Vận động tới trường đã khó, giữ chân các em còn khó hơn

Vận động tới trường đã khó, giữ chân các em còn khó hơn

(GD&TĐ) - Thầy Vũ Tiến Dũng, hiệu trưởng trường THCS Mường Mùn, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên tâm sự với tôi: làm công tác giáo dục ở miền núi gian nan, vất vả chắc không nói thì ai cũng biết, nhưng ở trường này thì đặc biệt là phải thực sự tâm huyết, yêu nghề... với địa bàn xã trải rộng 27 bản, trong đó có tới 12 bản vùng cao cách xa trường từ 17 - 42 km. Lên đó duy nhất chỉ có thể đi bộ.

Dãy nhà bán trú của trường
Dãy nhà bán trú của trường

Gian nan vận động các em tới trường

Có thực tế chia sẻ với thầy trò Trường THCS Mường Mùn, chúng tôi mới thấu  hiểu được phần nào khó khăn, vất vả họ đang từng ngày vượt lên hoàn thành nhiệm vụ, làm tròn trách nhiệm, sự nghiệp cao cả bằng tâm huyết “tất cả vì học sinh thân yêu”.

Thầy Dũng kể cho chúng tôi nghe những kỷ niệm về chuyến đi vận động các em học sinh. Lên các bản vùng cao như bản Thẩm Mú, Thẩm Táng cách xa trường 42 km phải chuẩn bị thực phẩm mang theo nếu trời mưa lên được đến nơi phải mất 2 ngày. Có lần đến bản, đàn ông đi làm nương rẫy hết chỉ có người già và phụ nữ ở nhà, khi hỏi thì chỉ được câu trả lời “chi pâu” có nghĩa là không biết. Những lúc như thế chỉ còn biết ngồi ở ngoài đợi đàn ông đến tối đi làm về, vì phụ nữ cả bản không biết tiếng phổ thông.

Ở các bản vùng cao chủ yếu là dân tộc Mông, Khơ Mú trình độ dân trí thấp họ không muốn con mình đi học quá xa, rồi chỗ ăn chỗ ở nhà trường không thể bố trí đủ, con em họ phải đi tìm chỗ ở, lại cõng gạo trèo đèo lội suối đến trường. Những chuyến đi như vậy, thầy cô phải ở lại cả tuần ăn ngủ với bà con, có nhiều gia đình quá khó khăn, khi vận động được các em rồi thì gia đình bảo các thầy cô lo ăn, ở cho các em thì cho đi học.

Vận động được học sinh xuống trường thì khó khăn nhất hiện nay là chỗ ăn, ở của các em, hiện tại khu nhà bán trú chỉ có thể đủ cho 70 em, mà như năm học 2010 - 2011 nhà trường có 192 học sinh bán trú, có nhiều em xuống học 2 - 3 ngày thấy vậy bỏ về những trường hợp này, vận động các em quay lại học là rất khó cũng vì chỗ ăn ở, ngại cõng gạo đường xa.

Thực tế chỗ ở của các em học sinh bán trú, khi trời mưa các em nấu ăn ngay ở trong phòng vì bếp ăn chỉ có được vài chỗ, còn không mưa thì các em mang ra nấu ngay cửa nhà. Bữa ăn của các em chỉ có bát muối, nồi canh lõng bõng nước vài cây rau, một số em được thầy cô nhường cho cái bếp, chỉ khoảng vài mét vuông mà có tới 6 em ở, mới thấy rõ gian nan.

Bếp nhà thầy Nguyễn Anh Tuấn là chỗ ở của các em
Bếp nhà thầy Nguyễn Anh Tuấn là chỗ ở của các em

Thầy trò cùng vượt khó

Thầy Vũ Văn Dũng cho chúng tôi biết: năm học 2010 - 2011 ở 12 bản vùng cao có 76 em trong độ tuổi 11 - 18 tuổi nhà trường không thể vận động được các em ra học hệ phổ thông. Còn 144 em vận động ra lớp thì đến thời điểm hiện tại có 3 em bỏ học, so với mọi năm là giảm hơn rất nhiều, vì nhà trường đã thực hiện nhiều giải pháp, đặc biệt nhiều nhà thầy cô ở địa bàn xung trường đã chia sẻ khó khăn với các em, tạo điều kiện cho các em ở bản vùng cao ở cùng với gia đình, giúp đỡ các em. Hiện nay có 50 em học sinh bán trú, được các thầy cô giúp đỡ.

Thầy Nguyễn Anh Tuấn, Phó hiệu trưởng, có ngôi nhà hơn 20 mét vuông mà tất tật là chỗ sinh hoạt của 3 người, 2 vợ chồng và con vì cái bếp đã được chuyển sang thành phòng ở của 6 em học sinh. Thầy Tuấn tâm sự với chúng tôi: các em ở với các thầy cô, vừa quản lý được các em học, gần gũi thường xuyên động viên, chia sẻ từng hạt muối, nắm rau, bát gạo...

Cô Quàng Thị Biên là giáo viên vừa ra trường tuy ở căn phòng tập thể chưa đầy 10 mét vuông, cô cũng nhận 1 em học sinh về nuôi.

Bữa ăn của các em học sinh
Bữa ăn của các em học sinh

Chúng tôi sang nhà thầy Quàng Văn Thành qua lời giới thệu của thầy Dũng hiệu trưởng vào thời điểm đầu năm học, nhà trường chưa kịp bố trí đủ chỗ ăn ở cho các em. Học sinh ở nhà thầy có tới 20 em, còn bình thường thì cứ hơn chục em, không những cho các em ở nhờ mà thầy còn nuôi luôn những em có điều kiện khó khăn, đã 5 năm nay thầy nuôi gần 100 em học sinh, khi chúng tôi đến nhà thầy các em học sinh được nghỉ cho học sinh lớp 9 thi nên các em về nhà, chỉ còn lại em Sình A Dù và Giàng A Dua nhà các em ở bản xa, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt lên các em ở lại.

Thầy Thành tâm sự: Thầy là người ở bản, lên có điều kện hơn các thầy cô ở trong trường. Các em ở bản vùng cao về học, em nào có điều kện hoàn cảnh quá khó khăn, thầy đón các em về nuôi chỉ bảo các em học hành. Thật ngạc nhiên vì sao thầy có thể làm được như vậy! Thầy bảo thương các em phải đi bộ mấy chục km về đây có em nhà không có gạo để mang đi, thế là thầy làm đơn xin xã đất hoang, khai hoang được 2ha nương.

Thầy trò cùng nhau sáng lên lớp, chiều về làm nương. Các em ở nhà thầy ăn chung ở chung như con trong nhà, khó khăn, thiếu thốn thì thầy ăn gì các em ăn đấy. Tối đến thầy soạn bài trò học có gì hỏi thầy chỉ bảo luôn. Em Sình A Dù học sinh lớp 8, đã làm con trong nhà thầy từ ngày về học lớp 6. Em nói với chúng tôi, không có thầy Thành em chẳng bao giờ có thể được học cấp 2 vì mẹ em ăn lá ngón tự tử. Em ở với bố và là con út thứ 7 trong nhà, thầy Thành lên vận động em đi học, đưa em về nuôi, em ở luôn với thầy, chỉ hè và tết mới về thăm gia đình, có rất nhiều em được thầy nuôi dưỡng giáo dục, nay đã trưởng thành đi học các trường chuyên nghiệp, mỗi khi về đều đến thầy đầu tiên. Thật đáng khâm phục tấm lòng của những người thầy nơi đây, trên vai các thầy lại nặng thêm vì trò.

Bếp không đủ chỗ nấu các em nấu ngay cửa nhà
Bếp không đủ chỗ nấu các em nấu ngay cửa nhà

Phạm Kiên Cường

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Siết chặt nồi hầm ở Kurakhove

Siết chặt nồi hầm ở Kurakhove

GD&TĐ - Các nhóm quân Nga từ phía đông, phía nam và phía bắc đang thắt chặt vòng vây quanh nhóm quân của Lực lượng Vũ trang Ukraine ở thành phố Kurakhove.