Linh hoạt ứng phó với dịch bệnh
Thời gian vừa qua, Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) đã ghi nhận 3 trường hợp là học sinh mắc Covid-19. Tuy nhiên, nhà trường đã phối hợp với lực lượng chức năng khẩn trương truy vết, ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Theo cô Trần Thị Thu Thuỷ, Hiệu trưởng nhà trường, sau khi phát hiện 3 học sinh là F0, toàn trường đã chuyển sang hình thức học trực tuyến trong thời gian 2 tuần. Đối với những em hoàn cảnh khó khăn, không có thiết bị học tập, nhà trường đã kêu gọi các mạnh thường quân, nhà hảo tâm hỗ trợ. Hiện tại 100% học sinh của trường đã có đầy đủ thiết bị học trực tuyến.
Theo cô Thuỷ, thời gian đầu khi các em mới làm quen với hình thức học trực tuyến khá khó khăn. Đặc biệt đối với học sinh lớp 1 và lớp 2 phải luôn có phụ huynh kèm cặp, hỗ trợ để đảm bảo an toàn. Sau khi học sinh quay trở lại trường học trực tiếp, giáo viên đã bổ trợ thêm kiến thức để tất cả các em nắm vững chương trình.
Em Nguyễn Ngọc Mỹ Uyên, học sinh lớp 2D cho hay: “Thời gian trước do ảnh hưởng của dịch bệnh nên em và các bạn học trực tuyến thông qua điện thoại, máy tính. Hiện nay tình hình dịch bệnh ổn định nên em đến trường học trực tiếp và được gặp thầy cô, bạn bè.
Với chương trình SGK lớp 2 em rất thích thú khi học tập, bởi sách có nhiều hình ảnh sinh động, hấp dẫn. Bên cạnh đó, em được thầy cô dạy kĩ năng ứng xử, tự lập…”.
Học sinh tự tin, mạnh dạn hơn
Thầy Phạm Văn Phụ, Phó trưởng phòng GD&ĐT thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum) cho biết, thời gian qua, trên địa bàn có hàng chục trường hợp là giáo viên và học sinh mắc Covid-19. Để đảm bảo an toàn, Phòng đã chỉ đạo các trường học kích hoạt tổ An toàn Covid-19 và phản ứng nhanh nhằm phân luồng, phát hiện sớm F0. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế để đưa những trường hợp F0 cách ly y tế tạm thời và tiến hành phun khử khuẩn toàn lớp học và tiếp tục truy vết, lấy mẫu xét nghiệm.
Cũng theo thầy Phụ, một số trường đã chủ động xây dựng các phương án phòng dịch, phân luồng học sinh theo từng lớp học, thực hiện ra chơi chéo, ra về trễ. Qua đó, hạn chế tập trung đông người, tránh dịch bệnh lây lan… Đồng thời, Phòng đã thực hiện theo phương châm "Không bỏ sót bất kỳ học sinh nào".
Theo đó, đối với những trường hợp học sinh phải cách ly, theo dõi sức khoẻ tại nhà các trường đã chủ động liên hệ với phụ huynh và dạy trực tuyến. Với học sinh lớp 1 thì có phụ huynh hỗ trợ để đảm bảo an toàn và giúp các em tiếp thu kiến thức một cách tốt nhất.
Tuy nhiên, theo thầy Phụ, trong quá trình dạy trực tuyến đã gặp một số khó khăn khi đội ngũ giáo viên không đồng đều về công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, hệ thống mạng chưa được nâng cấp kịp thời. Ngoài ra, thiết bị dạy và học của giáo viên, học sinh vẫn còn thiếu. Đặc biệt ở những khu vực vùng sâu vùng xa.
“Thông qua chương trình “Sóng và máy tính cho em” mà Bộ GD&ĐT phát động, địa phương đã được phân bổ 500 máy tính bảng. Với số lượng thiết bị này phần nào giúp học sinh vùng sâu, vùng xa bớt khó khăn hơn khi học trực tuyến”, thầy Phụ nói.
Với những học sinh không đủ điều kiện học trực tuyến thì giáo viên gửi bài tập và hướng dẫn học sinh qua Zalo. Qua đó, giúp các em tiếp thu đầy đủ kiến thức, theo kịp chương trình học. Bên cạnh đó, sau khi các em đi học trở lại giáo viên sẽ dành thời gian hướng dẫn, ôn tập lại kiến thức cho học sinh.