Chương trình mới nên nguồn tài liệu tham khảo ít, việc xây dựng bài giảng số, học liệu số gặp không ít khó khăn, đặc biệt là vùng khó. Dù vậy, với việc làm chủ công nghệ và tinh thần sáng tạo, cộng đồng GV đã có kết nối để bước đầu xây dựng được kho học liệu số cho Chương trình, SGK mới.
Vừa dạy vừa làm
Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) phân chia giáo viên xây dựng bài giảng số theo tuần và theo khối. Cô Đặng Thị Ánh Tuyết – Tổ trưởng Tổ Ngữ văn - cho biết: “Giáo viên khối 6 luân phiên nhau đảm nhận xây dựng bài giảng cho tuần 1, 2, 3, 4. Như tôi, đến 20/10 là lần thứ 2 thực hiện bài giảng trên kho học liệu số. Cách làm này tạo điều kiện cho giáo viên có nhiều thời gian để đầu tư vào bài giảng, tìm kiếm nguồn tài liệu, khai thác tối đa hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giảng dạy.
Giáo viên sẽ không quá áp lực khi xây dựng bài giảng số”. Quan trọng nhất, theo cô Tuyết, cách triển khai này giúp kho học liệu, bài giảng số không bị ngắt quãng và được bổ sung liên tục theo tuần. Tuần nào học sinh cũng có bài để có thể tự học.
Ở lớp 6, dù triển khai Chương trình GDPT mới, nhưng theo thầy Nguyễn Đức Tú Anh – Hiệu trưởng Trường THCS Tây Sơn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), giáo viên các bộ môn đã xây dựng, kết nối nhóm sinh hoạt chuyên môn để trao đổi, thảo luận, giới thiệu nguồn học liệu tin cậy để tham khảo xây dựng bài giảng số. “Vì vậy, dù mới có SGK và sách giáo viên, nhưng giáo viên các tổ chuyên môn khối 6 thực hiện xây dựng kho bài giảng số khá thuận lợi, không quá khó khăn như hình dung ban đầu”.
Theo cô Đặng Thị Ánh Tuyết, kho học liệu để khai thác tài liệu không thiếu, dù là chương trình mới. Giáo viên được sở, phòng GD&ĐT và tổ chuyên môn cung cấp nguồn tham khảo chính thống. Vấn đề còn lại là giáo viên phải biết lựa chọn tài liệu phù hợp để sử dụng, tạo nên bản sắc riêng của mình trong bài giảng.
Trong số giáo viên đảm nhận dạy môn Ngữ văn khối lớp 6 của Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng chỉ có một giáo viên trẻ mới ra trường. Những giáo viên còn lại đều có kinh nghiệm với chương trình cũ. Tuy nhiên, cô Tuyết nhận xét khi chuyển sang cách soạn giảng theo Công văn 5512 và đáp ứng mục tiêu phát triển năng lực cho học sinh, giáo viên ít nhiều có những lúng túng ban đầu. Nhóm chuyên môn Ngữ văn 6 của quận Thanh Khê đã kết nối với nhóm chủ biên sách của bộ Chân trời sáng tạo để có sự hỗ trợ cần thiết.
Với bộ môn Toán của Chương trình, SGK mới, cô Nguyễn Thị Như Ý – giáo viên môn Toán, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú (PTDTBT) Tiểu học & THCS Trà Nam (xã Trà Nam, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) - chia sẻ: Việc tìm kiếm tài liệu để xây dựng bài giảng không phong phú bằng một số môn học khác. Mặt khác, để phù hợp với điều kiện giảng dạy và mức độ tiếp nhận của HS ở vùng núi, đòi hỏi GV phải có đầu tư trong soạn giảng và gần như tự mày mò là chủ yếu.
Vừa nghiên cứu, soạn giảng để dạy học trực tiếp, vừa đầu tư xây dựng bài giảng số, cô Như Ý cho biết: “Trao đổi với đồng nghiệp theo cụm sinh hoạt chuyên môn giúp tôi bớt nhiều lúng túng khi xây dựng kế hoạch dạy học theo hướng dẫn mới”.
Bổ trợ tốt cho dạy học trực tuyến
Để hỗ trợ giáo viên trong quá trình xây dựng bài giảng số, Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng đã thành lập ban CNTT và phân chia nhiệm vụ cho 3 giáo viên hỗ trợ theo khối, tổ chuyên môn. Nếu thầy cô trục trặc, khó khăn gì thì liên hệ với từng người cụ thể để được hướng dẫn. Về nội dung, các thầy cô phải tự chuẩn bị và có sự góp ý của tổ bộ môn.
Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng đã xây dựng được một kho học liệu số để trước hết phục vụ cho học sinh của trường. Những học sinh nào trong quá trình học trực tuyến bị rớt mạng, vắng học hoặc theo không kịp bài giảng có thể vào kho học liệu để học lại.
“Nhà trường không yêu cầu cao với giáo viên trong xây dựng kho học liệu nội bộ. Giáo viên có thể chỉ đơn giản thu lại bài giảng bằng ứng dụng công cụ trên phần mềm MS Team. Thế nhưng, theo phản hồi của giáo viên, khi dạy - học trực tuyến, giáo viên có những câu hỏi tương tác với học sinh có mặt trong lớp học. Trong khi đó, học sinh học lại trên kho học liệu chỉ có một mình nên ghi lại một tiết dạy để các em học sau đó sẽ có những khoảng thừa. Vì vậy, giáo viên chủ động tự xây dựng lại bài giảng theo hướng tinh gọn, đẹp, bỏ qua các bước tương tác trực tiếp” - cô Nguyễn Thị An – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Cô Trịnh Thị Thu Hương - Tổ trưởng Tổ Toán, Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng - nhận xét: “Việc xây dựng bài giảng số để bổ sung vào kho học liệu sẽ hỗ trợ rất tốt cho quá trình dạy – học trực tuyến. Vì bài giảng số được thực hiện sau các tiết dạy trực tuyến nên giáo viên nắm được nội dung kiến thức nào cần đi chậm, các bước có thể giúp học sinh hình thành kỹ năng… để có một bài giảng hoàn chỉnh với thời lượng rút gọn hơn một tiết dạy thực tế”. Các giáo viên Tổ Toán của nhà trường có thể sử dụng
PowerPoint hoặc video để xây dựng bài giảng số. Theo cô Hương, Chương trình, SGK mới nhưng nội dung Toán lớp 6 vẫn có sự kế thừa chương trình cũ, vì vậy, nguồn học liệu để tham khảo không quá hiếm. “Cái mới là các hoạt động tổ chức dạy học phải làm sao để hình thành được phẩm chất, năng lực của học sinh, các em ứng dụng được gì sau mỗi bài học” – cô Hương khẳng định.