Học liệu số: Kinh nghiệm của người đi trước

GD&TĐ - Bài giảng, học liệu số là yêu cầu thiết yếu, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh, giúp học sinh“tạm dừng đến trường, không dừng học”.

Cô Vũ Thị Anh dạy học trên truyền hình.
Cô Vũ Thị Anh dạy học trên truyền hình.

Bởi vậy, không ít giáo viên, nhà trường, địa phương, dù còn nhiều khó khăn nhưng vẫn nỗ lực xây dựng nhiều bài giảng, học liệu số chất lượng, bắt đầu có sức lan tỏa.

Giáo viên, nhà trường tự xây kho bài giảng

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát cuối năm 2019, đầu năm 2020, Sở GD&ĐT Hưng Yên đã kịp thời chuyển từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến; đồng thời tổ chức quay bài giảng để phát trên sóng truyền hình. Cô Vũ Thị Anh, Trường THPT Ân Thi, Hưng Yên là một trong những giáo viên được lựa chọn để thực hiện các bài giảng trên truyền hình thời gian này.

Cô Anh cho biết: Trường THPT Ân Thi đã gửi lịch các khung giờ phát sóng học trên truyền hình tới các khối lớp; nhờ đó học sinh được học tập kịp thời và rất hào hứng. Kết hợp với các tiết học trên truyền hình, giáo viên giao câu hỏi, bài tập gửi tới học sinh nhằm củng cố, khắc sâu kiến thức đã lĩnh hội trong các giờ học trên truyền hình.

Chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng bài giảng, học liệu số, cô Vũ Thị Anh cho rằng: Giáo viên xác định được mục tiêu kiến thức cơ bản của giờ dạy từ đó thiết kế phương pháp, kỹ thuật dạy học phù hợp. Giáo viên cần có kiến thức cơ bản về sử dụng công nghệ thông tin (cách soạn PowerPoint, sử dụng video, đường link, thiết kế một vài trò chơi… Nội dung bài dạy gồm kiến thức trọng tâm, cơ bản, cốt lõi). Câu hỏi giáo viên đưa ra phải kích thích được sự phản hồi, tư duy của học sinh, đáp ứng 4 cấp độ: Biết, hiểu, vận dụng, vận dụng cao. Giờ dạy không nên kéo dài quá 30 phút, nếu quá dài sẽ ảnh hưởng đến sự tập trung, hứng thú của học sinh với bài học...

Sau một thời gian triển khai dạy học trực tuyến, cô Vũ Thị Anh đã tự xây dựng được kho bài giảng đủ dùng cho 2 khối 11 và 12. “Đây là công việc rất mất thời gian, công sức”, cô Anh chia sẻ và cho biết bình quân mỗi tuần thiết kế 3 tiết (2 tiết cho khối 12 và 1 tiết cho khối 11) sẽ mất 1,5 ngày. Chưa kể, bài giảng cần tiếp tục gia công, điều chỉnh để phù hợp với học sinh và các công cụ được tiếp cận ngày càng nhiều...

Tại Nghệ An, phong trào thiết kế, sử dụng bài giảng điện tử  được hưởng ứng sôi nổi trong mỗi nhà trường. Thầy Đinh Tiến Hoàng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS Kỳ Sơn, huyện Kỳ Sơn, thông tin: Sở GD&ĐT Nghệ An và Phòng GD&ĐT Kỳ Sơn đều có công văn triển khai cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử trong cán bộ quản lý, giáo viên.

Trong đó yêu cầu giáo viên cốt cán ngành Giáo dục huyện phải có sản phẩm tham gia dưới hình thức bài giảng E-Learning hoặc video bài giảng. Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS Kỳ Sơn đã động viên thầy cô tích cực hơn nữa trong ứng dụng bài giảng điện tử, học liệu số để tạo thành ngân hàng bài giảng phục vụ dạy học. Giáo viên của trường có cùng chuyên môn sẽ phân công hỗ trợ nhau một cách hợp lí, tránh công việc quá tải. Những giáo viên gặp khó khăn khi ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) có đội ngũ kĩ thuật tin học của trường giúp đỡ.

“Cơ sở vật chất của trường đủ thiết bị hỗ trợ cho việc học trên nền tảng bài giảng điện tử; như tivi cho tất cả lớp học, máy chiếu phòng học Tiếng Anh, Âm nhạc, Tin học và phát wifi toàn trường. Vì thế, trường khuyến khích giáo viên sử dụng giáo án điện tử trong quá trình lên lớp để nâng cao chất lương dạy và học. Trên thực tế, 100% giáo viên đều biết thiết kế giáo án điện tử và thường xuyên ứng dụng CNTT vào dạy học, điều đó giúp học sinh hứng thú, kích thích sự sáng tạo, chủ động, đặc biệt học sinh vùng sâu, vùng xa” - thầy Đinh Tiến Hoàng cho hay.

GV Thừa Thiên - Huế dạy học trong dịch Covid-19.
GV Thừa Thiên - Huế dạy học trong dịch Covid-19.

“Gia tài” không chỉ cho mùa dịch

Bài giảng điện tử, học liệu số được Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế triển khai trên hệ thống tập trung sử dụng tên miền http://thuvien.thuathienhue.edu.vn/, cài đặt tại Trung tâm IOC - Sở Thông tin & Truyền thông. Thừa Thiên - Huế đã hình thành nhiều kho học liệu giáo viên (mỗi giáo viên mỗi kho dữ liệu độc lập), 9 kho học liệu cấp phòng và 1 kho học liệu cấp sở.

Chia sẻ của ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế, năm học 2019 - 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ nhất, trên cơ sở kí kết liên ngành được thực hiện từ nhiều năm với Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Sở GD&ĐT đã chủ động xây dựng kế hoạch dạy học trên truyền hình cho 3 khối lớp: Lớp 5, lớp 9, lớp 12. 92 giáo viên được huy động tham gia ghi hình, phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Thừa Thiên - Huế với 324 bài giảng; trong số này có 57 bài được Bộ GD&ĐT thẩm định, chọn phát sóng trên VTV7.

Các bài giảng đồng thời được lưu trữ trên Cổng thông tin điện tử sở, nền tảng số của đài và các phương tiện Interrnet khác, giúp giáo viên, học sinh có thể dạy học mọi nơi mọi lúc; đặc biệt phục vụ hiệu quả việc nghiên cứu xây dựng bài giảng của giáo viên, giao nghiên cứu trước bài học của học sinh cũng như việc học sinh có thể tự học trong mọi hoàn cảnh. “Thực tế thực nghiệm tại học kì II của năm học, lượng truy cập kho học liệu trực tuyến này rất lớn và chất lượng thi 12 của học sinh cũng thay đổi nhiều” - ông Nguyễn Tân chia sẻ.

Năm học 2021 - 2022, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế chủ động xây dựng kế hoạch dạy học trên truyền hình cho 3 khối lớp: Lớp 1, lớp 2, lớp 6. 175 giáo viên dạy 3 khối lớp này tham gia ghi hình từ 25/8/2021 đến nay, phát sóng trên đài phát thanh và truyền hình tỉnh với 504 bài giảng đến hết ngày 31/10/2021.

Cả 504 bài giảng được Bộ GD&ĐT đăng trên lịch phát sóng dạy học trên truyền hình của website Bộ; đồng thời được đăng tải lên website của sở GD&ĐT, trang YouTube của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Thừa Thiên - Huế và website trường học trên toàn tỉnh.

Mặt khác, với tinh thần linh hoạt, không để thụ động trước dịch bệnh đối với các khối không có điều kiện dạy học trên truyền hình, giáo viên cũng tự tổ chức quay, thu và phát bài giảng của mình lên YouTube để học sinh nghiên cứu trước bài học, sau đó tổ chức lớp học trên môi trường mạng, trao đổi bài giảng và tương tác với học sinh.

“Các bài giảng điện tử, học liệu số được toàn thể giáo viên tỉnh Thừa Thiên - Huế tham gia xây dựng, khai thác sử dụng. Ngoài ra, tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình đều tiếp sóng học chương trình truyền hình của Huế, nên dù đã đi học trực tiếp nhưng Huế vẫn duy trì dạy học đến hết chương trình học kì I để vừa phục vụ chung, vừa lưu trữ học liệu số của ngành. Sau này, kể cả trong điều kiện không có dịch bệnh, những bài giảng này vẫn được sử dụng để góp phần đổi mới cách dạy, cách học; Giáo viên giao nhiệm vụ học sinh nghiên cứu bài trước, sau đó đến lớp thảo luận trao đổi” - ông Nguyễn Tân cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ