Những tiết học trải nghiệm bổ ích

GD&TĐ - Chủ động sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học, nhiều giáo viên Ngữ văn tại TPHCM đã và đang “biến hóa” những tiết dạy học của mình để mang đến cho học trò những bài học bổ ích, lý thú, sinh động và đưa văn học tới thật gần các em.

Nhóm HS của Trường THCS Nguyễn Du thực hiện phim ngắn về Ngã ba Đồng Lộc giới thiệu poster phim
Nhóm HS của Trường THCS Nguyễn Du thực hiện phim ngắn về Ngã ba Đồng Lộc giới thiệu poster phim

Từ đó, giúp các em hiểu ra rằng, văn học chính là cuộc sống, vô cùng gần gũi chứ không phải là những con chữ khô cứng trên sách để phục vụ cho thi cử.

Để học trò thỏa sức sáng tạo

Với hoạt động trải nghiệm môn Ngữ văn có chủ đề “Bài ca người lính”, các em HS khối 9 của Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) đã thỏa sức sáng tạo khi làm nên những đoạn phim ngắn về người lính, tự thiết kế poster, viết lời bình cho các sản phẩm của mình.

Khi các em nộp sản phẩm, thầy cô trong tổ bộ môn Ngữ văn vô cùng bất ngờ trước sự sáng tạo, công phu của HS. Đó là những đoạn phim như Thanh xuân, Đừng đốt, Ký ức chiến tranh, Hẹn ước không lời, Nhật ký lửa, Ngã ba Đồng Lộc, Người lính năm xưa...

Thầy Võ Kim Bảo - giáo viên Ngữ văn của trường cho biết, để làm ra các sản phẩm này, các em phải vừa nắm được kiến thức văn học, tìm hiểu về kiến thức lịch sử đồng thời phải thể hiện rất nhiều khả năng như sáng tạo, quay dựng phim, thiết kế, tổ chức sản xuất phim, trực tiếp vào vai diễn, thu thập và xử lý tư liệu… Nhiều em có những ý tưởng rất hay khiến thầy cô bất ngờ vì nếu chỉ với những tiết giảng 45 phút trên lớp sẽ khó để phát hiện ra sở trường, năng lực của các em.

Cũng tại Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, HS khối 6 của trường lại học Văn kể chuyện trong chương trình theo cách khác. Theo đó, các em được đến Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng để học tập từ các tích truyện qua sân khấu múa rối nước. Qua đó, các em hoàn thành một bài văn kể chuyện về một chuyến đi mà em ấn tượng nhất, kèm theo hình ảnh minh họa.

Tương tự, xuất phát từ thực tế nhiều HS chưa thực sự hứng thú trong giờ học Văn, thầy Nguyễn Đức Uy - giáo viên Tổ Văn Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1) đã cho HS tiếp cận văn bản một cách rất mới lạ. Đó là trước khi học một tác phẩm, thầy yêu cầu HS chuẩn bị bài bằng cách các em có thể thỏa thích sáng tạo cách cảm nhận của mình về tác phẩm đó như vẽ tranh (từng cá nhân, hoặc chia theo các nhóm để vẽ), cũng có nhóm chọn cách kể lại câu chuyện, đóng hoạt cảnh, thậm chí viết nhạc. “Với cách học này, các em sẽ nhớ bài lâu hơn, hiểu hơn và cảm thấy việc học không nặng nề, áp lực. Ngoài ra các em thỏa sức sáng tạo với tác phẩm”.

Thầy Uy cho biết thêm, hiện các em khối 8 đang học Văn tự sự, nếu chỉ ra những đề bài kiểm tra như kể về một việc tốt hay một việc làm của em khiến ba mẹ buồn thì sẽ trở nên nhàm chán, rập khuôn… Vì vậy, thầy Uy đã cho HS mỗi em tự sáng tác một câu chuyện và thiết kế câu chuyện đó bằng hình ảnh, làm thành một tập san của lớp.

Lễ hội màu sắc của văn học thế giới

Cũng là những tiết học trải nghiệm sáng tạo của môn Ngữ văn, HS Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) lại hóa thân thành những nhân vật văn học bằng hoạt cảnh, đắm chìm trong những điệu nhảy nổi tiếng của nền văn hóa Nga, Nhật, Trung Quốc, Ấn Độ… thông qua lễ hội văn học thế giới với chủ đề Đông Tây Hội ngộ. Bên cạnh đó, tại lễ hội HS còn làm những gian triển lãm đa màu sắc về những tác phẩm nổi tiếng, về nền văn học, văn hóa, con người của các quốc gia có trong chương trình văn học thế giới của THPT.

Đó là những tiết Mặt trời vẫn mọc về đất nước con người Nhật Bản, hoạt cảnh Lời của Đá lấy cảm hứng từ tác phẩm Đàn ghi-ta của Lorca; là chuỗi những tiết mục diễu hành, trình diễn về những trang văn cổ đại - Ấn Độ, hay kể về câu chuyện về nàng Sita và chàng Rama để khám phá những bí ẩn còn sót lại.

Tham gia trong lễ hội, em Nguyễn Đăng Tâm, lớp 12D5 cũng như nhiều HS của trường cho rằng: Đây là tiết học trải nghiệm vô cùng thú vị, bổ ích, em và các bạn HS sẽ hiểu hơn về các tác phẩm, nhớ lâu hơn, cảm thấy văn học rất gần gũi, cũng như biết được thêm nhiều điều không chỉ là tác giả, tác phẩm mà còn là nét văn hóa đặc trưng, về đất nước, con người của các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga…

Qua những tiết học trải nghiệm, cô Lê Ngọc Hân, Tổ trưởng Tổ Văn của trường cho rằng, khi học qua mỗi tác phẩm, điều mà các em biết được không chỉ đơn thuần là tác phẩm, tác giả, mà lại nguồn cốt, tâm hồn của đất nước đó. Các em hiểu được văn học là cuộc sống, văn học rất gần gũi chứ không phải học văn chỉ để thi cử. Thông qua đó, rèn cho các em rất nhiều kỹ năng, phát huy sở trường của từng em. Như cách biên tập, dàn trang, thiết kế, biên kịch, biên đạo, làm việc nhóm, cách bố trí thời gian… Các em rất háo hức, mong chờ và bạn nào cũng có ý thức để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.