Giáo dục trẻ nhận biết thông tin sai lệch
Tại Trường THCS công lập Helsinki (Phần Lan), kiến thức thông tin đa nền tảng và tư duy phản biện mạnh mẽ được coi là những yếu tố cốt lõi, xuyên suốt của chương trình giảng dạy quốc gia được giới thiệu vào năm 2016.
Trong các bài học toán, học sinh (HS) được tìm hiểu về mức độ dễ dàng khi nói dối với những con số. Trong nghệ thuật, các em được biết về việc ý nghĩa của hình ảnh có thể bị thao túng như thế nào. Trong khi đó, giáo viên dạy ngôn ngữ sẽ là những người trao đổi với HS về nhiều cách mà từ ngữ có thể được sử dụng để gây nhầm lẫn và đánh lừa.
“Tư duy nghiêm túc, kiểm tra thực tế, giải thích và đánh giá tất cả thông tin bạn nhận được, bất cứ nơi nào nó xuất hiện, là điều rất quan trọng. Chúng tôi đã biến nó thành một phần cốt lõi của những gì chúng tôi dạy, trong tất cả các môn học”, ông Kivinen - một trong những giáo viên tại Trường Helsinki, nói.
Chương trình giảng dạy này là một phần trong chiến lược do chính phủ Phần Lan đưa ra, kể từ sau khi nước này trở thành mục tiêu tấn công của những câu chuyện giả mạo.
Theo dữ liệu đo lường khả năng chống lại tin tức giả ở 35 quốc gia châu Âu, Phần Lan là quốc gia thành công nhất ở lĩnh vực này. Chương trình GD mới này được đưa ra nhằm bảo đảm rằng, tất cả mọi người, từ HS đến chính trị gia, đều có thể phát hiện và chống lại thông tin sai lệch.
Ông Jussi Toivanen, Giám đốc truyền thông của Văn phòng Thủ tướng Phần Lan, cho biết: “Những thông tin sai lệch gây ảnh hưởng đến tất cả chúng ta và nhằm vào toàn xã hội Phần Lan với mục đích làm xói mòn các giá trị và chuẩn mực của chúng ta. Tuy là một quốc gia nhỏ, không có nhiều tài nguyên, nhưng chúng ta dựa vào sự đóng góp của tất cả mọi người đối với xã hội”.
Chương trình GD mới được thí điểm bởi một ủy ban cấp cao gồm 30 thành viên, đại diện cho 20 cơ quan khác nhau từ các bộ, ngành của chính phủ đến các tổ chức phúc lợi và cảnh sát, dịch vụ tình báo và an ninh.
Trong vòng 3 năm, chương trình đã đào tạo hàng nghìn công chức, nhà báo, giáo viên và thủ thư về cách phân biệt tin tức sai lệch. Saara Jantunen, một nhà nghiên cứu cấp cao của Bộ Quốc phòng cho biết: “Giống như bảo vệ máy tính khỏi virus, dù chính phủ chịu trách nhiệm về một số mặt nhất định, nhưng cuối cùng, việc phân biệt thông tin sẽ phụ thuộc vào mỗi cá nhân”.
Giáo dục dành cho mọi lứa tuổi
Đối với ông Kivinen, không ai là quá trẻ để bắt đầu nghĩ về độ tin cậy của thông tin họ gặp. “Trẻ em ngày nay không đọc sách hay xem tin tức trên tivi và điều đó hoàn toàn ổn. Các em không tìm kiếm tin tức mà tình cờ thấy chúng trên WhatsApp, YouTube, Instagram, Snapchat. Do đó, trẻ cần có khả năng tiếp cận với tin tức một cách nghiêm túc”, ông Kivinen nhận định.
Chia sẻ với truyền thông, Mathilda (18 tuổi) - một HS tại Trường Helsinki cho biết: “Bạn luôn cần nhìn nhận lại thực tế. Quy tắc số một: Không sử dụng Wikipedia và luôn có 3 - 4 nguồn tin khác nhau và đáng tin cậy.
Chúng tôi học được điều đó trong mọi môn học”. Trong khi đó, Priya (16 tuổi) nhận định, GD là cách tốt nhất để chống lại tin tức giả. “Vấn đề là, bất cứ ai cũng có thể xuất bản điều gì đó. GD chính là biện pháp hiệu quả nhất cho tình trạng này”, nữ sinh 16 tuổi cho hay.
Nhằm bày tỏ sự ủng hộ đối với phương pháp ngăn chặn tin tức giả thông qua GD, không ít tổ chức phi lợi nhuận tại Phần Lan đã hỗ trợ nhiều dịch vụ cho các trường học.
Bên cạnh việc vận hành chương trình kiểm tra thực tế, tổ chức Faktabaari (Fact Bar) đã hỗ trợ tổ chức cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu 2014, được điều hành bởi một đội ngũ tình nguyện viên của các nhà báo và nhà nghiên cứu. Ngoài ra, Faktabaari cũng tiến hành sản xuất bộ dụng cụ đọc chữ cho các trường học.
“Về cơ bản, chúng tôi đặt mục tiêu cung cấp cho mọi người công cụ của riêng họ. Nó cũng giống như việc nỗ lực tiêm vắc xin để chống lại các vấn đề, thay vì nói cho mọi người biết những gì đúng và sai”, ông Mikko Salo, thành viên của nhóm chuyên gia cấp cao về tin tức giả mạo của EU cho biết.
Bên cạnh đó, tổ chức phi chính phủ Mediametka đã phối hợp với các công ty khởi nghiệp Phần Lan, sáng tạo công nghệ GD. Đây là một phần trong nỗ lực phát triển những tài liệu chất lượng cho các trường học và thanh thiếu niên.
“Chúng tôi làm việc với hình ảnh, video, văn bản, nội dung số và sau đó yêu cầu HS tự xác định tất cả các loại tin tức sai lệch khác nhau”, Meri Seistola - Giám đốc điều hành tổ chức, nói.