Địa phương, nhà trường đang từng bước gỡ khó, tìm cách hỗ trợ, giúp đỡ học sinh.
Học sinh vùng khó gặp khó khi học online
Ông Phạm Hoàng Gan, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, cho biết: Sở đã xây dựng 3 kịch bản cho năm học 2021 - 2022. Trong đó có phương án dịch bệnh đang diễn ra nhưng chưa thực hiện giãn cách xã hội, học sinh còn đến trường sẽ thực hiện 70% dạy và học trực tiếp trên lớp, 30% dạy và học trực tuyến.
Nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thực hiện giãn cách xã hội, học sinh phải nghỉ học thì thực hiện 100% dạy và học trực tuyến và bằng hình thức gián tiếp khác. Tuy nhiên, theo ông Gan, khó khăn lớn nhất trong việc dạy và học trực tuyến là điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường, đường truyền Internet và điều kiện học tập của học sinh (điện thoại thông minh, máy tính để bàn có kết nối Internet).
Tại Trường Tiểu học Đào Duy Từ, huyện U Minh (Cà Mau), công tác chuẩn bị cho năm học mới được khẩn trương thực hiện. Theo thầy Cao Văn Đượm, Hiệu trưởng nhà trường, trường đang tiến hành điều tra số lượng học sinh có đủ điều kiện thiết bị nghe - nhìn để học online. Tuy nhiên, chuyện học online ở vùng này gặp rất nhiều khó khăn. Bởi, đa phần đời sống người dân nơi đây còn nghèo và mạng Internet chưa phủ.
Còn theo thầy Trần Chí Dũng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hố Gùi, huyện Đầm Dơi (Cà Mau), học sinh ở điểm trường hầu hết có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cha mẹ chỉ mỗi nghề đi biển, bắt ốc, mò cua… “Khó khăn lớn nhất là giáo viên không có màn hình trình chiếu để áp dụng công nghệ thông tin trong việc giảng dạy. Đa phần học sinh thiếu công cụ học tập như máy tính hoặc điện thoại thông minh…”, thầy Dũng cho biết.
Không chỉ vùng khó, tại TP Cần Thơ, nhiều nơi việc học online của học sinh cũng gặp trở ngại nhất định. Tại quận Bình Thủy, năm học trước có khoảng 70% học sinh học trực tuyến. Số học sinh còn lại chưa tham gia vì không có trang thiết bị. TP Cần Thơ đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, “ai ở nhà nấy” nên việc mua sắm thiết bị đầu cuối như máy tính, tivi, tai nghe... là điều không thể bởi tất cả cửa hàng đều đóng cửa. Đặc biệt, đối với trẻ tiểu học, không phải em nào cũng biết các thao tác máy tính và không phải phụ huynh nào cũng có thể ngồi cùng học với con.
Nhà trường hỗ trợ phụ huynh, học sinh
Để triển khai hiệu quả việc học online, ngành Giáo dục, nhà trường, giáo viên không chỉ chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, mà còn quan tâm, hỗ trợ học sinh, phụ huynh. Đặc biệt, các địa phương vùng sâu, vùng xa đưa ra các giải pháp để gỡ khó, giúp tất cả học sinh được tiếp cận việc học.
Theo thầy Nguyễn Văn Lộc, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ), để bảo đảm chất lượng giáo dục, hỗ trợ học sinh khó khăn, trường đã rà soát để chia nhóm và xác định phương thức hỗ trợ. Với học sinh có phương tiện thiết bị nhưng thiếu đường truyền Internet, trường đã làm việc với VNPT huyện để hỗ trợ 2GB/1 ngày (miễn phí 60 ngày).
Với nhóm học sinh không có máy tính, điện thoại, trường thống kê và tổ chức photo nội dung bài học gửi tận nhà cho các em qua đường bưu điện (phí do trường trả); hoặc giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn đưa đến cho học sinh. Sau thời gian quy định, học sinh hoàn thành bài học và bài tập được giao, phụ huynh gửi qua bưu điện hoặc giáo viên đến nhận… Bên cạnh đó, mỗi lớp đều có nhóm Zalo để quản lý. Lãnh đạo trường có thể tham gia lớp học để nắm tình hình và hỗ trợ thầy cô, học sinh nếu gặp khó khăn.
Theo thống kê của Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Thạnh, huyện còn một số trường thiếu máy tính. Với học sinh, khoảng 40% gia đình không có Internet, 30% học sinh không có điện thoại. Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng GD&ÐT huyện Vĩnh Thạnh, cho hay: Trước mắt, ngành Giáo dục tham mưu UBND huyện, Sở GD&ÐT đầu tư thêm cơ sở vật chất, máy tính. Phía học sinh thì tổ chức để những em có phương tiện thành lập nhóm với các em không có thiết bị ở gần nhà để học cùng nhau. Hoặc giáo viên sẽ in, gửi bài cho các em còn khó khăn…
Dịch bệnh còn phức tạp, Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo các đơn vị, trường học dạy học online. Đối với học sinh, học viên chưa có máy tính, linh hoạt bố trí học sinh, học viên học online theo nhóm (không quá 3 học sinh/nhóm) trên địa bàn cư trú, bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch.
Đối với cơ sở giáo dục chưa bảo đảm điều kiện dạy học online thì sử dụng ứng dụng Google Meet, Zoom... trên điện thoại thông minh để dạy học (do hầu hết học sinh, học viên đều có điện thoại thông minh). Sử dụng mạng xã hội, ứng dụng OTT (Viber, Zalo...) để hỗ trợ dạy học (giáo viên giao nhiệm vụ cho học sinh, học viên hoặc nhóm học sinh/học viên; kiểm tra, đánh giá kết quả học tập...).