Học sinh hiểu gì về "Điện Biên Phủ trên không"

Học sinh hiểu gì về "Điện Biên Phủ trên không"

(GD&TĐ) - Mới đây, một cô giáo dạy Địa lý hỏi tôi tại sao lại gọi là chiến dịch Điện Biên Phủ trên không? Tôi thật sự ngạc nhiên, mặc dù biết không phải giáo viên dạy địa lý nào cũng am hiểu về lịch sử dân tộc, thêm nữa, GV này lại sinh ra và lớn lên ở thời điểm cuộc chiến tranh của dân tộc đã lùi xa 40 năm. 

Lâu nay tôi cứ nghĩ, đã là người Việt Nam có ai lại không biết về chiến thắng vang dội của quân và dân ta sau 12 ngày đêm (từ 18/12 đến 29/12/1972) chiến đấu dũng cảm với lực lượng không quân Mỹ trên bầu trời Hà Nội. Nhưng từ câu hỏi của cô giáo trẻ dạy địa lý nói trên, tôi mới “lục lọi” lại sự trải nghiệm của chính bản thân, và thêm một lần nữa “giật mình”: Thời điểm diễn ra sự kiện 12 ngày đêm, tôi còn là một thiếu niên hơn mười tuổi. Mặc dù đã ít nhiều nếm trải gian nan, vất vả, học dưới mưa bom, bão đạn, học dưới hầm hào, chứng kiến đau thương, tang tóc của dân tộc những ngày tháng ấy, nhưng cho tới khi trưởng thành, thật sự chúng tôi vẫn còn rất mù mờ về Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không”. Cho tới sau này, khi được xem bộ phim “ Em bé Hà Nội”, ký ức xưa mới sống động trở lại, thôi thúc tôi tìm hiểu sâu hơn về một “Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không” để đủ phân định sự kiện này khác với sự kiện chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 ở chỗ nào. 

Một tiết dạy lịch sử sôi nổi, hào hứng tại Trường THPT Nguyễn Diêu-Bình Định
 Một tiết dạy lịch sử sôi nổi, hào hứng tại Trường THPT Nguyễn Diêu-Bình Định

Nhìn lại chương trình và SGK Lịch sử ở bậc học phổ thông, có thể thấy phần Lịch sử Việt Nam ở lớp 9 và lớp 12 đều dành một thời lượng thích đáng cho chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, trong khi đó, chiến dịch “Điện Biên phủ trên không” chỉ là một mục nhỏ trong bài học về “Cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của Đế Quốc Mỹ”, trong đó, cụm từ “Điện Biên Phủ trên không” chỉ xuất hiện một lần ở đoạn kết “ Chiến thắng này được coi như là chiến dịch Lịch sử Điện Biên Phủ trên không”. Sự phân bổ chương trình, SGK như vậy theo tôi nghĩ là có lý do chính đáng của những nhà nghiên cứu và làm sách (khi xét về mặt tính chất, chiến dịch Điện Biên Phủ  diễn ra trên một diện rộng và với quy mô lớn hơn). Nhưng câu hỏi được đặt ra, với một chiến thắng ở thời đại chống Mỹ được coi ngang tầm với chiến dịch lịch sử “ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” thời chống Pháp, lại rất đặc biệt (trên không), thì nhiệm vụ của người thầy giáo là phải giúp học sinh thẩm thấu thật sâu sắc về chiến thắng đó, chứ không thể trong tình trạng “cưỡi ngựa xem hoa”.  

Trước hết, GV không thể chỉ truyền đạt y nguyên kiến thức sẵn có ở SGK, mà phải làm phép so sánh, đối chiếu để học sinh phân định được: Thắng lợi ở chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 đã đưa đến việc thực dân Pháp bị thất bại, suy sụp hoàn toàn ý chí tiếp tục chiến tranh; phải ngồi vào đàm phán với Việt Nam ở Hội nghị Geneva và ký kết hiệp định Geneva với Việt Nam vào tháng 7/1954.

Chiến thắng của Việt Nam trong 12 ngày đêm vào cuối năm 1972 cũng có ý nghĩa tương tự như vậy, nhưng khác ở chỗ đây là “Điện Biên Phủ trên không”. Hai sự kiện này giống nhau về mặt ý nghĩa thắng lợi, do đó người ta ghép lại, gọi là trận Điện Biên Phủ trên không. Sự kiện 12 ngày đêm có ý nghĩa như một trận Điện Biên Phủ là ở chỗ nó chứng tỏ tinh thần quyết chiến, quyết thắng của dân tộc Việt Nam, đó là không khuất phục trước bất cứ thế lực quân sự nào, kể cả máy bay ném bom chiến lược B52. Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không năm 1972 có ý nghĩa đánh bại hoàn toàn ý chí tiếp tục chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc đế quốc Mỹ trở lại bàn đàm phán và ký kết văn bản Hiệp định Paris ngày 27/01/2973, mở ra một bước ngoặt cho cuộc kháng chiến chống Mỹ đi đến thắng lợi hoàn toàn.  

Thứ hai, các trường cần đưa vào chương trình ngoại khóa tháng 12 những buổi sinh hoạt có tính thu hút, phù hợp với lứa tuổi, như kể chuyện về Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân Phạm Tuân cùng các phi công khác đã bắn rơi máy bay Mỹ tài tình như thế nào; chuyện về cô pháo thủ trẻ Phạm Thị Viễn đầu trắng khăn tang ngồi bên mâm pháo đã đi vào bài thơ “Việt Nam máu và hoa” của nhà thơ Tố Hữu ra sao; hay chiếu cho HS xem lại bộ phim Em bé Hà Nội; cho các em nghe bài hát “ Hà Nội, Điện Biên Phủ” của nhạc sỹ Phạm Tuyên (ra đời vào ngày thứ 12 của chiến dịch). Nếu làm được như vậy, chắc chắn hiệu quả về giáo dục truyền thống sẽ cao, sẽ tôn vinh được chiến công của trí tuệ và lòng dũng cảm của quân dân Thủ đô và các tỉnh thành miền Bắc cũng như của cả thời đại.  

Hồng Thúy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà ga xe lửa ở thành phố Dnipro, một trong những trung tâm hậu cần lớn nhất của quân đội Ukraine bị tấn công tên lửa ngày 19/4/2024

Phòng không Ukraine suy yếu

GD&TĐ - Ngày 19/4/2024, Nga đã tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn vào nhiều khu vực quân sự quan trọng của lực lượng Kiev.