Theo đó, Con đường di sản là một dự án kết hợp liên môn Văn, Sử, Địa, Ngoại ngữ dành cho toàn thể học sinh trường THPT Lê Quý Đôn, trong đó đặc biệt hướng đến 150 học sinh ban Khoa học Xã hội khối 12.
Nổi bật nhất trong dự án chính là 2 chuyến đi thực địa tại 5 địa điểm: Hội An, Mỹ Sơn, Huế, Hà Nội và Ninh Bình. Trong chuyến đi này, học sinh được tìm hiểu về nhiều nét đặc trưng của từng di sản mà các bạn đặt chân đến, ví dụ như đời sống và con người của phố cổ Hội An;
Điệu múa Chăm cùng lịch sử bao thăng trầm của thánh địa Mỹ Sơn; những điện đài, lăng tẩm của cố đô Huế; cảnh sắc hữu tình như tranh vẽ của Tràng An - Ninh Bình; cùng với đó là 36 phố phường nhuốm màu lịch sử của thủ đô Hà Nội.
Ngoài hai chuyến đi kể trên, là các hoạt động như: thiết kế trang phục áo dài, poster, brochure,… với mục đích giúp các bạn học sinh thể hiện góc nhìn sáng tạo, mới lạ trước những di sản đã tạo nên một lịch sử Việt Nam hào hùng, vàng son, đồng thời còn góp phần quảng bá những nét đẹp dân tộc đến từng người trẻ của một thế hệ mới.
Sau 2 tháng thực hiện, tại buổi báo cáo dự án, học sinh toàn trường, phụ huynh, các giáo viên, đại diện các trường bạn đã được lắng nghe phần giới thiệu về các nhóm, tham quan các không gian trưng bày về các di sản văn hóa thế giới tại Việt Nam được UNESCO công nhận như Thành Nhà Hồ, Vịnh Hạ Long, Hoàng Thành Thăng Long, Cao nguyên đá Đồng Văn, Phong Nha-Kẻ Bàng, Phố cổ Hội An, Quần thể di tích Cố đô Huế….
Học sinh đã có những màn trình diễn ấn tượng bằng hoạt cảnh, tác phẩm... để tái hiện lại các di sản văn hóa phi vật thể thế giới tại Việt Nam như Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc; Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên; Tín ngưỡng thờ Mẫu; Đờn ca tài từ Nam bộ; Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ; Dân ca ví, giặm Nghê Tĩnh; Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; Hát xoan Phú Thọ; Ca trù, dân ca Quan họ Bắc Ninh; Nhã nhạc cung đình Huế và Nghi lễ kéo co.
Ngoài ra, các em còn tham gia viết bài luận bằng tiếng Anh về “Viết về di sản” và làm bài trắc nghiệm kiến thức bằng tiếng Anh liên quan đến các di sản thế giới tại Việt Nam cũng như thực hiện các clip phỏng vấn khách nước ngoài tham quan tại một số di sản...
Theo thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng tổ Lịch sử của Trường THPT Lê Quý Đôn -một trong những giáo viên phụ trách dự án đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của các em học sinh tham gia dự án. Bên cạnh việc đổi mới dạy học hiệu quả, dự án đã giúp các em học sinh có tinh thần yêu thích môn học, khám phá, sáng tạo, có ý thức vận dụng kiến thức đã học vào thực tế.
Các tiết mục góp phần tái hiện không gian văn hoá được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể, nhằm đưa học sinh tiệm cận với cái hay cái đẹp của văn hoá dân tộc. Các em học sinh đã khiến các thầy cô giáo bất ngờ với tài năng, sở trường của mình từ việc chuẩn bị các clip, diễn các tiết mục đến thiết kế thời trang, vẽ, ca hát...
Một số hình ảnh tại buổi tổng kết Con đường di sản
Học sinh tái hiện không gian di sản |
Học sinh lớp 12D3 có 2 tuần để chuẩn bị cho tiết mục |
Lớp 12D5 với tiết mục Cô đôi thượng ngàn nhận được nhiều lời khen của các học sinh, đại biểu tham dự |
Cô và trò cùng tham gia tiết mục Dạ cổ hoài lang |
Trình diễn áo dài Con đường di sản |
Học sinh chuẩn bị các đồ lưu niệm được bày tại các không gian di sản |
Các em học sinh hào hứng tham gia trò chơi dân gian tại sân trường |
Thi thiết kế thời trang bằng các chất liệu thân thiện với môi trường về các di sản văn hóa |