Từ mùa Thu năm nay, học sinh thị trấn Riihimaki, Phần Lan, trở lại trường học với ba lô đầy sách sau một thời gian dài sử dụng máy tính xách tay và các thiết bị kỹ thuật số khác. Thay đổi này đáp ứng lời kêu gọi hạn chế thiết bị điện tử gây xao nhãng việc học tập của trẻ em.
Hệ thống giáo dục Phần Lan nổi tiếng vì chất lượng đào tạo và tinh thần sẵn sàng thử nghiệm những phương pháp giảng dạy mới. Khi các thiết bị kỹ thuật số phổ biến, đây cũng là một trong những quốc gia tiên phong cung cấp máy tính xách tay miễn phí cho học sinh từ 11 tuổi.
Tuy nhiên, giống như nhiều quốc gia khác, phụ huynh Phần Lan bày tỏ nhiều lo ngại về tác động của thiết bị điện tử đối với trẻ em.
Cô Maija Kaunonen, giáo viên Tiếng Anh tại Trường Trung học Pohjolanrinne, cho biết: “Giới trẻ ngày nay sử dụng điện thoại và các thiết bị kỹ thuật số nhiều đến nỗi lúc nào các em cũng dán mắt vào màn hình. Hầu hết cố gắng làm bài tập thật nhanh trong tiết học để còn chơi game. Khi giáo viên đến bàn, các em lại giả vờ như đang làm bài”.
Học sinh Elle Sokka, 14 tuổi, nói không phải lúc nào em cũng tập trung vào các môn học ở trường khi học trực tuyến. Đôi khi, em “lang thang” trên các trang web giải trí, mạng xã hội và quên mất thầy cô đang nói gì.
Do sử dụng thiết bị kỹ thuật số liên tục, nhiều học sinh bị xao nhãng, bồn chồn và mất tập trung học. Kết quả là thành tích của học sinh Phần Lan trong những năm gần đây giảm, khiến chính phủ phải ban hành luật cấm sử dụng thiết bị cá nhân như điện thoại trong giờ học để kiểm soát thời gian sử dụng màn hình của trẻ em.
Trong bối cảnh trên, thị trấn Riihimaki, cách thủ đô Helsinki 70 km, đã yêu cầu học sinh trở lại sử dụng bút và giấy. Trước đó, từ năm 2018, thị trấn đã loại bỏ hầu hết sách vở giấy và cho học sinh dùng máy tính bảng, máy tính xách tay.
Hai học sinh Miko Mantila và Inka Warro, học lớp 8 tại Riihimaki, cho biết khả năng tập trung của các em đã được cải thiện kể từ khi quay lại dùng sách giấy. “Đọc sách giấy dễ hơn và nhanh hơn nhiều so với đọc trên máy tính”, em Mantila nói nhưng cho rằng viết trên thiết bị kỹ thuật số dễ hơn.
Còn Warro nhận xét sau khi làm bài tập trên giấy vào buổi tối, em ngủ ngon hơn.
Ủng hộ hành động của ngành Giáo dục Riihimaki, bà Minna Peltopuro, chuyên gia tâm lý học thần kinh lâm sàng, cho biết trung bình thanh thiếu niên Phần Lan sử dụng thiết bị điện tử 6 giờ mỗi ngày.
Việc nhìn vào màn hình quá lâu có thể gây ra các vấn đề về thể chất và tinh thần như bệnh về mắt, bệnh lo âu, trầm cảm. Do đó, người lớn nên kiểm soát thời gian sử dụng thiết bị điện tử của trẻ em.
Bên cạnh Phần Lan, nhiều quốc gia đang áp dụng các biện pháp hạn chế học sinh sử dụng thiết bị điện tử. Pháp mới đây đã thử nghiệm cấm điện thoại di động ở 200 trường học trước khi nhân rộng trên toàn quốc. Đức, Italy, Hà Lan cũng yêu cầu học sinh không sử dụng thiết bị điện tử như điện thoại di động, máy tính bảng, đồng hồ thông minh ở trường học.