Giảng viên xin điện thoại cũ về "nâng cấp" để tặng học sinh nghèo

GD&TĐ - Sau khi xin điện thoại về, thầy Dũng sửa chữa, thay màn hình, cài đặt lại phần mềm rồi tặng cho học sinh nghèo để các em có thiết bị học trực tuyến.

Thầy Dũng bên số điện thoại, máy tính bảng cũ vừa xin được, mang về  nhà sửa lại. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Thầy Dũng bên số điện thoại, máy tính bảng cũ vừa xin được, mang về  nhà sửa lại. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Lên mạng xin điện thoại

Trước khai giảng năm học mới, thầy giáo Nguyễn Ngọc Dũng - giảng viên ĐH Phương Đông đã kịp tặng 20 chiếc điện thoại cho học sinh nghèo trên địa bàn xã Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội). Nhờ đó, các em có thiết bị để phục vụ học trực tuyến vì chưa thể đến trường do dịch bệnh. 

Chia sẻ với Báo Giáo dục & Thời đại, thầy Dũng cho biết, sau khi dự cuộc họp phụ huynh online với nhà trường - nơi con thầy đang theo học - về nhiệm vụ năm học mới, thầy được biết một số bạn trong lớp không có thiết bị để học trực tuyến.

Ngay ngày hôm sau (26/8), thầy Dũng đã lên trang cá nhân kêu gọi sự ủng hộ của mọi người.

"Khi đó, Hà Nội đang áp dụng quy định giãn cách xã hội, tôi đã đặt mục tiêu kiếm đủ máy cho 20 học sinh không có thiết bị học tập ở các cấp học trước ngày khai giảng, theo thống kê của xã.

Mình có xin máy tính, máy tính bảng, điện thoại, nhưng chủ yếu là xin điện thoại cũ vì nguồn cung dồi dào hơn. Cấu hình của điện thoại cao hơn khi dùng máy tính cùng giá tiền.

Hơn nữa, dù điện thoại màn hình bé nhưng tính cơ động cao. Những em ở trọ hoặc hay di chuyển theo bố mẹ mà điều kiện nhà cửa chưa có thì việc cung cấp 1 sim điện thoại dễ hơn cấp dây cáp internet, mua tặng gói cước cũng linh hoạt hơn", thầy Dũng nói.

Tâm sự thêm về gia đình, thầy giáo Nguyễn Ngọc Dũng cho biết: Bố mẹ thầy đã lớn tuổi,  sức khỏe của vợ không được tốt lại phải kèm cặp 2 con nhỏ nên thời gian có hạn. Ngoài ra, thầy còn tham gia vào các hoạt động từ thiện, phòng chống dịch ở địa phương.

Nhiều hôm, thầy phải thức tới 2h sáng để sắp xếp công việc, từ hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho hộ nghèo, cận nghèo, tạm trú trên địa bàn  đến các điểm chốt phòng chống dịch, giúp trạm y tế trong chiến dịch tiêm chủng vắc-xin.

Thầy Dũng và anh Tiến sửa chữa, cài đặt lại điện thoại cũ đến đêm khuya. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Thầy Dũng và anh Tiến sửa chữa, cài đặt lại điện thoại cũ đến đêm khuya. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Trong thời gian trực chốt chống dịch, thầy Dũng lại tranh thủ lôi điện thoại, máy tính ra để sửa chữa. Dù không phải dân IT nhưng thầy tự mày mò, sửa chữa hoặc cài đặt những phần mềm thứ đơn giản.

Thầy Dũng kết hợp với một người bạn nữa là anh Nguyễn Văn Tiến - Bí thư Chi Đoàn thôn Phù Đổng 2 cùng đảm nhận tất cả các phần thay thế sửa chữa, bảo hành thiết bị cho các em học tập. 

Việc làm ý nghĩa 

"Trong đợt đầu, tôi huy động được 30 điện thoại nhưng nhiều chiếc bị hư hỏng nặng nên chỉ sửa chữa, mua mới được 20 chiếc, đủ để trao tặng cho số học sinh thiếu thiết bị tại xã. Khi Chính phủ triển khai chương trình "Sóng và máy tính cho em", tôi quyết định kéo dài chương trình để một phần giúp đỡ các em học sinh nghèo.

Ngoài ra, tôi cũng mong ở bất kỳ điểm nào gặp khó khăn tương tự đều có những người tình nguyện thu gom và cung cấp kịp thời điện thoại để các em không bị gián đoạn học tập.

Chỉ riêng ngày 16/9, tôi đã quyên góp thêm được 24 điện thoại các loại, 1 máy tính bảng, 3 lap top (phần lớn là hỏng hóc) và một bộ máy tính cây mới nguyên đai nguyên kiện. Hiện tại, tôi và anh Tiến bắt tay vào sửa chữa và  sẽ tiếp tục kêu gọi thêm", nam giảng viên chia sẻ.

Thầy Nguyễn Ngọc Dũng trao tặng điện thoại cho BGH Trường Tiểu học Phù Đổng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Thầy Nguyễn Ngọc Dũng trao tặng điện thoại cho BGH Trường Tiểu học Phù Đổng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Sau khi xin được điện thoại về, thầy Dũng kiểm tra lại và có khi phải bỏ thêm từ 400.000 - 500.000 đồng để sửa chữa, thay thế phụ tùng. Dự kiến, thầy sẽ tặng Thành Đoàn Hà Nội, nhờ đoàn thanh niên chuyển đến những địa chỉ đang cần những thiết bị này nhất.

TS Ngô Quang Duy, Trưởng ngành Việt Nam học, khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, ĐH Phương Đông đánh giá, thầy Nguyễn Ngọc Dũng là giảng viên thỉnh giảng của khoa, có chuyên môn tốt và tinh thần vì cộng đồng. Thầy Dũng cũng là cựu sinh viên của trường nên khi được mời về giảng dạy, thầy luôn tâm huyết với nghề và tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng.

Được nhận điện thoại từ thầy Dũng trước khai giảng năm học mới 1 ngày, cô giáo Vương Thị Quyên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phù Đổng không giấu được niềm xúc động, vui mừng khi học trò của mình sẽ không bị gián đoạn khi học trực tuyến vì thiếu thiết bị.

Toàn trường có 7/11 học sinh được tặng điện thoại. Ngoài điện thoại, thầy cũng tặng học sinh gạo, tiền và mua gói cước cho các em. 

Thầy giáo Đới Đăng Hân - Hiệu trưởng Trường THCS Phù Đổng nhấn mạnh, việc làm của thầy Dũng cùng sự chung tay của các nhà hảo tâm mang ý nghĩa rất nhân văn, giúp các trò nghèo có điều kiện học trực tuyến tại nhà. Đến nay, nhà trường đã nhận được 6 chiếc điện thoại để tặng lại cho học sinh khó khăn.

Không chỉ vậy, nếu điện thoại có trục trặc, các em cũng có thể gọi theo số máy thầy Dũng dán phía sau điện thoại để được sửa chữa miễn phí.

Không chỉ tặng điện thoại, thầy giáo Nguyễn Ngọc Dũng còn tặng học sinh khó khăn gạo, tiền và nhu yếu phẩm. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Không chỉ tặng điện thoại, thầy giáo Nguyễn Ngọc Dũng còn tặng học sinh khó khăn gạo, tiền và nhu yếu phẩm. Ảnh: Nhân vật cung cấp. 

Trong suốt 6 năm làm tình nguyện, thầy Dũng luôn nhận được sự ủng hộ của gia đình. Mỗi khi sắp xếp đồ để tặng, cả nhà thầy đều tham gia hỗ trợ. Những chuyến đi phát mà không quá xa, thầy thường cho con đi cùng để các con có bài học trải nghiệm về cuộc sống.

"Thật sự tôi rất vui khi nhận được những sự hỗ trợ của mọi người. Ngoài việc các em học sinh nhận được niềm vui, thì tôi hiểu, những người mang cho, có khi là những nông dân, công nhân quét rác, họ chưa giàu có nhưng đã làm những việc có ích, san sẻ trong khả năng của họ để góp phần tạo nên những hành động nhân văn...", vị giảng viên trẻ tâm sự thêm. 

Vợ chồng thầy Dũng có hai con, học lớp 7 và lớp 3. Sau khi sinh con, sức khỏe của vợ thầy suy giảm, bản thân từng trải qua giai đoạn thập tử nhất sinh. Vợ chồng phải chạy khắp các bệnh viện vì các con ốm đau liên miên. Thấu hiểu nỗi lòng của người làm cha mẹ và yêu quý trẻ, thầy luôn hướng các hoạt động thiện nguyện của mình đến trẻ em.

Hàng năm, thầy Dũng đều dành tiền và có các chương trình giúp đỡ bệnh nhân của Bệnh viện K và Bệnh viện Nhi Trung ương. Trước mỗi chuyến từ thiện, hai vợ chồng cùng các con phân chia thực phẩm và đóng vào từng túi. Các con được theo chân bố, vác gạo đi tặng người nghèo. Hoạt động thiện nguyện vừa là cách để cho đi, nhưng cũng là cách thầy dạy các con biết yêu thương, trân trọng cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ