Học sinh Bắc Giang tìm ra thảo dược đuổi côn trùng

GD&TĐ - Nhóm học sinh Trường THPT Lạng Giang số 1 (tỉnh Bắc Giang) đã nghiên cứu và chiết xuất thành công dung dịch thảo dược sát khuẩn và đuổi, diệt côn trùng với giá thành rẻ, nguyên liệu sẵn trong tự nhiên.

Thầy cô và nhóm học sinh dự án: “Sản xuất dung dịch sát khuẩn và đuổi, diệt côn trùng sinh học”.
Thầy cô và nhóm học sinh dự án: “Sản xuất dung dịch sát khuẩn và đuổi, diệt côn trùng sinh học”.

Ý tưởng từ ngồi học bị... muỗi đốt

Tham dự Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2021 do Bộ GD&ĐT, nhóm học sinh đến từ Trường THPT Lạng Giang số 1 đã đem tới dự án “Dung dịch sát khuẩn và đuổi, diệt côn trùng sinh học” (Sabidan). Sản phẩm không chỉ được dùng làm chất khử khuẩn, mà còn làm nước rửa tay khô hiệu quả.

Nhóm gồm 5 thành viên gồm Vũ Đình Trọng (lớp 11A1), Nguyễn Thị Thu Hiền (lớp 10A1), Đào Minh Đức (lớp 10A1), Nguyễn Thế Hưng (lớp 11A1), Nguyễn Khắc Huy (lớp 11A1), đều là học sinh từ Trường THPT Lạng Giang số 1.

Cô Vũ Thị Huệ (giáo viên Công nghệ kiêm người hướng dẫn dự án), Trường THPT Lạng Giang số 1 cho biết, ý tưởng dung dịch sát khuẩn và đuổi, diệt côn trùng Sabidan xuất phát từ thực tế các bạn trong nhóm thấy côn trùng như muỗi, kiến, gián gây ảnh hưởng đến học tập, sinh hoạt.

“Khi các em chia sẻ về ý tưởng của bản thân và lợi ích của dung dịch có nguồn gốc sinh học tự nhiên, tôi đã cùng các em đưa ra mục tiêu xa hơn như làm nước sát khuẩn, chai rửa tay khô trong bối cảnh dịch Covid-19. Bởi lẽ, nguyên liệu làm ra sản phẩm rất dễ tìm kiếm và phong phú gần gũi với người dân địa phương.

Chẳng hạn, cây sả, cây bạch đàn xoắn hay cây ngũ gia bì chân chim thường được trồng làm cây cảnh, đuổi muỗi hiệu quả theo dân gian. Còn cồn ethanol thì đã áp dụng trong y tế từ lâu...”, cô Vũ Thị Huệ chia sẻ.

Nói về khó khăn của dự án, cô Huệ cho hay, khâu chiết xuất dung dịch từ cây sả, lá bạch đàn xoắn và cây ngũ gia bì rất mất thời gian. Sau đó, việc tìm ra công thức, tỉ lệ các chất trong dung dịch bao nhiêu cũng khiến cả nhóm “đau đầu” nhiều ngày.

“Các em đều là học sinh nên thời gian nghiên cứu hạn chế, nhất là thời điểm ảnh hưởng của dịch bệnh hoặc ôn thi. Dù vậy, các em đã thống nhất dành thời gian nhất định để cùng nhau họp bàn, thí nghiệm… để hoàn thành dự án Sabidan. Hiện, cả 5 em đều có kết quả học tập tốp đầu của lớp”, cô Huệ bày tỏ.

Theo cô Vũ Thị Huệ, dự án này sẽ tạo cảm hứng nghiên cứu khoa học, tinh thần khởi nghiệp đến các bạn khác. Ngoài ra, từ thành công ban đầu, nhóm sẽ mở rộng quy mô sản xuất Sabidan dự kiến từ mức 600 lít/ngày.

Là nhóm trưởng dự án Sabidan, em Vũ Đình Trọng chia sẻ, từ thực tế ngồi học bị muỗi đốt nên đã nghĩ ra làm sao đuổi muỗi hiệu quả.

“Đầu tiên, em tìm hiểu một số loại thuốc hóa học nhưng thấy không ổn vì sẽ có hại cho sức khỏe con người, vật nuôi khác. Sau đó, em hỏi thầy cô xem có loại cây nào đuổi diệt muỗi tự nhiên. Mới đầu, có mình em sau đó có thêm các bạn khác tham gia vì chung đam mê nghiên cứu. Có người rồi nhưng còn nguyên liệu thì không phải mới tìm là ra ngay. Em phải đi hỏi tìm nhà trồng cây ngũ gia bì chân chim cách trường 6km, lên đồi tìm nhà trồng bạch đàn xoắn...”, Trọng nhớ lại.

Em Trọng cho hay, sản phẩm Sabidan có tính chất diệt khuẩn nên có thể thay thế nước rửa tay khô hoặc dung dịch sát khuẩn thông thường. Bên cạnh đó, dung dịch này còn có thể thoa trực tiếp vào chỗ muỗi, bọ chó đốt để giảm sưng tấy, ngứa, hạn chế nhiễm trùng.

Là nữ thành viên duy nhất của nhóm, em Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết thêm, khâu chiết xuất tinh dầu thì nhanh nhưng để thử nghiệm đuổi muỗi thành công rất mất thời gian.

“Chúng em chia lồng thí nghiệm làm hai phần. Một bên là muỗi, một bên xịt dung dịch xem có phản ứng gì không? Sau khoảng 15 phút, muỗi chết nhiều nhất. Nhưng sau đó, tác dụng giảm dần. Lâu nhất là 30 phút. Muốn kéo dài hiệu quả thì cần nghiên cứu thêm...”, Hiền cho hay.

Hiện, lợi thế lớn nhất của dung dịch sát khuẩn và đuổi, diệt côn trùng sinh học Sabidan là giá cả so với các sản phẩm khác trên thị trường. Giá sản phẩm Sabidan chai nhỏ 150ml là 20 nghìn đồng, 300ml là 45 nghìn đồng và 500ml là 60 nghìn đồng. Với chai nhỏ 150ml hướng tới đối tượng cá nhân, do gọn nhẹ. Còn chai 300ml và 500ml dùng trong gia đình, cơ quan, trường học.

So với sản phẩm diệt côn trùng sinh học từ Đức với giá từ 1,5 - 1,7 triệu đồng hay sản phẩm trong nước từ 350 nghìn đến 400 nghìn đồng thì Sabidan có giá “hạt rẻ” hơn chỉ là 200 nghìn đồng/lít.

Nhóm học sinh thử nghiệm dự án: “Sản xuất dung dịch sát khuẩn và đuổi, diệt côn trùng sinh học”.
Nhóm học sinh thử nghiệm dự án: “Sản xuất dung dịch sát khuẩn và đuổi, diệt côn trùng sinh học”.

Hiệu quả từ đổi mới giáo dục

Ông Nguyễn Tuấn Quảng - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lạng Giang số 1 - cho biết, nhiều năm qua, học sinh nhà trường liên tục đoạt giải cao tại các cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, quốc gia và khu vực.

Theo ông Quảng, dự án: “Sản xuất dung dịch sát khuẩn và đuổi, diệt côn trùng sinh học” được lấy một phần kết quả từ Cuộc thi: Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Bắc Giang năm 2021. Sau đó, được nhóm học sinh phát triển lên theo hướng kinh doanh, khởi nghiệp.

“Sản phẩm dự án “Sản xuất dung dịch sát khuẩn và đuổi, diệt côn trùng sinh học” được chiết xuất từ cây sẵn có ở địa phương và có tính diệt khuẩn, đuổi côn trùng. Đây cũng là nguồn nguyên liệu sẵn có và thực hiện phủ xanh đất trống đồi trọc tại Bắc Giang...”, ông Quảng chia sẻ.

Hiện, các thầy cô và học sinh nhà trường đều đã và đang sử dụng sản phẩm. Tuy nhiên, do làm thủ công hiện sản phẩm chưa đủ để cung cấp cho tất cả các lớp.

“Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2021 do Bộ GD&ĐT là chương trình rất đáng chú ý, cần thiết, bổ ích cho học sinh, sinh viên. Đặc biệt là học sinh và chương trình đổi mới giáo dục hiện nay. Có chương trình khởi nghiệp giúp các em gắn giữa kiến thức lý thuyết với thực tiễn cuộc sống. Ngoài ra, học sinh có thêm định hướng nghề nghiệp...”, ông Quảng nói.

Bà Đào Thị Hường - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang - cho biết, dự án “Sản xuất dung dịch sát khuẩn và đuổi, diệt côn trùng sinh học” là một trong 20 dự án của học sinh cả nước xuất sắc vào vòng chung kết Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2021 do Bộ GD&ĐT tổ chức.

Theo bà Hường, Sở đã có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc và Phòng GD&ĐT về việc tham gia vòng bình chọn Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp”. Trong đó, kịp thời thông tin đến cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh về vòng bình chọn và vòng chung kết cuộc thi.

“Dự án: Sản xuất dung dịch sát khuẩn và đuổi, diệt côn trùng sinh học là một thành tích quan trọng, niềm vinh dự, tự hào của Trường THPT Lạng Giang số 1 và ngành GD-ĐT tỉnh Bắc Giang...”, bà Hường nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ ở trẻ. Ảnh minh họa: INT

Thực phẩm ảnh hưởng tới trí nhớ

GD&TĐ - Chế độ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và chiên rán, nhiều đường làm giảm khả năng học tập và trí nhớ, cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm.