Học sinh “Khuyết tật học tập”: Nhận biết sớm để hỗ trợ hiệu quả

GD&TĐ - Nghiên cứu và hỗ trợ giáo dục cho học sinh khuyết tật trí tuệ đã được Nhà nước và Bộ GD&ĐT quan tâm, đầu tư từ nhiều năm qua. Song lĩnh vực nghiên cứu và hỗ trợ giáo dục cho học sinh khuyết tật học tập (KTHT) thì mới được chú ý trong khoảng từ năm 2005 trở lại đây. 

Học sinh “Khuyết tật học tập”: Nhận biết sớm để hỗ trợ hiệu quả

Tuy mới được quan tâm, nhưng KTHT đang là lĩnh vực mà đông đảo các nhà khoa học trong lĩnh vực giáo dục tập trung nghiên cứu. Tính đến năm 2014, đã có 3 hội thảo quốc tế được tổ chức tại ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Sư phạm TP HCM về chủ đề giáo dục học sinh KTHT.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Hưng- Viện KHGD Việt Nam - khái niệm KTHT là thuật ngữ chung để chỉ một nhóm phức hợp những rối loạn, biểu hiện ở những khó khăn trong việc lĩnh hội và vận dụng những năng lực nghe, nói, đọc, viết, suy luận và tính toán. Rối loạn này là khuyết tật nội tại của cá nhân, có nguyên nhân được cho là do khuyết tật chức năng hệ thần kinh Trung ương, có thể xuất hiện theo các hoạt động sống. Những vấn đề về hành vi, nhận thức xã hội, tương tác xã hội có thể tồn tại đồng thời cùng KTHT nhưng tự thân những vấn đề này không phải là bản chất của KTHT.

Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê các rối nhiễu tâm thần DSM-V, đã chỉ ra KTHT được nhận dạng.

Những dạng KTHT

Theo DSM-V, có 3 dạng KTHT, đó là: Khó đọc, khó viết và khó tính toán.

Khó đọc là một trong những dạng KTHT phổ biến nhất. Học sinh khó đọc gặp khó khăn trong việc diễn đạt hoặc tiếp nhận ngôn ngữ nói hoặc viết mặc dù trí thông minh và khả năng trí tuệ của học sinh ở mức trên trung bình. Học sinh khó đọc chỉ được nhận diện khi những khó khăn trong hoạt động đọc, viết không thể giải thích được bằng các nguyên nhân như: khả năng trí tuệ kém, hoạt động giảng dạy không hiệu quả hoặc khiếm khuyết giác quan như khiếm thính, khiếm thị..... Khó đọc ảnh hưởng trước hết đến khả năng đọc, viết và nhiều lĩnh vực hoạt động khác của học sinh.

Khó viết là dạng KTHT liên quan đến cách thể hiện những suy nghĩ bằng chữ viết và biểu tượng. Những học sinh này thường bị rối loạn về biểu tượng hình ảnh vì thế không viết được chữ hoặc chữ viết méo mó không đúng kích cỡ. Học sinh nói được nhưng không viết được; chữ viết xấu, rất khó đọc; Hoặc học sinh viết được nhưng kém hơn hẳn so với các bạn cùng lớp về: Tốc độ, cách trình bày, mắc nhiều lỗi chính tả, lỗi sử dụng các dấu chấm câu và sử dụng không đúng các quy tắc ngữ pháp.

Khó tính toán là một dạng KTHT liên quan đến việc học hoặc thông hiểu toán học. Thuật ngữ này thường được dùng để chỉ những học sinh gặp khó khăn về ước lượng không gian, thời gian, đo lường và thực hiện các phép tính số học, khó khăn trong việc lĩnh hội khái niệm trừu tượng về so sánh các số lượng.

Thông tin tổng hợp về các tiêu chí trên của DSM-V đang là căn cứ được các nhà khoa học giáo dục sử dụng để xác định những học sinh bị khuyết tật trí tuệ và KTHT xác định 2 dạng khuyết tật này còn rất thiếu vắng và chưa thống nhất về phương pháp chẩn đoán. Ở Việt Nam, để xác định chỉ số thông minh (IQ) thường sử dụng bộ trắc nghiệm Raven, còn Test WISC-IV phiên bản tiếng Việt chuẩn hóa hoàn thiện đang được đưa vào sử dụng như một tiêu chuẩn vàng để xác định và hỗ trợ các học sinh KTHT.

Hầu hết các học sinh KTHT có biểu hiện hoàn toàn bình thường về mặt trí tuệ (chỉ số thông minh) và có thể học tập được nhưng thực tế kết quả học tập trong nhà trường thua kém rất nhiều so với các bạn cùng lớp. Trong khi, hạn chế về chỉ số thông minh (IQ) lại là tiêu chí đầu tiên để xác định các trẻ khuyết tật trí tuệ.

Nhận diện học sinh KTHT

Học sinh KTHT thường có những hạn chế về khả năng ghi nhớ, cụ thể là có biểu hiện rối loạn về trí nhớ (quên cách đánh vần các từ, cách làm toán và những lời hướng dẫn dặn dò của thầy cô, mặc dù tiết học trước học sinh đã có thể thực hiện thành thạo). Không chủ động sử dụng được những thủ thuật ghi nhớ mà những học sinh bình thường hay sử dụng.

Thông thường để học thuộc nội dung một bài học, những học sinh khác chủ động đưa ra các thủ thuật giúp mình nhớ tốt hơn thông tin bằng cách: Xếp chúng vào một nhóm, đặt những điểm mốc quan trọng, gắn kết nó với những đặc điểm riêng. Khi học một danh sách các từ, học sinh bình thường hay nhắc lại các từ đó hay nhóm chúng vào trong các nhóm có đặc điểm chung là vật dụng, động vật, thực vật thì học sinh KTHT không làm được như vậy.

Học sinh KTHT gặp khó khăn trong việc ghi nhớ các sự kiện: Khó có thể nhớ được đầy đủ các thông tin nếu các thông tin đó được cung cấp chỉ bằng một kênh là ngôn ngữ nói. Việc xử lý âm thanh chậm hơn không cho phép các học sinh KTHT có đủ thời gian để nạp những thông tin đó vào bộ nhớ ngắn hạn. Do đó, hầu hết những gì được trình bày trước người học sẽ bị mất đi, không được lưu giữ trong bộ nhớ ngắn hạn và cũng không được truyền tải tới bộ nhớ dài hạn. Khiếm khuyết liên quan tới các dạng KTHT dường như diễn ra trong bộ nhớ ngôn ngữ và ảnh hưởng tới khả năng giải mã, xếp loại và gợi lại thông tin đã được truyền tải.

Khả năng tập trung chú ý và hoàn thành nhiệm vụ: Học sinh KTHT bị chi phối bởi rất nhiều tác nhân kích thích nên chỉ có thể tập trung trong thời gian ngắn, rồi lơ đãng hoặc bị chi phối bởi tất cả những hoạt động diễn ra xung quanh… Nhiều trẻ quá hiếu động, xuất hiện những hành vi vận động không mục đích (sờ ngón tay ngón chân, hỏi liên tiếp cùng một câu hỏi, không thể đứng hoặc ngồi yên). Đây là nguyên nhân chính khiến học sinh thường quên bắt đầu nhiệm vụ, bỏ dở hoặc không hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn. Học sinh KTHT thường hay làm nhanh cho xong việc mà không coi trọng kết quả. Các em có thể làm sai tất cả các câu hỏi do làm trước khi đọc hoặc chưa nghe xong hết câu hỏi. Mặt khác, các em thường gây mất trật tự (làm ồn, nói tự do, làm phiền các bạn, đánh bạn), hay cáu kỉnh, làm hư hại/mất đồ dùng học tập... mà bản thân trẻ không ý thức được điều đó.

Khả năng học tập không cao: Những học sinh KTHT thường không có dấu hiệu bị khuyết tật trí tuệ, hầu hết đều có chỉ số thông minh (IQ) ở mức độ trên trung bình nhưng việc lĩnh hội và vận dụng 1 hoặc nhiều hơn 2 trong số các kĩ năng học tập như đọc, đọc hiểu, viết, làm toán, suy luận toán học gặp nhiều khó khăn.

Có sự lệch lạc trong quá trình xử lí thông tin, với trẻ bình thường thì việc tiếp nhận các thông tin như nghe giáo viên giảng bài, nhìn lên bảng, chép bài vào vở và dần dần tiếp thu thêm được các kiến thức mới. Nhưng với trẻ KTHT thì việc tiếp thu được các kiến thức mới gặp rất nhiều rào cản. Trong thực tế, đã có những học sinh KTHT học lớp 5 rồi mà vẫn chưa thể đọc trơn được, học hết lớp 3 nhưng vẫn không thể làm toán được nếu không có que tính, hoặc học hết lớp 1 vẫn chưa thể làm được các phép tính cộng trừ trong phạm vi 10.

Phần lớn học sinh KTHT thường không có khả năng học các môn học sử dụng nhiều kĩ năng học tập. Học sinh thường rất kém trong việc trả lời vấn đáp, ghi chép, nghe hiểu, đọc lướt, phát hiện và chữa lỗi sai, dẫn đến kết quả học tập thường rất thấp trong các môn đọc, làm văn và làm toán. Khoảng 70% học sinh KTHT tự đánh giá mình thấp trong nhận thức học tập. Các giáo viên đều cho rằng những khó khăn trong học tập của các học sinh KTHT không phải do thiếu nỗ lực hay trí tuệ mà là do học sinh KTHT bị suy giảm, hoặc có những khiếm khuyết mang tính xã hội.

Một số học sinh KTHT khi gặp thất bại trong việc học tập lại xuất hiện hành vi gây gổ và mang tâm lý tự ti.

Phân tích về những đặc điểm cảm xúc, xã hội của học sinh KTHT, các nhà khoa học giáo dục cho biết, các em thường xuất hiện những rối loạn cảm xúc trong phát triển từ cấp độ nhẹ tới nghiêm trọng. Hầu hết học sinh KTHT không đạt được mức độ thích nghi tâm lý ổn định trong khi trên thực tế, nhiều học sinh KTHT có kết quả học tập kém nhưng lại không thua kém bạn bè cùng trang lứa trong các lĩnh vực khác như trong các mối quan hệ trong gia đình, thể chất và xã hội.

Trong bối cảnh mà KTHT vẫn còn nhiều tranh luận và đánh đồng với một số dạng khuyết tật khác, thì các nhà khoa học giáo dục cần chắt lọc những nghiên cứu quan trọng để xác định rõ ràng khái niệm về KTHT và chuẩn hóa các bộ công cụ để chẩn đoán học sinh KTHT tại Việt Nam - thạc sĩ Nguyễn Văn Hưng nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ