Gắn Toán học với cuộc sống
Toán học là một bộ môn gắn liền với thực tiễn, đặc biệt là theo chương trình, sách giáo khoa mới. Theo đó, mục tiêu chung của môn Toán là giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực toán học đặc thù; các kiến thức, kĩ năng then chốt và tạo cơ hội để học sinh được trải nghiệm.
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, toán học góp phần giúp học sinh phát triển một số năng lực như: mô hình hoá toán học; giải quyết vấn đề toán học; giao tiếp toán học; sử dụng công cụ, phương tiện học toán. Học sinh học Toán qua thực hành, các hoạt động trải nghiệm, và thực hiện các dự án học tập.
Tính ứng dụng vào thực tiễn của môn Toán còn được thể hiện qua các hoạt động thực hành và trải nghiệm với nhiều hình thức như: thực hiện những đề tài, dự án học tập về Toán, giáo viên áp dụng các kiến thức lý thuyết Toán học để tổ chức trò chơi, phát triển câu lạc bộ toán học, diễn đàn, hội thảo, cuộc thi về Toán… tạo cơ hội giúp học sinh vận dụng kiến thức, kĩ năng và kinh nghiệm của bản thân vào thực tiễn một cách sáng tạo.
Các học sinh thực hành đo chỉ số BMI và báo cáo sản phẩm cấp Trường. |
Với những thay đổi ở chương trình giáo dục phổ thông mới, Thầy cô giáo Tổ Toán - Tin Trường THCS - THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) đã xây dựng và tổ chức dạy học với dự án “Chỉ số khối cơ thể BMI” cho học sinh khối 6.
Xuyên suốt dự án học học sinh sử dụng các kiến thức đã học về phép chia phân số, số thập phân đã học trên lớp để áp dụng vào việc tính chỉ số BMI cho bản thân, cho người thân trong gia đình và cho các bạn cùng lớp.
Trước khi thực hiện dự án, học sinh tiến hành ôn tập lại các kiến thức cần thiết cần sử dụng bằng trò chơi quizzi, đuổi hình bắt chữ.
Học sinh cũng được giáo viên hướng dẫn sử dụng các dụng cụ đo đạc: thước dây (đo chiều cao), cân (đo cân nặng), và hướng dẫn học sinh lập trình bằng phần mềm Scratch để tính chỉ số BMI, phần mềm Canva để thiết kế các poster, slide cho các bài báo cáo,...
Sản phẩm thiết kế canva tuyên truyền từ các nhóm học sinh lớp 6. |
Thực hành Toán học thú vị
Học sinh được trải nghiệm đo đạc thực tế dưới thư viện trường dưới sự hướng dẫn của giáo viên bộ môn. Qua các bước làm cụ thể từ quan sát đến đo đạc, ghi nhận lại các thông số và cuối cùng là áp dụng kiến thức “Chỉ số khối cơ thể BMI” để tìm ra kết quả chiều cao, cân nặng, chỉ số BMI của bản thân. Từ đó rút ra những giải pháp nhằm đạt chỉ số BMI lí tưởng.
Hoạt động trải nghiệm diễn ra vô cùng sôi nổi, tích cực giúp cho học sinh tăng cường khả năng sáng tạo, học đi đôi với hành. Học sinh nhiệt tình, hào hứng tham gia khiến buổi học tập thực tế trở nên rất thú vị và mang lại kết quả tốt giúp học sinh hoàn thiện nhiệm vụ của dự án mà các con đang thực hiện.
Học sinh trở lại lớp học để thảo luận tính toán với các thông số ghi lại. Sau đó tiến hành làm các sản phẩm báo cáo cấp lớp cho từng nhóm: video, poster, bài ppt thuyết trình.
Sản phẩm thiết kế canva tuyên truyền từ các nhóm học sinh lớp 6. |
Thông qua hoạt động trải nghiệm các học sinh đã nhận ra rằng bản thân mình, bạn bè mình, thầy cô mình hay người thân của mình đang có chỉ số BMI là bao nhiêu (thông qua tìm hiểu chiều cao cân nặng).
Học sinh Cao Đức Phát - lớp 6i2 chia sẻ: Dự án đo chỉ số khối cơ thể BMI vô cùng thú vị và giúp chúng em hào hứng hơn khi tiếp cận với môn Toán ở trung học cơ sở. Em và các bạn được sáng tạo dưới nhiều hình thức thể hiện khác nhau, tự phát huy được thế mạnh của bản thân và đội nhóm. Bản thân em cũng tự ý thức được việc ăn uống, rèn luyện thể dục để giữ sức khỏe tốt và chỉ số BMI cân đối.
Nhóm học sinh báo cáo sản phẩm cấp lớp. |
Từ những nghiên cứu thực tế, các nhóm học sinh lớp 6 đã đưa ra những tư vấn vô cùng thiết thực cho từng nhóm đối tượng dựa vào bảng chỉ số sau đây:
Gầy | Nam | BMI < 20 |
Nữ | BMI < 18 | |
Bình thường | Nam | 20 < BMI < 25 |
Nữ | 18 < BMI < 23 | |
Béo phì mức độ I | Nam | 25 < BMI < 30 |
Nữ | 23 < BMI < 30 | |
Béo phì mức độ II | Nam | 30 < BMI < 40 |
Nữ | 30 < BMI < 40 | |
Béo phì mức độ III | Nam | 40 < BMI |
Nữ | 40 < BMI |
Thầy Nguyễn Đức Thắng, Tổ trưởng Tổ Toán - Tin Trường THCS - THPT Ban Mai chia sẻ: Phương pháp học thông qua dự án thực tế giúp học sinh được áp dụng toán học vào đời sống thường ngày. Từ đó, các em có cách nhìn nhận khác hơn về môn toán. Toán học không còn khô khan và khó hiểu mà gần gũi và vô cùng thú vị.