Đơn giản hóa thủ tục
Gần cuối tháng 5/2021, Nguyễn Thị Xuân Anh (Học sinh Trường THPT Phạm Văn Đồng, TP Nha Trang, Khánh Hòa) ra Đà Nẵng thăm người thân và bị kẹt lại thành phố thực hiện các đợt giãn cách để phòng, chống Covid-19. Không kịp trở về nhà để chuẩn bị cho năm học mới, Xuân Anh liên hệ với giáo viên chủ nhiệm và được hướng dẫn có thể học nhờ tại các trường THPT ở Đà Nẵng trong thời gian cư trú ở địa phương.
Tìm hiểu thông tin từ một số website các trường THPT, Xuân Anh quyết định xin đăng ký học nhờ tại Trường THPT Trần Phú. Thủ tục để đăng ký học nhờ cũng rất đơn giản. Em được cô Phó Hiệu trưởng hướng dẫn viết đơn rồi gửi bản chụp qua zalo cho cô. Rất nhanh sau đó, Xuân Anh được thầy cô thông báo sẽ theo học trực tuyến với lớp 11/3.
“Em được cô chủ nhiệm kết nối vào nhóm của lớp để nhận thời khóa biểu, đường link, mật khẩu đăng nhập để học trực tuyến. Mọi thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung học, em đều nhận được sự hỗ trợ như các bạn trong lớp” – Xuân Anh cho biết.
Được biết, Xuân Anh nằm trong số 314 học sinh của Khánh Hòa hiện đang ở tại các vùng có dịch được gửi học tạm vì chưa thể trở về địa phương học tập.
Cũng chỉ cần một lá đơn gửi qua zalo, Nguyễn Thị Thu Thủy (học sinh Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) được vào học lớp 8, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) cùng với người em họ đúng theo nguyện vọng.
“Vừa được cô giáo chủ nhiệm ở Đà Nẵng hỗ trợ, theo sát tình hình hòa nhập vào lớp học của cháu, vừa được tạo điều kiện vào học lớp có người quen nên cháu hòa nhập khá nhanh và gần như không có khó khăn gì về tâm lý học tập” – chị Nguyễn Thị Thu Yến, chị gái của Thủy tại Đà Nẵng chia sẻ.
Cô giáo chủ nhiệm của Thủy tại trường THCS Huỳnh Thúc Kháng vẫn thường xuyên thông tin với gia đình Thủy, động viên em yên tâm theo học trực tuyến tại Đà Nẵng.
Ông Mai Tấn Linh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết, hiện toàn thành phố đang tiếp nhận 334 học sinh ở các bậc học Tiểu học, THCS và THPT của 33 tỉnh, thành đang học tạm. Thời gian tới, khi dịch bệnh được khống chế, nếu các em có nguyện vọng trở về trường cũ, sẽ được giải quyết, còn nếu muốn tiếp tục học tại địa phương cư trú cũng được tạo điều kiện.
Sở sẽ hướng dẫn các cơ sở giáo dục xác nhận kết quả học tập và rèn luyện của HS được tiếp nhận trong thời gian tham gia học tập tại trường; hướng dẫn các hồ sơ, thủ tục có liên quan để học sinh quay trở lại trường cũ học tập sau thời gian phòng, chống Covid-19.
Trường Tiểu học Ngô Quyền (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) có 15 học sinh từ các vùng dịch xin được chuyển trường nhập học. Đến nay, vẫn có 6 em chưa có hồ sơ học bạ do TPHCM và Đà Nẵng – nơi trường cũ học sinh đang theo học đang thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt.
Sĩ số học sinh/lớp của các lớp khối 4,5 của nhà trường cũng khá cao. Tuy nhiên, với những em từ vùng dịch trở về quê, muốn theo học tại trường, nhà trường đều tạo điều kiện thuận lợi. Thậm chí, có trường hợp ông bà nội đến trường xin cho cháu vào học nhưng không biết viết đơn, nhân viên của trường phải viết giúp. Thành phố Tam Kỳ đã tiếp nhận gần 70 học sinh vào học tại các trường Tiểu học, THCS trong thời gian cùng gia đình về quê tránh dịch.
Còn không ít băn khoăn
2 tuần đầu các trường học tại Đà Nẵng đang ôn tập lại kiến thức cũ trong khi Quảng Nam đã tiến hành dạy bài mới nên gia đình học sinh Nguyễn Thị Thanh Thủy cũng có chút lo lắng. Nhưng trong buổi họp phụ huynh mới đây, giáo viên chủ nhiệm của Thủy tại Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng đã trao đổi với mẹ của em về những biện pháp hỗ trợ. Theo đó, gia đình và nhà trường sẽ phối hợp hỗ trợ để bổ sung những kiến thức mà Thủy chưa được học do lệch chương trình.
Thời gian này, Nguyễn Thị Xuân Anh đang theo học lớp trực tuyến cả nơi học chính thức và nơi học tạm. “Lịch học trực tuyến ở Trường THPT Trần Phú nơi em học gửi là buổi chiều, lịch học của Trường THPT Phạm Văn Đồng vào buổi sáng. Bài vở cũng hơi nặng vì theo học cả 2 nơi nhưng giờ em chưa biết tính sao.
Vì nếu như khi Nha Trang chuyển sang học trực tiếp nhưng em vẫn đang kẹt ở Đà Nẵng, chưa trở về lại nhà được thì lại không thể tham gia học cùng biên chế lớp chính thức được. Vì vậy, em cũng không dám bỏ học các buổi ở lớp học nhờ”.
Trên các diễn đàn mạng xã hội, phụ huynh ủng hộ việc tiếp nhận học sinh Đà Nẵng đang bị mắc kẹt tại các tỉnh, thành và ngược lại. Tuy nhiên, họ vẫn mong mỏi được đón con về nhà. Tài khoản Thu Nguyễn chia sẻ trên trang Quản lý đô thị Xanh – sạch - đẹp của Đà Nẵng: “Mặc dù biết Bộ GD&ĐT đã tạo điều kiện cho các con học tạm tại nơi đang cư trú nhưng thật sự có nhiều vấn đề nan giải kéo theo.
Sách vở, đồng phục đã chuẩn bị cả rồi. Nếu đi học tạm thời cũng phải sắm lại cho đúng với trường nơi cư trú, học trực tuyến thì thiết bị, internet ở quê không bảo đảm. Tôi rất mong thành phố tạo điều kiện để các con trở về Đà Nẵng học tập cho phụ huynh đỡ lo lắng”.
Hiện nay, Đà Nẵng đã có kế hoạch đón GV và HS đang ở các địa phương khác quay trở lại thành phố. Ở đợt 1, sẽ đón 17.002 người trong đó có 7.915 học sinh, học viên; số lượng giáo viên, nhân viên là 1.409 người và 7.678 người theo diện người đi cùng (hỗ trợ).
Thời gian tổ chức đón HS, GV trở về lại Đà Nẵng diễn ra từ ngày 29/9 đến hết ngày 6/10 đối với công dân trở về thành phố tự túc phương tiện đi lại đường bộ.
Các đợt tiếp theo, những người có tên trong danh sách đợt 1 nhưng chưa thể trở về và những người tiếp tục đảm bảo các điều kiện để trở về, Sở GD&ĐT Đà Nẵng chịu trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát, tham mưu UBND thành phố quyết định.
Ngoài ra, Đà Nẵng cũng đã có thông báo các quy định về thủ tục đối với trường hợp đến và rời khỏi thành phố sau một thời gian dài thực hiện chủ trương “ai ở đâu, ở yên đó”.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ