Học sinh lớp 9 chế tạo rô-bốt cứu hỏa

Vượt mọi địa hình, chữa cháy ở nơi nằm sâu nhất trong rừng, trong hẻm… nơi mà xe chuyên dụng chữa cháy khó tiếp cận. 

Rô-bốt cứu hỏa của Tuấn. Ảnh: Nguyễn Trang
Rô-bốt cứu hỏa của Tuấn. Ảnh: Nguyễn Trang

Đó là những tính năng mới trong sản phẩm sáng tạo của em Phùng Ngọc Tuấn, lớp 9, trường THCS Ngô Quyền (xã Duy Hải, Duy Xuyên, Quảng Nam).

Dù không có nhiều điều kiện, thiết bị để sáng tạo như những bạn ở thành phố, nhưng Tuấn, một học sinh trường ven biển vùng cát Duy Hải vẫn làm ra “Rô-bốt Cứu hỏa”, và vừa đạt giải nhất cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng huyện Duy Xuyên.

Rô-bốt cứu hỏa được sáng chế từ những vật liệu đơn giản, nhưng phát huy tính hiệu quả, sáng tạo cao. Tuấn cho biết: “Rô-bốt cứu hỏa có thể vượt mọi địa hình, chữa cháy ở những nơi nằm sâu nhất tận hẻm nhỏ, nơi mà xe chuyên dụng không tới được, khó tiếp cận. Đặc biệt, mô hình được điều khiển từ xa bởi một người ở một khoảng cách nhất định”.

Chia sẻ về ý tưởng, Tuấn nói: “Khi em và ba xem ti vi, ba em bảo là bây giờ nắng nóng, cháy rừng nhiều quá, bảo em làm một cái chữa cháy đi”. 

Thế là Tuấn bắt đầu “trưng dụng” những vật liệu như sắt, vòng bi, mô tơ, bình nước,… “Có những cái em đi xin anh em hoặc đi xin chú thợ sửa xe, rèn hàn để mua những mô tơ cũ, vòng bi, sợi xích sắt, bình chứa nước,vòi phun nước...” - Tuấn nói.

Việc chiếm nhiều thời gian của Tuấn nhất là vẽ mô hình ra giấy và nhờ các thầy cô, anh chị xem giúp để góp ý hoàn thiện. Sau đó Tuấn nhờ thợ cơ khí và thợ sửa xe đạp, rèn, hàn lại chế tạo sản phẩm. 

Mô tả nguyên lý làm việc của rô-bốt, Tuấn chia sẻ: “Rô-bốt chuyển động do hai mô tơ được gắn trên bộ khung sắt, chúng chuyển động đối lập nhau. Mô tơ chuyển động do nguồn điện được kết nối với hai công tắc.

Khi nguồn điện được đóng, mô tơ sẽ chạy và các bánh xích cũng sẽ hoạt động theo”. Nếu tắt công tác bên trái, mô tơ phải chạy, rô-bốt sẽ chạy và quay đầu sang trái và ngược lại. Tất cả các công đoạn đều được điều khiển từ xa. 

“Nhờ có bánh xích, nên rô-bốt có thể di chuyển vào những khu vực khó khăn, hiểm trở. Rô-bốt được làm bằng sắt nên không cháy được khi gặp phải lửa bắn vào” - Tuấn cho biết. Khó nhất khi làm mô hình này là làm sao để rô-bốt đi đúng hướng, do đó đã phải đi sửa rất nhiều lần.

Khi rô-bốt tới địa điểm, nó sẽ tự động phun nước ra để dập lửa, Vòi nước được gắn phía trước, bình nước mô hình chứa khoảng 1 lít nước, khi đó, áp suất được nén lại, lực đẩy nước mạnh, khiến nước phun xa khoảng 6-7 m. 

Theo thiết kế, chiều dài ống nước là 40cm, bán kính bình chứa là 90cm. Để cải thiện trong tình trạng thiếu nước trữ trong bình, vòi kéo nước sẽ được nối với địa điểm nước gần nhất.

Thầy Trần Đức Công - Tổng phụ trách trường, cho biết: “Nếu Rô-bốt đưa vào ứng dụng cuộc sống sẽ được làm lớn và thêm bộ phận mang vác ống chuyên dụng. Gắn thiết bị điều khiển từ xa và camera quan sát để theo dõi quá trình chữa cháy”. 

Sản phẩm này được Tuấn và thầy hướng dẫn làm với chí phí gần 1,5 triệu đồng, hầu như vật liệu đều được tận dụng lại.

Ngoài mô hình rô-bốt cứu hỏa, từ khi mới học lớp 6 Tuấn đã mày mò dùng mô tơ để làm đồ chơi như thuyền, xe,… Hiện Tuấn dự định làm máy bay điều khiển từ xa.

Theo tienphong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ