Học sinh làng chài 'nói không' với bạo lực học đường

GD&TĐ -  Tình yêu thương là nội dung cốt lõi giáo dục đạo đức, lối sống cho trò. Nhiều trường học ở Hải Phòng có cách làm hay, gương điển hình.

Cô trò Trường Tiểu học Hải Thành trong giờ học.
Cô trò Trường Tiểu học Hải Thành trong giờ học.

Đa dạng hình thức

Năm học này, Trường THCS Hải Thành, quận Dương Kinh có 603 học sinh. Theo cô Đặng Thị Màu - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Dù trường học đóng trên địa bàn còn nhiều khó khăn, có nhiều học sinh của làng chài nhưng nhiều năm qua nhà trường "nói không" với bạo lực học đường.

Để tạo môi trường giáo dục lành mạnh cho học sinh, trước tiên là sự phối hợp chặt chẽ với lực lượng an ninh địa phương. Trường có lắp thiết bị camera giám sát, khi thấy có nhiều đối tượng lạ ngoài cổng trường, quanh vườn hoa, nhà trường báo cho công an phường để theo dõi, ngăn chặn ngay.

Nhà trường cũng nâng cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm thực hiện đúng nhiệm vụ phân công, phối hợp với tổ chức đoàn thể trong trường quản lý, giáo dục học sinh. Thực hiện nề nếp đầu năm, học sinh kí cam kết thực hiện nội quy của nhà trường. Hàng tuần, các em có hoạt động dưới cờ và các tiết hoạt động cùng Tổng phụ trách đội theo nội dung bài học.

Học sinh Trường THCS Hải Thành được cùng cô trải nghiệm về nghề truyền thống của địa phương (Ảnh NVCC).

Học sinh Trường THCS Hải Thành được cùng cô trải nghiệm về nghề truyền thống của địa phương (Ảnh NVCC).

Bên cạnh đó, trường phối hợp các đơn vị tổ chức tuyên truyền đảm bảo an ninh, an toàn, phòng cháy, chữa cháy, giảm thiểu tệ nạn xã hội cho học sinh nhà trường theo kế hoạch năm học.

Địa phương có tuyến đường Cao tốc Hà Nội- Hải Phòng chạy qua. Vì thế, trường kết hợp Ban quản lý dự án tuyến đường tuyên truyền pháp luật, đảm bảo an toàn giao thông tuyến cao tốc, bảo vệ tài sản...tới học sinh.

Thường kì, trường phối hợp cùng Hội cựu chiến binh tuyên truyền giáo dục đạo đức cách mạng và cùng đoàn thanh niên tuyên truyền về biển đảo cho học trò.

Trường thành lập Ban chỉ đạo tổ tư vấn học đường, có kế hoạch hoạt động có sổ theo dõi. Hàng tháng có sơ kết, đánh giá các mặt. Trường phân công trực ban, sao đỏ, tổng phụ trách đánh giá theo 3 sổ: sổ giáo viên, sổ trực ban và sổ cá nhân

Lồng ghép các hoạt động ngoài giờ lên lớp, các chuyên đề đội giáo dục truyền thống lịch sử như: thăm quan vương triều nhà triều Nhà mạc, các hoạt động tìm hiểu rung chuông vàng, văn hoá văn nghệ, kể chuyện gương thiếu nhi; tìm hiểu về miền đất mỏ Quảng Ninh. Trong hoạt động học sinh có những câu hỏi và làm bài thu hoạch nộp về nhà trường.

Học sinh Trường THCS Hải Thành.

Học sinh Trường THCS Hải Thành.

Trường có 76 học sinh ở làng chài Thuỷ Giang. Nhiều em hoàn cảnh khó khăn không có bố mẹ, ở với bà; có em bố mẹ đi thuyền để con ở nhà, không quan tâm, chăm sóc. Bằng tình yêu thương, giáo viên Trường THCS Hải Thành bù đắp cho các em những thiếu thốn, thiệt thòi. Ngoài chế độ cận nghèo, nghèo thì các em có hoàn cảnh đặc biệt được xem xét miễn giảm học phí. Mỗi năm có từ 40-60 học sinh được quan tâm miễn giảm.

Các chương trình tặng quà cho học sinh như: sóng vào máy tính cho em, tết trung thu, tặng xe đạp... thầy cô cũng ưu tiên cho học sinh khó khăn có điều kiện được học tập.

Cô Đặng Thị Nhung, giáo viên chủ nhiệm lớp 9C, chia sẻ, sự quan tâm, chăm lo tới học sinh là một phần trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm lớp. Quá trình quản lý lớp, cô luôn trao đổi, quán xuyến việc học cũng như nề nếp của học trò. Những ngày học sinh nghỉ học vì dịch bệnh, cô giáo thường gọi điện video hướng dẫn trò học bài, động viên các con cố gắng.

Có những học sinh làng chài vươn lên trong học tập, điển hình như em Trần Thị Thùy Dung. Dung học giỏi, chấp hành tốt nội quy và luôn đứng đầu lớp, trong tốp đầu của trường. Hay như em Đỗ Thị Chang, Trần Thị Hà Vi, Lê Văn Nam rất có ý thức học, chăm ngoan, vươn lên học tốt.

Sự nhân văn trong môi trường giáo dục

Cô Vũ Thị Kim Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hải Thành, quận Dương Kinh chia sẻ, giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt quá trình diễn ra các hoạt động tại nhà trường. Ngay từ đầu năm học, trường đã xây dựng kế hoạch các hoạt động, đồng thời triển khai đến giáo viên và lồng ghép qua các hoạt động giáo dục hàng ngày cho học sinh.

Thực hiện Chương trình SGK mới, nhà trường chỉ đạo giáo viên xây dựng các chuyên đề chuyên môn cho học sinh trải nghiệm tại trường, thăm quan các di tích lịch sử của địa phương như Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ; công viên; làng nghề...

Trường có khuôn viên rộng rãi, vì thế các hoạt động chuyên đề thuận lợi. Học sinh được trải nghiệm, khám phá, qua các hoạt động định hướng các em được trau dồi kiến thức, vốn sống và bồi đắp tình yêu con người, thiên nhiên, đất nước.

Học sinh Trường Tiểu học Hải Thành với hoạt động trải nghiệm tại sân trường.

Học sinh Trường Tiểu học Hải Thành với hoạt động trải nghiệm tại sân trường.

Cô Phạm Thị Thùy Trang, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A3, Trường Tiểu học Hải Thành chia sẻ, giáo dục học sinh qua các hoạt động là vô cùng quan trọng. Bởi qua hoạt động học trò bộc lộ tính cách, sở thích, quan điểm cá nhân để từ đó thầy cô định hướng, uốn nắn các em hướng tới những phẩm chất, nhân cách tốt đẹp.

Điều quan trọng với cô là sự tận tình, tận tâm với học sinh. Cô luôn yêu thương chân thành và cố gắng hết mình để dạy dỗ, uốn nắn học trò.

Lớp chủ nhiệm của cô Thùy Trang có nhiều học sinh ở làng Thuỷ Giang, cô luôn dành nhiều tình cảm và sự quan tâm chu đáo tới trò. Tuy nhà ở nội thành, nhưng sau mỗi buổi chiều cô thường dành thời gian tự nguyện kèm cặp học sinh yếu giúp các con vươn lên trong học tập. Vì thế, cô Trang được phụ huynh yêu mến bởi tính cách chân thành, cởi mở và hết lòng vì học trò.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ