Học online không nên bắt SV dí mắt vào màn hình 45 phút

GD&TĐ - Ngày 29/12, tại Trường ĐH Văn Lang (VLU) đã diễn ra buổi tọa đàm “Chuyển đổi số trong Giáo dục Đại học”, do VLU phối hợp cùng Công ty CP Việt Lotus (VLC) tổ chức.

Các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm.
Các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm.

Sự kiện quy tụ các diễn giả hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ cùng hàng trăm khách mời đại diện các trường Đại học, doanh nghiệp, Trung tâm đổi mới sáng tạo, Start – up…

Trong khuôn khổ của chương trình, Trường ĐH Văn Lang thực hiện ký kết bản ghi nhớ hợp tác với Công ty Cổ phần Việt Lotus (VLC) nhằm thúc đẩy Chuyển đổi số quốc gia, Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và cụ thể hóa các hoạt động Chuyển đổi số toàn diện trong hệ thống Văn Lang nói chung và VLU nói riêng.

Trường ĐH Văn Lang ký kết hợp tác với Công ty Cổ phần Việt Lotus (VLC) nhằm thúc đẩy Chuyển đổi số trong GD.

Trường ĐH Văn Lang ký kết hợp tác với Công ty Cổ phần Việt Lotus (VLC) nhằm thúc đẩy Chuyển đổi số trong GD.

Tham gia chương trình các khách mời và sinh viên có cơ hội giao lưu với các tên tuổi lớn trong lĩnh vực công nghệ, đã và đang thành công trong nghiên cứu, xây dựng và phát triển nền tảng chuyển đổi số trong GD, như: TS Vũ Viết Ngoạn – CEO và đồng sáng lập Viet Lotus Corp., TS Nguyễn Cao Trí – Chủ tịch Hội đồng trường VLU; TS. Trần Việt Hùng - Founder & President của Got It, INC (Silicon Valley); ông Vòng Thanh Cường – CEO và đồng sáng lập Kimpa Group (Silicon Valley); TS. Vũ Duy Thức - CEO và đồng sáng lập Kambria (Silicon Valley); PGS.TS. Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM; TS Trương Bá Hà – Tổng Giám đốc Công ty Phần mềm PSC, ông Trần Văn Viễn – Giám đốc khu vực phía Nam của Base.vn…

TS Nguyễn Cao Trí – Chủ tịch Hội đồng trường VLU phát biểu tại sự kiện.
TS Nguyễn Cao Trí – Chủ tịch Hội đồng trường VLU phát biểu tại sự kiện.

Theo TS Nguyễn Cao Trí – Chủ tịch Hội đồng trường VLU, trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, nhiều nước trên thế giới như Anh, Úc, Mỹ,… đã và đang triển khai chiến lược quốc gia về chuyển đổi số toàn diện. Quá trình chuyển đổi số trải rộng trên các lĩnh vực như: chính phủ số (dịch vụ công trực tuyến, dữ liệu mở,…), kinh tế số (tài chính số, thương mại điện tử,…), xã hội số (giáo dục, y tế, văn hóa,…). Không nằm ngoài xu thế chung của thế giới, chuyển đổi số trong Giáo dục Đại học tại Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ để bắt kịp xu thế giáo dục toàn cầu. Không chỉ vậy, những ảnh hưởng từ dịch Covid-19 một lần nữa khẳng định vai trò của công nghệ đối với hoạt động giáo dục và yêu cầu bức thiết giáo dục phải chuyển mình. 

Đồng thời TS Nguyễn Cao Trí mong muốn thông qua những tọa đàm như thế này để tìm kiểm những giải pháp chuyển đổi số trong GD phù hợp với mô hình của VLU.

Tại tọa đàm, các diễn giả đến từ các trường đại học, các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm Chuyển đổi số trong giáo dục và đặt ra vai trò quan trọng của Đổi mới sáng tạo trong bộ máy tổ chức giáo dục… Từ đó, buổi tọa đàm cung cấp cái nhìn đa chiều về thực hiện xây dựng tài nguyên số, học thuật số trên nền tảng công nghệ thống nhất phục vụ học tập, nghiên cứu, giảng dạy và chia sẻ tri thức, đặc biệt là đối với học tập từ xa, học tập suốt đời.

Theo TS Trần Việt Hùng (CTO và đồng sáng lập Got!It, INC), Công nghệ giúp nhân bản người thầy, đồng thời giúp việc tuyển sinh được rộng rãi và thuận lợi hơn. Chuyển đổi số giúp cá nhân hóa người học, biết từng học sinh học theo hướng nào, thay vì một giảng viên dạy cả đám đông. Cụ thể, sinh viên cùng môn toán nhưng sinh viên được chọn người học phù hợp với mình. Trong đó, người thầy đóng vai trò là Super teacher, người học được người thầy dẫn dắt việc học. Do đó, người học giàu hay nghèo đều có cơ hội học như nhau. Công nghệ không chỉ thay đổi cách thức mà 3500 HS-SV có thể học cùng một thầy trong cùng một thời gian nhất định.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM phát biểu tại sự kiện.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM phát biểu tại sự kiện.

Ở góc độ là cơ sở GDĐH đã triển khai chuyển đổi số, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cho rằng khi chuyển đổi số, người giáo viên phải làm việc cật lực hơn, nên nhà trường phải trả thu nhập cao hơn. Nhờ trả thu nhập cao mà nhà trường thu hút được nhiều nguồn lực bên ngoài, nhiều nghiên cứu sinh, tiến sĩ, PGS… về trường.

“Khi chuyển đổi số các campus ĐH truyền thống sẽ không còn tồn tại như trước đây. Các buổi bảo vệ luận văn ThS đến TS đều được livestream, điều này tác động rất lớn đến chất lượng của các buổi bảo về luận văn luận án và các sự kiện học thuậ khác. Bởi, làm như thế thì cả thế giới đều xem được nên các học viên, nghiên cứu sinh phải làm việc nghiêm túc, nhà trường không tốn công kiểm tra đạo văn, hay sao chép đề tài” - PGS.TS Đỗ Văn Dũng chia sẻ.

Đồng thời, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cũng cho rằng thời gian mỗi cuốc dạy trong chuyển đổi số cũng cần tính toán một cách khoa học hơn. “Không nên bắt SV ngồi dí mắt vào màn hình học 45 phút. Do đó, cần chia nhỏ các mô-đun học trực tuyến thành 7 phút/mô-đun, xem kẽ các mô-đun là các bài tập thực hành, trò chơi” - PGS.TS Đỗ Văn Dũng lưu ý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ