Học sinh nghèo nỗ lực học giỏi để phát triển quê hương

GD&TĐ - Tuy khó khăn về vật chất, nhưng học sinh vùng khó luôn giàu tinh thần và nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Những đứa trẻ thấu hiểu được tầm quan trọng của việc học nên cố gắng đến trường với hy vọng thoát nghèo, phát triển quê hương.

Em Bùi Thị Châu (bên phải) cùng người em gái học bài.
Em Bùi Thị Châu (bên phải) cùng người em gái học bài.

Cô học trò mồ côi “làm mẹ” của 3 người em

Bùi Thị Châu, học sinh lớp 8A3, Trường Tiểu học - THCS Lý Tự Trọng (xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) sinh ra trong gia đình có 4 chị em. Tháng 4/2021, khi mẹ Châu hạ sinh người em út thì chẳng may qua đời. Từ đó, 4 chị em Châu mồ côi mẹ.

Chẳng còn mẹ, Châu là chị cả nên chủ động phụ giúp cha công việc nhà và chăm sóc các em. Có những lúc gánh nặng dồn lên vai cô bé khiến em mệt mỏi và muốn từ bỏ việc học. Thế nhưng, khi nhìn các em và nghĩ đến mẹ, Châu tự động viên bản thân cố gắng tiếp tục đến trường.

“Khi mẹ mất em đang học lớp 7. Mẹ ra đi đột ngột khiến em buồn và bỡ ngỡ, không biết phải bắt đầu mọi việc từ đâu. Có lúc chán nản, em muốn nghỉ học giữa chừng để đi làm thuê chăm các em. Thế nhưng gia đình, thầy cô luôn động viên em cố gắng học chữ vì con đường này mới giúp cuộc sống gia đình bớt khó khăn hơn. Em cũng may mắn bởi các em còn nhỏ nhưng rất hiểu chuyện, ít quấy khóc. Người em kế là Bùi Thị Bích Trâm đang học lớp 3 cũng phụ em những công việc nhỏ trong nhà. Thế rồi em cũng vực dậy bản thân và cố gắng mỗi ngày”, em Châu bộc bạch.

Em Bùi Thị Bảo Ngọc luôn ước mong cha mẹ có thật nhiều sức khỏe.

Em Bùi Thị Bảo Ngọc luôn ước mong cha mẹ có thật nhiều sức khỏe.

Những ngày Châu đi học, bố đi làm phải gửi người em út cho các bác chăm giúp. Bản thân Châu, sau giờ học về dọn dẹp nhà cửa rồi lo cơm nước cho 2 người em. Hè đến, cha đón em út về rồi 4 chị em Châu chăm sóc, giúp đỡ nhau học tập.

“Mẹ mất khi các em còn quá nhỏ. Thiếu hơi mẹ, nhiều đêm mấy đứa nhỏ sụt sùi khóc vì nhớ. Em cũng nhớ mẹ da diết, nhưng không dám khóc vì các em buồn. Lúc này, bản thân chẳng biết làm gì hơn ngoài ôm các em vào lòng và kể những câu chuyện về tương lai tươi sáng”, em Châu tâm sự.

Mặc dù vừa đến trường học chữ và làm “mẹ” của 3 người em nhưng năm học 2021 - 2022, Bùi Thị Châu vẫn đạt danh hiệu học sinh tiên tiến.

Anh Bùi Công Chính – cha của Châu trông già hơn so với cái tuổi 40 của mình. Với 250 cây cà phê là tài sản duy nhất của gia đình, hàng ngày anh Chính phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để lo cho 4 người con ăn học.

“Với số ít nương rẫy khó khăn lắm mới đủ nuôi 5 miệng ăn. Do đó, tôi lo lắng ít năm nữa khi sức khỏe yếu thì làm chẳng đủ chi phí cho các con đến trường. Tôi mong được hỗ trợ, giúp đỡ để các con đến trường học chữ như chúng bạn”, anh Chính bộc bạch.

Trường Tiểu học - THCS Lý Tự Trọng thường xuyên thăm hỏi, động viên học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Trường Tiểu học - THCS Lý Tự Trọng thường xuyên thăm hỏi, động viên học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Ước mong phát triển quê hương

Chẳng khác hoàn cảnh Châu là bao, em Hoàng Thị Thủy (lớp 6D1, dân tộc Tày, Trường Tiểu học - THCS Lý Tự Trọng) mồ côi cha từ nhỏ. Từ ngày cha mất, mẹ Thủy gồng gánh nuôi 2 con ăn học. Thương mẹ vất vả, sau giờ học, Thủy phụ dọn dẹn nhà cửa, nấu cơm. Còn người anh trai vào Đồng Nai làm để đỡ đần mẹ nuôi em ăn học.

“Mẹ và anh vất vả nuôi em khôn lớn và ăn học đủ đầy như các bạn. Do đó, em luôn phấn đấu học tốt, đạt thành tích cao trong học tập. Với kết quả học tập của mình em muốn dành tặng cho những người em yêu thương”, em Thủy tâm sự.

Học cùng trường nhưng may mắn hơn hai bạn, em Bùi Thị Bảo Ngọc (dân tộc Mường, lớp 8D3) vẫn còn được sống trong vòng tay yêu thương của cả cha lẫn mẹ. Thế nhưng, mẹ Bảo Ngọc lại mắc căn bệnh tim nên hay đau ốm và chẳng thể làm công việc nặng nhọc. Ngoài chăm sóc 200 cây cà phê, cha Bảo Ngọc còn làm công nhân nhà máy mì để kiếm tiền lo thuốc thang cho vợ.

Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng Ngọc luôn hòa đồng, giúp đỡ những bạn học yếu hơn trên lớp. Đến khi về nhà Bảo Ngọc “hóa thân” thành cô giáo dạy 2 em học bài. Bảo Ngọc luôn căn dặn các em phải ngoan ngoãn, học tập thật tốt để không phụ lòng mong mỏi và sự hy sinh của cha mẹ dành cho 3 chị em.

“Mặc dù bị bệnh tim hành hạ thể xác nhưng mẹ vẫn luôn dịu dàng, yêu thương và hy sinh vì chúng em. Mong cha mẹ có nhiều sức khỏe để chứng kiến chúng em học tốt và lớn lên từng ngày. Sau này nếu có điều kiện em muốn trở thành giáo viên hoặc bác sĩ để trở về quê giúp đỡ những đứa trẻ khó khăn và làm cho quê hương ngày càng phát triển”, em Bảo Ngọc tâm sự.

Trong năm học 2021 - 2022, Thủy và Bảo Ngọc được nhận học bổng Vừ A Dính của Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu” phối hợp với sở GD&ĐT tổ chức. Ngoài ra, tại Cuộc thi viết về mẹ, với những tình cảm chân thành dành cho người mẹ của mình, bài viết của Ngọc đã xuất sắc đoạt giải Ba.

Thầy Nguyễn Tài Duệ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS Lý Tự Trọng - cho biết: Gia đình em Bùi Thị Châu, Hoàng Thị Thủy và Bùi Thị Bảo Ngọc đều là những hộ nghèo, cận nghèo tại địa phương nhưng các em luôn cố gắng, nỗ lực trong học tập.

Theo thầy Duệ, các em đều là học sinh có học lực khá và hạnh kiểm tốt. Đồng thời năng nổ tham gia các hoạt động do nhà trường tổ chức. Để động viên, khích lệ tinh thần các em vào những dịp lễ, tết, nhà trường thường xuyên đến thăm và tặng quà cho gia đình. Bên cạnh đó, nhà trường còn vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ học sinh khó khăn quần áo, sách vở vào dịp đầu năm học.

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiện trường vụ tổ hợp Litening rơi tại East Yorkshire, miền đông nước Anh.

Tiêm kích Typhoon bị 'mù' sau sự cố

GD&TĐ - Theo The Aviationist, chiến đấu cơ Typhoon của Không quân Anh đã gặp sự cố bất ngờ trong diễn tập khi để rơi tổ hợp chỉ thị mục tiêu Litening.

Ảnh minh họa/ITN.

Tránh học tập thụ động với ChatGPT

GD&TĐ - Việc học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài một cách thiếu động não, tư duy, bị trí tuệ nhân tạo dẫn dắt, bị mất đi sự tự chủ là đáng lo ngại.