Học sinh bắt nhịp với năm học mới: Có cần tựu trường sớm?

GD&TĐ - Vì ảnh hưởng của dịch bệnh nên một số trường, địa phương bày tỏ mong muốn được tựu trường sớm hơn để giúp học sinh (HS) củng cố kiến thức trước khi vào năm học mới; đặc biệt là HS lớp 5 lên lớp 6 và lớp 9 lên 10.

Trong giờ học tại Trường Tiểu học Hùng Vương (thị trấn Chư Sê, Gia Lai).
Trong giờ học tại Trường Tiểu học Hùng Vương (thị trấn Chư Sê, Gia Lai).

Cần thời gian củng cố kiến thức trước chuyển lớp?

Ông Lê Bá Việt Hùng, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Phú Thọ cho biết: Năm học 2021 - 2022 công tác dạy và học tại các trường phổ thông trên cả nước nói chung và Phú Thọ nói riêng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. HS các cấp học phải học trực tuyến trong thời gian dài, không chỉ tác động tới chất lượng giáo dục mà còn cả tâm lý, nền nếp học tập của HS.

Để chuẩn bị tốt cho năm học 2022 - 2023, Bộ GD&ĐT nên cho phép tựu trường sớm. Các trường cần dành khoảng 2 tuần để tổ chức ôn tập, củng cố cho HS những nội dung kiến thức bị “hổng” do học trực tuyến lâu ngày. Đặc biệt, đối với HS đầu cấp (lớp 5 lên lớp 6, lớp 9 lên lớp 10), các em cần được học bổ sung một số kiến thức nền mà chương trình cũ không được học nhưng cần thiết để tiếp cận chương trình mới. Việc bổ sung kiến thức cho HS lớp 5, lớp 9 để làm quen và đáp ứng được chuẩn đầu vào của lớp 6, lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 lẽ ra phải được dạy lồng ghép trong năm học 2021 - 2022. Tuy nhiên vì nhiều lý do, đặc biệt là do dịch Covid-19 nên các nội dung trên chưa được dạy đầy đủ, hoặc không thống nhất ở các lớp, trường, địa phương. Vì vậy, các trường THCS, THPT khi tiếp nhận HS lớp 6, lớp 10 phải rà soát và dạy bổ sung những nội dung này.

“Mong rằng, Bộ sẽ có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể để các địa phương có căn cứ chỉ đạo, tổ chức thực hiện”. Đưa kiến nghị, ông Lê Bá Việt Hùng đồng thời lưu ý các trường bên cạnh việc dạy ôn tập, củng cố kiến thức cần quan tâm đến việc tổ chức hoạt động tư vấn, hỗ trợ; giúp HS làm quen với nhà trường, thầy cô, bạn bè; tìm hiểu về chương trình, phương pháp học tập ở lớp mới, cấp học mới… để chủ động, tự tin khi bước vào năm học mới.

Cùng quan điểm, theo thầy Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình), năm học qua, ngành Giáo dục tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nhiều nơi HS phải dừng đến trường và học trực tuyến trong thời gian dài, thầy cô không thể dạy trực tiếp và rèn kỹ năng cho học trò, ảnh hưởng đến tâm lý, chất lượng học tập. Do đó, cần phải có thời gian để giáo viên bồi dưỡng, củng cố kiến thức cho HS trước khi chuyển lớp.

“Nhiều địa phương đã quyết định cho HS nghỉ hè theo đúng kế hoạch, kết thúc năm học vào cuối tháng 5/2022 để trò nghỉ ngơi, vui chơi. Năm học mới, theo ý kiến của các thầy cô, cũng nên cho HS tựu trường sớm hơn, khi đó thầy - trò có 1 - 2 tuần để vừa ổn định nền nếp, ôn tập củng cố kiến thức, tổ chức các hoạt động trải nghiệm bảo đảm kiến thức, kỹ năng… trước khi vào năm học mới. Đặc biệt với HS đầu cấp (lớp 5 lên lớp 6) càng cần có thời gian để các em làm quen với ngôi trường mới, chương trình học tập mới (Chương trình giáo dục phổ thông 2018). Nhà trường chủ động nhận bàn giao HS sớm, phân công giáo viên chủ nhiệm nhận lớp, làm quen, hướng dẫn HS và phụ huynh chuẩn bị các điều kiện học tập cho năm học mới như sách giáo khoa, đồ dùng học tập...” - thầy Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.

Ảnh minh họa/ INT
Ảnh minh họa/ INT

Giúp HS nhanh chóng tiếp cận chương trình mới

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, không nhất thiết phải tựu trường sớm hơn. Như tại thành phố Thuận An (Bình Dương), trường THCS sẽ hoàn thành chương trình đúng kế hoạch vào 30/5; trường tiểu học kéo dài thêm 2 tuần, kết thúc vào 15/6. Bà Huỳnh Thị Mỹ Ngân, Trưởng phòng GD&ĐT Thuận An cho biết: Trong thời gian dịch bệnh, 90 - 95% HS tiểu học, THCS tại Thuận An học trực tuyến hiệu quả. Số còn lại được thầy cô phụ đạo khi quay trở lại trường học trực tiếp. “HS tiểu học đã có 2 tuần được học kéo dài trước khi nghỉ hè nên việc tựu trường sớm với HS tiểu học, THCS tại Thuận An là không cần thiết” - bà Huỳnh Thị Mỹ Ngân cho hay.

Cũng với quan điểm không cần thiết phải tựu trường sớm hơn, theo thầy Trần Văn Hân, Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Quý (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp), học kỳ I năm học 2021 - 2022, HS chủ yếu học trực tuyến nên việc tiếp thu có hạn chế nhất định, tuy nhiên, Bộ GD&ĐT đã chủ động hướng dẫn giảm tải nội dung phù hợp tình hình học trực tuyến. Bên cạnh đó, sau Tết Nguyên đán, HS quay trở lại trường học trực tiếp, được giáo viên ôn tập, củng cố kiến thức song song với dạy nội dung mới bảo đảm theo đúng chương trình.

Ngoài ra, HS lớp 9 thi tuyển vào lớp 10 chuyên và dùng kết quả để đăng ký xét tuyển vào lớp 10 không chuyên - hoạt động này kết thúc trong tháng 8/2022 nên nếu bắt đầu học sớm hơn sẽ gặp khó khăn. Giáo viên thực hiện Chương trình mới cũng cần thời gian nghiên cứu, tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn… Nếu bắt đầu năm học sớm, các hoạt động này không triển khai kịp, phải vừa dạy vừa nghiên cứu, hiệu quả sẽ không cao.

Để giúp HS vào lớp 10 không bỡ ngỡ, thầy Trần Văn Hân thông tin: Nhà trường đã gửi chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 được sở GD&ĐT phê duyệt, phương án tổ hợp môn lựa chọn phù hợp với điều kiện thức tế của nhà trường và dự đoán nhu cầu của HS đến các trường THCS trong vùng tuyển sinh để phụ huynh, HS biết, từ đó có định hướng phù hợp. Trường đồng thời cập nhật về tình hình đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, sách giáo khoa được tỉnh phê duyệt; cách kiểm tra, đánh giá xếp loại HS; các văn bản mới về thực hiện chương trình lớp 10 năm học 2022 - 2023 để toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, HS và phụ huynh biết thông qua hình thức khác nhau.

Với Trường THPT Võ Thị Sáu (TP Châu Đốc, An Giang), cô Hiệu trưởng Trương Thị Nguyện chia sẻ: Năm đầu tiên thực hiện chương trình mới, nhà trường chú trọng tuyên truyền cho cán bộ, giáo viên, HS, phụ huynh HS trường THCS; xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục nhà trường, biên chế lớp; dự kiến đội ngũ cán bộ, giáo viên tham gia lớp tập huấn và bồi dưỡng của sở GD&ĐT tổ chức; chuẩn bị cơ sở vật chất đáp ứng cho Chương trình GDPT 2018. Ngoài ra, trường cũng định hướng tổ hợp môn và chuyên đề ngoài các môn học bắt buộc cho HS lớp 9 chuẩn bị thi tuyển sinh vào lớp 10 và phụ huynh HS biết để nghiên cứu lựa chọn phù hợp. Từ đó, khi trúng tuyển vào lớp 10 của trường, các em sẽ không bỡ ngỡ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.