Lực lượng nòng cốt của cách mạng Tháng 8
Phong trào HSSV kháng chiến nổ ra ở các trường trung học từ năm 1947 – 1954. Trong suốt quá trình 7 năm, từ cuối 1947 khi thành phố Hà Nội mở lại các trường học cho tới tháng 10/1954 khi Thủ đô giải phóng phong trào ngày một lên cao thể hiện đặc điểm nhạy bén về chính trị, linh hoạt và sáng tạo của thanh niên cũng như tính chất mạnh bạo, xông xáo cuả tuổi trẻ.
Khoảng thời gian này, đoàn HSSV kháng chiến Hà Nội đã chiến đấu anh dũng, nhiệt huyết, biết tùy yêu cầu vận dụng các dạng đấu tranh bí mật, công khai và nửa công khai, góp phần vào công cuộc kháng chiến cứu quốc, giải phóng Thủ đô.
Đoàn HSSV kháng chiến Hà Nội chụp ảnh lưu niệm tại Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò |
Đoàn HSSV kháng chiến Hà Nội từng là lực lượng nòng cốt của cách mạng tháng 8. Khi kháng chiến nổ ra, tổ chức Đoàn ở Hà Nội xáo trộn dữ dội, nhưng đoàn viên và cựu cán bộ Đoàn đã nhanh chóng ra nhập các lực lượng kháng chiến. Nhiều hoạt động sôi nổi của HSSV kháng chiến Hà Nội làm rúng động, nao núng kẻ thù xâm lược.
Gặp bác Đỗ Hồng Phấn – nguyên Bí thư chi đoàn Học sinh kháng chiến trường Trưng Vương năm 1950; Gương mặt tiêu biểu HSSV kháng chiến Hà Nội được Trung ương Đoàn thanh niên khen ngợi, bác Phấn cho biết:
“Khi bị địch bắt tôi cũng như các bạn học sinh kháng chiến khi đó luôn nêu cao tinh thần bất khuất, một lòng vì cách mạng, sẵn sàng hy sinh và chịu đựng gian khổ. Tinh thần đó thể hiện rõ trong cuộc bãi khóa, đặc biệt là cuộc bãi khóa của học sinh trường Chu Văn An do đồng chí Trịnh Văn Bảo cùng các liên tổ trưởng các trường bạn tổ chức…
Bác Đỗ Hồng Phấn - nguyên Bí thư chi đoàn Học sinh kháng chiến trường Trưng Vương năm 1950 |
Phong trào HSSV kháng chiến còn là sự giúp đỡ hết lòng và khôn khéo của các giao thông viên thành Đoàn. Đó là những người mang sách, báo, tài liệu, chỉ thị từ vùng tự do vào, rồi lại đem báo cáo, tặng phẩm của nội thành ra.
Quan trọng và nguy hiểm hơn, đó là dẫn cán bộ và đoàn viên vượt vành đai trắng của kẻ địch để ra vào nội thành an toàn. Tiêu biểu trong phong trào HSSV kháng chiến phải kể đến các chị: Nguyễn Thị Hồng (tức Cạn), Lê Thị Minh Hà, Nguyễn Thị Hiền, Trương Thị Hoa. Trong suốt thời kỳ kháng chiến này, các đã tham gia hoạt động liên tục cho đến ngày giải phóng Thủ đô”.
Gặp người cắm cờ trên cột đèn bờ hồ
Trò chuyện với bác Nguyễn Gia Thể - nguyên Đoàn viên thanh niên cứu quốc trường Kỹ Nghệ đã có thành tích lớn trong việc treo cờ đỏ sao vàng trên Tháp Rùa giữa Hồ Gươm, cột điện bờ hồ cho biết:
"Việc treo cờ đỏ sao vàng là việc làm mang nhiều ý nghĩa, thiêng liêng mà học sinh kháng chiến đã làm được. Việc làm này chứng tỏ sự hiện diện của kháng chiến ngay trong lòng địch. Đã có rất nhiều cách thể hiện tinh thần yêu nước chống giặc ngoại xâm mà các HSSV kháng chiến Hà Nội đã làm.
Chẳng hạn như tôi đã bơi ra hồ Gươm và cắm cờ tại Tháp Rùa; Treo cờ trên gác trường Trưng Vương trên tàu điện từ Bạch Mai lên Hàng Bài và trên cột điện Bờ Hồ hay thả chim bồ câu buộc cờ dưới chân… Cùng với đó là các đợt tuyên truyền xung phong chớp nhoáng; Các chương trình văn nghệ kháng chiến tại Nhà Hát lớn giữa thành phố đầy lính tây; Hát đồng ca bài Tiến quân ca giữa trường Trưng Vương; Đàn Tiến quân ca giữa khám tử tù Hỏa Lò… Đó chính là khí phách, tài hoa của những cô cậu học sinh trong thời kỳ kháng chiến gian khổ.
bác Nguyễn Gia Thể - nguyên Đoàn viên thanh niên cứu quốc trường Kỹ Nghệ(Ảnh tư liệu) |
Học sinh kháng chiến thời đó còn làm báo Nhựa sống bí mật suốt 3 năm, còn ra nhiều báo nửa công khai của lớp, làm album ảnh kháng chiến (hai lần bày bán thông tin trong lớp học; Nhận làm công việc âm thầm lặng lẽ của trạm giao thông; Nghe đài phát thanh kháng chiến, học nhanh bài hát mới, thông tin nhanh sách truyện Xô viết bằng tiếng Pháp… Riêng cách viết và in truyền đơn, cách thả, ném, dán truyền đơn áp phích và cờ nhỏ ở nơi đông người là loại hoạt động mà HSSV kháng chiến thích thú nhất.
Trong những năm đầu đấu tranh trực diện đã có 5 cán bộ đoàn viên bị địch bắt sau khi đã hoàn thành trách nhiệm vẻ vang, bị tra khảo dã man nhưng đã hiên ngang ứng đối và hy sinh anh dũng. Đó là hai cán bộ Phạm Hướng và Trịnh Khắc Dụng và 3 học sinh Nguyễn Văn Khâm, Nguyễn Sỹ Vân và Nguyễn Trọng Quang. Đặc biệt Phạm Hướng là một trong những tấm gương tiêu biểu của phong trào HSSV kháng khiến Hà Nội”.
Trong suốt 7 năm kháng chiến, số HSSV bị bắt vào sở mật thám khá nhiều. Nam học sinh bị bắt nhiều hơn, riêng nữ học sinh đã có 30 người. Số học sinh kháng chiến bị đích bắt và tra tân dã man. Nhiều người không chịu được đòn thù đã khai báo, những đa số rất kiên cường và gan dạ.
Nhiều tấm gương bất khuất phải kể đến như các chị: Đoàn Thị Hồng Vân, Đỗ Hồng Phấn, các anh Nguyễn Hữu Thái, Nguyễn Bội Tài… người bị bắt một lần, người bị bắt nhiều lần, người ở tù vài tháng người bị xử thành án song họ vẫn giữ tròn khí tiết cách mạng trước đòn thù tra tấn của giặc, đồng thời biết ứng phó với kẻ địch, giảm được tổn thất chung cho cách mạng.
Phong trào HSSV kháng chiến Hà Nội đã thể hiện được những đặc điểm nhạy bén về chính trị, linh hoạt và sáng tạo của thanh niên cũng như tính chất mạnh bạo, xông xáo của tuổi trẻ. Tuổi đời của các HSSV kháng chiến Hà Nội khi đó tuy còn nhỏ nhưng đã biết tùy yêu cầu mà vận dụng các dạng đấu tranh bí mật, công khai và nửa công khai. Sự kết hợp này thể rõ ràng trong suốt 7 năm kháng chiến (từ 1947 – 1954).