Học sinh khuyết tật được tuyển thẳng đại học

GD&TĐ - Với Cao Quốc Trung (phường Lê Lợi, TP Kon Tum) tin vui được đặc cách tuyển thẳng vào khoa Công nghệ Thông tin - Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn và ưu tiên miễn đóng các khoản học phí, chỗ ở ký túc xá trong các năm tiếp theo là bước đi vững chãi đầu tiên để dần hiện thực hóa ước mơ tự thân lập nghiệp bằng con đường học tập.

Học sinh khuyết tật được tuyển thẳng đại học

Anh Cao Quốc Thanh - cha của Trung cũng nói về niềm vui, sự phấn khởi khi được đích thân ông Cao Hào Thi - Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ Sài Gòn trực tiếp điện thoại đề nghị gia đình sắp xếp công việc vào thăm trường, khu vực ký túc xá sinh viên, tiến đến làm các thủ tục cần thiết chuẩn bị cho Trung nhập học năm học 2017-2018 sắp tới.

“Mấy ngày qua, sau khi thầy Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ Sài Gòn trao đổi với cha em, đồng ý tuyển thẳng em vào học khoa Công nghệ Thông tin, em và mọi người trong gia đình đều mừng lắm vì ước mong được học đại học của em đã toại nguyện. Bây giờ việc còn lại, em sẽ thuyết phục để ba mẹ yên tâm khi để em vào TPHCM học tập, hướng đến lập nghiệp bằng sức lực bản thân” - Cao Quốc Trung chia sẻ.

Tháng 6/2017, Trung là học sinh khuyết tật lớp 12 trường THPT Lê Lợi (TP Kon Tum) được ưu tiên không dự kỳ thi THPT quốc gia mà chỉ xét tốt nghiệp bằng học bạ theo quy định ưu tiên của Bộ GD&ĐT. Em cũng đang ấp ủ ước mong học nghề sửa chữa máy tính ở TP Kon Tum để có việc làm, tự lập nghiệp sau này.

Gia đình Trung thuộc diện khó khăn, gần 20 năm lập gia đình, bố mẹ mới tích cóp vay mượn người thân, ngân hàng để xây mới ngôi nhà trị giá 70 triệu đồng. “Do đó, em không dám mở lời với mẹ để xin học nghề”, Trung tâm sự.

Mẹ Trung - chị Huỳnh Thị Hải, cho biết: “Kinh tế gia đình phụ thuộc vào tủ bán bánh mì ở gần UBND phường Nguyễn Trãi (TP Kon Tum). Buổi tối hôm trước, tình cờ đi bán về sớm, tôi nghe Trung nói chuyện với em trai học lớp 5: “Nếu anh đi học nghề xa nhà em có tự học bài và chơi một mình được không? Cậu em trả lời: Anh Hai cứ làm việc mình thích đi!”. Nghe các con nói chuyện như thế, tôi cũng đoán được Trung đang sớm tính chuyện tự lực chăm lo cho bản thân sau này”.

Theo lời kể của chị Hải, lúc mới sinh ra (năm 1998), Trung bị liệt đôi chân nên mọi sinh hoạt, đi lại hàng ngày luôn phụ thuộc vào ba mẹ. Năm 2005, gia đình đã đưa Trung đi mổ chân với hy vọng phục hồi các cơ, khớp chân nhưng vẫn không mấy khả quan.

Bị khuyết tật, nhưng Trung khá lạc quan. Khi các bạn nhỏ cắp sách đến trường, Trung cũng đòi ba mẹ sắm sửa sách vở và chở đến lớp. Ở lớp, Trung không ngại tiếp xúc với người lạ, ngược lại còn khá tự tin khi bắt chuyện, làm quen bạn mới. Dù vậy, vợ chồng chị Hải vẫn lo lắng sự bất tiện của Trung khi không di chuyển được ở lớp, sợ Trung gặp tai nạn khi được bạn bè công kênh trong giờ ra chơi…

Với tính lo xa như thế, chị Hải nguyện ở nhà cõng con trai đến lớp học, hết giờ lại đón con về. Trừ 2 năm nghỉ ở nhà sinh con trai thứ hai, còn lại ròng rã 7 năm học cấp I và cấp II ở phường Lê Lợi (TP Kon Tum), chị đã sát cánh với việc học tập, chia sẻ vui buồn cùng con trai lớn.

Khi Trung vào lớp 10 Trường THPT Lê Lợi, cha lại thay mẹ tiếp sức đưa Trung đi học mỗi ngày. Do việc đưa đón con trai liên tục sáng, chiều 3 năm qua, nên cha Trung đành nghỉ việc, chỉ còn mẹ Trung và chiếc xe bánh mì di động dầm dãi mưa nắng nuôi sống cả nhà 4 nhân khẩu.

Trung tâm sự: “Cha mẹ lúc nào cũng quan tâm việc học, tìm chuyện kể hay trò chuyện với em. Thương cả nhà chăm lo cho mình, em chỉ biết siêng học mỗi ngày. Ngoài giờ học ở lớp, em tự lên mạng tìm các bài tập làm thêm. Cũng có lúc, em nhờ các thầy cô giáo, các bạn khác ở lớp có điều kiện đi học thêm hướng dẫn, giải bài tập mẫu giúp em mở rộng, nâng cao vốn kiến thức đã học. Sự yêu thương và giúp đỡ của mọi người đã thêm động lực cho em học khá hơn”.

Mẹ Trung còn cho hay, 12 năm học phổ thông, Trung nhận rất nhiều sự cảm thông, giúp đỡ của bạn bè và thầy cô giáo ở trường. Mỗi ngày, cha hoặc mẹ đưa Trung đến cổng trường rồi quay về, các bạn học đều tự giác cõng em vào chỗ ngồi ở lớp, đưa em đến phòng thí nghiệm, ra sân chơi với các bạn khác trong giờ nghỉ giải lao giữa các tiết học…

Ông Cao Hào Thi - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn cho biết: “Trong quá trình phối hợp với Sở GD&ĐT Kon Tum tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2017 có 1 trường hợp học sinh Cao Quốc Trung bị khuyết tật được miễn thi các môn thi và chỉ xét tốt nghiệp bằng học bạ phổ thông, với quy định học lực đạt loại khá lớp cuối cấp phổ thông.

Hơn nữa, biết được hoàn cảnh khó khăn nhưng em vẫn mong muốn được học tiếp, tôi đã xin ý kiến của hội đồng quản trị nhà trường đặc cách tuyển thẳng Trung vào khoa Công nghệ Thông tin. Quá trình học tập 4 năm học đại học, nhà trường cũng sẵn sàng miễn học phí và tạo điều kiện tốt nhất cho Trung ở ký túc xá”.

Thầy Nguyễn Hải Nam – Phó hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi thông báo, Trung là gương sáng về nghị lực vượt khó để học tập với kết quả đạt học sinh tiên tiến, được Công đoàn nhà trường trao học bổng từ quỹ “Thắp sáng ước mơ” nhiều năm học qua. Hiện tại, Ban giám hiệu nhà trường đã kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ em chiếc xe lăn làm phương tiện đi lại thuận lợi hơn trong thời gian học đại học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.