình tượng các nhân vật trong tác phẩm Đời thừa, tiểu phẩm còn được làm mới bằng cách thêm thoại nhân vật phụ để đẩy cao sự bế tắc về vật chất, sự nghiệp văn chương của nhân vật Hộ từ hình ảnh chủ nợ.
Tìm hiểu được biết, từ tháng 1/2024, nhóm gồm 44 bạn trong lớp 11D cùng nhau triển khai viết kịch bản xuyên Tết, chạy thử sân khấu, lựa chọn trang phục, bàn bạc về tác phẩm “đinh” - Đời thừa của Nam Cao.
“Chúng em muốn khắc hoạ sự mòn mỏi, bế tắc của tầng lớp trí thức bị giam cầm cả về tinh thần và vật chất. Tâm hồn, ước mơ bị cái nghèo bủa vây. Việc hoá thân vào nhân vật rất khó vì ít kinh nghiệm diễn xuất, không sinh ra trong bối cảnh đó, song được anh chị, các bác có kinh nghiệm hỗ trợ, nhóm đã cố gắng tái hiện chân thực nhất...”, một thành viên nhóm kịch bộc bạch.
Trong vai chủ nợ, Phạm Xuân Anh Quân cho hay, nhân vật này có chi tiết nhỏ nhưng nhóm đã dựng từ một phân cảnh đòi nợ đối với nhà văn Hộ. Phân cảnh trở nên “đắt” giá hơn khi chủ nợ thoại với nhà văn Hộ trong hoàn cảnh túng quẫn.
Với Hạ Khánh Hưng - lần đầu đóng vai nhân vật Hộ, nhiều cảm xúc cho biết, đã phải đọc tác phẩm cũng như các bài phê bình nhiều lần để hiểu tâm trạng, day dứt. “Khó nhất là nội tâm, buồn phiền trong lòng nhưng không nói ra. Phân đoạn say rượu, độc thoại về ước mơ hoài bão phải xử lý tinh tế, tránh gượng gạo. Chính câu nói: Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng đã là sự bất lương rồi nhưng cẩu thả trong văn chương thật là đê tiện khiến em cố gắng nhiều hơn...”, Khánh Hưng tâm sự.
Còn Khúc Đỗ Tuệ Minh, vai Từ (vợ của Hộ) thổ lộ, vai của em là một người phụ nữ dịu hiền, tần tảo hết mực chăm lo cho gia đình. Để lột tả nhân vật, em phải đọc thêm nhiều tác phẩm khác để hiểu tại sao Hộ uống rượu say đánh đập Từ nhưng Từ lại vẫn mang ơn Hộ.
“Không chỉ một số diễn viên trên sân khấu mà để chạy một chương trình như vậy cần rất nhiều các bạn đứng sau từ hậu cần, kịch bản, ánh sáng, âm thanh… Mỗi thành viên chọn vai phù hợp nhất, sau đó tập luyện, góp ý, chia sẻ trước khi lên sân khấu...”, cán bộ lớp 11D chia sẻ chuyện hậu trường vở kịch.
Một số phân cảnh trong tiểu phẩm “Đời thừa” được diễn viên lớp 11D nhập vai. |
Sân chơi bổ ích cho học sinh
Ông Dương Thanh Hải, phụ huynh học sinh lớp 11D bày tỏ, bản thân khi nghe ý tưởng đã ủng hộ chương trình sân khấu hoá tác phẩm văn học, trong đó có Đời thừa của Nam Cao.
“Chương trình rất bổ ích, giúp các con nắm bắt kiến thức về văn học, gắn kết tinh thần đoàn kết, yêu trường lớp hơn, thầy cô và trưởng thành tiến bộ lên từng ngày. Các con thông minh trong xử lý tình huống và đưa ra những giải pháp xử lý những bế tắc khi mà chuyển từ tác phẩm văn học lên sân khấu. Việc này không đơn giản…”, ông Hải nói.
Đồng quan điểm trên, nhiều phụ huynh lớp 11D cũng nhìn nhận: Tác phẩm Đời thừa từ xưa tới nay được đánh giá là khó để chuyển thể sang sân khấu kịch, đặc biệt khai thác được nội tâm nhân vật Hộ. Thời lượng cho phép là 13 phút nên rất nhiều thử thách.
“Để truyền tải được tất cả nội dung, thông điệp, phản ảnh đầy đủ chủ đề của tác phẩm, các con đã đầu tư rất nhiều công sức cho hình ảnh trên sân khấu, lột tả nội tâm nhân vật qua từng lời nói, hành động, cử chỉ. Mọi yếu tố như âm thanh, ánh sáng, sân khấu, hậu trường phối hợp nhịp nhàng dù còn một số chỗ chưa chuyên nghiệp...”, một phụ huynh lớp 11D bày tỏ.
Theo cô Vũ Thanh Thảo, giáo viên chủ nhiệm lớp 11D Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, chương trình sân khấu hóa tác phẩm văn học được thực hiện từ năm 2002. Năm học 2022 -2023, lần đầu tiên các em công diễn trên sân khấu, nếu tại lớp học sẽ có phần thảo luận, phản hồi.
Cô Thảo thổ lộ, nhân vật Hộ trong tác phẩm không đau tay nhưng vì diễn viên đóng bị chệch khớp, nên kịch bản sửa đôi chút, tạo ra sự độc đáo, nỗ lực kiếm tiền nuôi vợ con của anh. Điều này khá logic, bởi trong tác phẩm có chi tiết bị nhắc nợ đối với nhà văn Hộ. Trên sân khấu khi chủ nợ dọa “hôm trước tao đã đánh gãy một tay mày rồi mà còn chưa chừa”. Đây là chi tiết rất đời, sáng tạo, gần gũi với người xem, khiến mọi người nghĩ nhân vật “diễn như không diễn”.
“Qua cách sân khấu hoá các tác phẩm văn học, học sinh hiểu sâu, nhớ rõ tác phẩm vì bản thân hóa thân vào nhân vật. Kết thúc buổi diễn, các con sẽ thảo luận, phản biện lại với nhau về tác phẩm đó và đào sâu vào chi tiết, câu chuyện, bối cảnh lịch sử hay phân đoạn yêu thích.
Đây là phương pháp học văn hiệu quả. Các bạn dù không phải những diễn viên, đạo diễn chuyên nghiệp nhưng phân ban, viết kịch bản, diễn xuất rất tốt, từ cách đài từ, nháy mắt cho tới bước đi. Ban đầu, việc chọn Đời thừa khá mạo hiểm, khó diễn tả song các em quyết tâm nên giáo viên lẫn phụ huynh ủng hộ, giúp đỡ mọi điều kiện tốt nhất...”, cô Thảo chia sẻ.
Giáo viên chủ nhiệm lớp 11D đánh giá, có lẽ tiểu phẩm chiến thắng bởi chất văn nhất trong tác phẩm. Bởi nhiều tiểu phẩm khi công diễn trên sân khấu đã quá chú trọng vào đầu tư dàn dựng sân khấu, đạo cụ biểu diễn nhiều hơn.
Với tiểu phẩm Đời thừa của lớp 11D là làm văn đúng nghĩa, mộc mạc của học sinh. Người xem rất ấn tượng bởi tác phẩm giản dị, chạm đến cảm xúc của người xem, có lẽ đây là điểm nhấn được đánh giá cao. Trước đây, thầy cô phải truyền đạt thông tin, thì qua sân khấu hóa các tác phẩm văn học, chính các em chủ động tìm hiểu tác phẩm, nhân vật hiểu hơn về tác phẩm.
Cuộc thi Sân khấu hóa tác phẩm văn học, Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ (Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội) trao 1 giải Đặc biệt cho lớp 10A10 với tiết mục “Tấm lòng mẹ”; 2 giải Nhất thuộc về các tiểu phẩm: “Đời thừa” (truyện ngắn Đời thừa - Nam Cao) cho lớp 11D và Rama và Xita (Ramayana - sử thi Ấn Độ) cho lớp 11A4. Đồng thời Ban Tổ chức Cuộc thi trao 3 giải Nhì, 4 giải Ba và 4 giải Khuyến khích.