Đà Nẵng: Sau 20/9 sẽ dạy kiến thức mới theo hình thức trực tuyến

GD&TĐ - Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết, từ ngày 20/9 bắt đầu tổ chức dạy bài mới, kiến thức mới theo Chương trình GDPT cho đến khi HS đến trường học trực tiếp. Một tiết học kéo dài không quá 35 phút, và không quá 4 tiết/buổi.

Học sinh Trường Tiểu học Ông Ích Khiêm (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) tham gia học trực tuyến
Học sinh Trường Tiểu học Ông Ích Khiêm (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) tham gia học trực tuyến

Theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT Đà Nẵng, ở bậc Tiểu học, các trường tiểu học chủ động, linh hoạt xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường. 

Trong đó, đối với lớp 1, lớp 2: Các trường học nghiên cứu chương trình môn học, các mạch nội dung, kiến thức, chủ đề học tập và nội dung trong SGK để xây dựng các chủ đề dạy học trên cơ sở tích hợp một số nội dung và yêu cầu cần đạt.

Ưu tiên tổ chức dạy học các nội dung hình thành kiến thức mới, các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc; thực hiện sắp xếp các chủ đề học tập phù hợp với hình thức tổ chức dạy học trực tuyến hoặc có thể hướng dẫn cho học sinh tự học với sự hỗ trợ của phụ huynh.

Bố trí thời gian thực hiện chương trình đảm bảo tính khoa học, sư phạm, phù hợp với từng hình thức dạy học và không gây áp lực đối với học sinh; đảm bảo cuối năm học đạt được yêu cầu cơ bản cần đạt theo quy định của chương trình.

Sở GD&ĐT Đà Nẵng khuyến khích GV cập nhật và sử dụng tối đa các phần mềm dạy học trực tuyến (Flipgrid, MS Forms, Quizizz, Wordwall, Socrative, Mentimeter, Padlet, Nearpod,...) giúp tiết học mới mẻ, hấp dẫn
Sở GD&ĐT Đà Nẵng khuyến khích GV cập nhật và sử dụng tối đa các phần mềm dạy học trực tuyến (Flipgrid, MS Forms, Quizizz, Wordwall, Socrative, Mentimeter, Padlet, Nearpod,...) giúp tiết học mới mẻ, hấp dẫn

Đối với khối lớp 3, 4, 5, các trường tổ chức rà soát lại nội dung chương trình, SGK, mức độ cần đạt của từng khối lớp đối với các môn học bắt buộc để điều chỉnh kế hoạch dạy học phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương.

Thực hiện tinh giản nội dung để tập trung giúp học sinh hoàn thành các nội dung cốt lõi theo hướng: tinh giản mức độ yêu cầu về kiến thức, kĩ năng đối với từng môn học; tinh giản nội dung có trong sách giáo khoa vượt quá mức độ cần đạt về chuẩn kiến thức kĩ năng ở từng lớp; tinh giản những nội dung trùng lặp trong môn học và giữa các môn học; tích hợp một số nội dung trong môn học và giữa các môn học thành các chủ đề học tập để tiết kiệm thời gian nhưng vẫn đảm bảo quy định của chương trình. 

Khi tình hình hình dịch bệnh được kiểm soát, cần tập trung thời gian dạy học trực tiếp để tổ chức ôn tập, bổ sung các nội dung kiến thức cần thiết cho học sinh trước khi thực hiện dạy học nội dung kiến thức mới và thực hiện kiểm tra đánh giá theo quy định

Với giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT Đà Nẵng yêu cầu các trường học xây dựng quy định dành cho giáo viên và học sinh khi tổ chức và tham gia lớp học trực tuyến. 

Ông Mai Tấn Linh - Phó Giám đốc Sở cho biết: "Trong phân công chuyên môn, chia thời khóa biểu phải cụ thể, hợp lí, đảm bảo sức khỏe, tránh gây áp lực cho giáo viên và học sinh khi phải tiếp xúc với máy tính, điện thoại".

Các trường có thể bố trí không quá 35 phút/tiết học, không quá 4 tiết/buổi; khuyến khích tổ chức dạy học các môn Âm nhạc, Mĩ thuật, Giáo dục thể chất,... bằng hình thức gửi đến học sinh hoặc đăng tải lên website của nhà trường các video hướng dẫn giúp học sinh tự luyện tập ở nhà mà không xếp vào thời khóa biểu chính khóa".

Trong dạy học trực tuyến ở bậc phổ thông, Sở GD&ĐT Đà Nẵng khuyến khích các trường hướng dẫn GV giao nhiệm vụ để học sinh nghiên cứu trước bài học ở những phần lí thuyết, kiến thức cũ, đơn giản,... nhằm tăng cường khả năng tự học, tự xử lí tài liệu của học sinh và tiết kiệm thời gian, công sức của giáo viên. Sau đó, giáo viên tổ chức dạy học trực tuyến để giảng giải những kiến thức học sinh chưa hiểu, giải đáp thắc mắc của học sinh. 

"Ngoài các tiết học trực tuyến, giáo viên cần cung cấp thêm đường link của các video bài giảng để học sinh chủ động xem lại bài học trên mạng" - ông Linh nhấn mạnh. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.