Tham dự sự kiện có ông Trương Tấn Sang - nguyên Chủ tịch nước CHNXHCN Việt Nam; GS Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; GS Trần Hồng Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam; PGS.TS Dương Anh Đức - Phó chủ tịch UBND TPHCM và đại diện các lãnh sự quán, các cơ quan ban ngành, các đơn vị đối tác của VLU...
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã trao tặng Huân chương Lao động Hạng Ba cho tập thể sư phạm nhà trường. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ có bài phát biểu chúc mừng và ghi nhận, biểu dương những nỗ lực đóng góp của Trường ĐH Văn Lang vào sự phát triển chung của Giáo dục nước nhà và GDĐH nói riêng.
“Tôi vui mừng được biết, những năm gần đây, Trường ĐH Văn Lang đã quan tâm đầu tư cho công tác kiểm định chất lượng giáo dục. Trường ĐH Văn Lang là 1 trong 20 trường đại học đầu tiên tham gia Chương trình kiểm định của cả nước vào năm 2006 và được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục lần 1 vào năm 2009, lần 2 vào năm 2018.
Trường cũng đã trở thành thành viên của mạng lưới AUN và ACBSP, tiền đề để được công nhận đạt chuẩn kiểm định khu vực và quốc tế. Bên cạnh các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, nhà trường cũng tích cực tham gia các hoạt động xã hội, vì cộng đồng. Tiêu biểu nhất là gần đây, trước tình hình dịch Covid-19 bùng phát, VLU đã trao tặng 2.000 máy thở để cùng Chính phủ và các địa phương ứng phó với đại dịch Covid-19. Đây là hoạt động rất có ý nghĩa, thể hiện trách nhiệm xã hội của một trường đại học vì cộng đồng” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu.
Đồng thời, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng lưu ý: “Giáo dục ĐH đang đứng trước những vận hội to lớn nhưng cũng nhiều thách thức trên con đường phát triển. Hội nhập quốc tế, cạnh tranh toàn cầu và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động trực tiếp tới nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, đòi hỏi GDĐH phải đi trước một bước và thích ứng nhanh hơn.
Ngành nghề đào tạo thay đổi nhanh chóng, nhiều ngành đào tạo mới xuất hiện; xu hướng đào tạo, nghiên cứu liên ngành là cơ hội cho các trường ĐH lớn nhưng cũng là thách thức đối với phần lớn các trường ĐH nước ta, trong đó có các trường ngoài công lập. Bên cạnh đó, sự quan tâm, kỳ vọng của xã hội đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo cũng vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với các trường đại học nói chung, VLU nói riêng”.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá rất cao sứ mệnh - tầm nhìn mới của Trường ĐH Văn Lang với nền tảng ba giá trị cốt lõi là đạo đức, ý chí và sáng tạo, đồng thời hướng đến “trở thành một trong những trường đại học trẻ được ngưỡng mộ tại Châu Á vào 2030”. “Đây không chỉ có sức thôi thúc ở mục tiêu lớn lao, mà còn là một cam kết mạnh mẽ mang lại giá trị mới và tác động tích cực thực sự cho cộng đồng” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ.
Theo PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu - Hiệu trưởng VLU, trong 25 năm qua, nhà trường đã đào tạo 22 khóa sinh viên, cung cấp cho xã hội trên 42.000 cử nhân, kiến trúc sư, kỹ sư và thạc sĩ. Tính đến năm học 2020 – 2021, VLU sở hữu cộng đồng lớn mạnh với hơn 70.000 cựu sinh viên và sinh viên. Song song với hoạt động đa dạng hóa loại hình đào tạo theo định hướng ứng dụng, trong năm 2020, Trường ĐH Văn Lang đầu tư mở thêm các ngành đặc biệt như Răng Hàm Mặt; Diễn viên kịch - điện ảnh - truyền hình, Đạo diễn điện ảnh - truyền hình. Đặc biệt, Văn Lang là cơ sở GDĐH đi đầu trong đào tạo các ngành học tiên phong mũi nhọn lần đầu xuất hiện tại Việt Nam, như: Công nghệ sinh học y dược, Quản trị công nghệ sinh học; Quản trị môi trường doanh nghiệp; Thiết kế xanh, Nông nghiệp công nghệ cao…
Hiện VLU đào tạo 50 ngành học trình độ đại học, 8 ngành học trình độ thạc sĩ và 1 ngành học trình độ tiến sĩ. Bắt đầu từ năm 2018, nhà trường phát triển Chương trình đào tạo đặc biệt, Chương trình tiên tiến giúp sinh viên phát triển tư duy khai phóng, định vị bản thân, gắn liền với các hoạt động thực tiễn tại doanh nghiệp.