Khai thác kho học liệu số sao cho hiệu quả?

GD&TĐ - Trong quá trình đổi mới giáo dục và dạy học chuyển sang hình thức mới, bài giảng số và xây dựng kho học liệu số ở các địa phương, trong nhà trường không thể thiếu và trở thành đòi hỏi tất yếu để đáp ứng yêu cầu.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ông Nguyễn Minh Thuận - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai: Nền tảng xây dựng xã hội học tập

Ông Nguyễn Minh Thuận.
Ông Nguyễn Minh Thuận.

Trong bối cảnh đổi mới giáo dục, chuyển đổi số giúp giáo dục có bước chuyển biến tích cực. Cụ thể như quá trình quản lý thuận tiện, nhanh gọn; các quyết định quản lý đưa ra chính xác, đúng thời điểm. Giáo viên (GV) có thể khai thác bài giảng hay, tài liệu quý và dạy học sinh (HS) cách học, cách tự học, học theo nhu cầu, học mọi nơi, mọi lúc tạo nên nền tảng của xã hội học tập.

Có thể thấy dạy học trực tuyến thời gian qua đã làm cho phương pháp giảng dạy của GV có nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Thay vì GV giảng cho HS nghe thì giao nhiệm vụ học tập trên nền tảng số, HS nghiên cứu bài giảng điện tử, tài liệu, thực hiện nhiệm vụ được giao. Khi lên lớp, GV tổ chức cho HS thảo luận, giải đáp những khó khăn và chốt lại kiến thức…

Tuy nhiên, dạy học trực tuyến trên nền tảng học liệu số khó thành công nếu các nhà trường, GV không có được các yếu tố như:

Có kho dữ liệu số để lưu trữ bài giảng, tài liệu và học liệu số để các GV có thể khai thác dùng chung.

GV cần một nền tảng học trực tuyến hiện đại, đủ các tính năng để tổ chức lớp học trực tuyến cũng như có thể quản lý, kiểm tra, đánh giá, phân tích kết quả học tập và nhận xét mức độ tiến bộ từng HS trong quá trình học tập, bởi tất cả quá trình học tập của HS đều lưu lại vết trên hệ thống.

GV tự nghiên cứu để làm chủ được công nghệ, thay đổi phương pháp giảng dạy. HS cần được trang bị kỹ năng số để biết cách khai thác và học tập trên nền tảng số. Chủ động sắp xếp kế hoạch học tập để đạt hiệu quả nhất. Cũng có thể tra cứu, khai thác mọi tài liệu số để hoàn thành nhiệm vụ học tập được giao…

TS Nghiêm Xuân Huy - Viện Trưởng Viện Đảm bảo chất lượng Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội: Không thể thiếu học liệu số khi đổi mới giáo dục

TS Nghiêm Xuân Huy.
TS Nghiêm Xuân Huy.

Bài giảng số và xây dựng kho học liệu số trong các nhà trường luôn có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh đổi mới giáo dục và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ngay cả khi dịch bệnh có diễn biến thế nào hoặc được kiểm soát hoàn toàn, xây dựng nguồn tài nguyên giáo dục số vẫn hết sức cần thiết.

Trước hết, bằng việc tạo lập kho học liệu số, bài giảng số ở các địa phương và trường học, chúng ta có cơ hội để kết nối và xây dựng kho tài nguyên giáo dục số dùng chung. Đây là nguồn tài nguyên hữu ích, chất lượng, giúp các nhà trường tiết kiệm được nguồn lực cho phát triển học liệu, giúp đội ngũ GV cùng khai thác, trao đổi và chắt lọc những phương pháp, kiến thức… phù hợp nhất cho bài giảng của mình và nâng cao chất lượng dạy học.

Tất nhiên khi đặt ra vấn đề này cũng cần tính đến các phương thức đảm bảo chất lượng nội dung học liệu, cơ sở hạ tầng vận hành hệ thống và cơ chế, chế tài liên quan đến trách nhiệm của các bên liên quan trong xây dựng và phát triển hệ thống.

Bên cạnh đó, kho tài nguyên giáo dục số dùng chung sẽ thúc đẩy thực hiện triết lý cá thể hóa trong giáo dục, giúp nâng cao hiệu quả đào tạo. Chúng ta biết rằng, mỗi người có năng lực tiếp nhận tri thức và bối cảnh sống khác nhau. Cùng một nội dung học tập, sinh viên này có thể chỉ mất 30 phút đến 1 giờ để học, nhưng có em phải dành nhiều thời gian và nỗ lực hơn để tiếp nhận.

Như vậy, ở phương thức dạy học truyền thống, tất cả HS cùng lên lớp trong một thời điểm, học cùng một cường độ, tiếp nhận cùng khối lượng kiến thức dễ dẫn đến tình trạng nhiều em bị học đuối và có nguy cơ bị bỏ lại phía sau bởi không có năng lực tiếp nhận kiến thức như các bạn.

Trong khi đó, nếu triển khai dạy học kết hợp (dạy học trực tiếp và trực tuyến thông qua học liệu số trực tuyến), người học có cơ hội học lại, củng cố thêm kiến thức từ hệ thống bài giảng số trong kho liệu số.

Việc này có thể thực hiện cho tới khi HS đó thực hiện được mục tiêu cuối cùng môn học. Như vậy, bằng việc thực hiện giáo dục kết hợp, phát huy vai trò của bài giảng số, học liệu số, các mục tiêu giảng dạy và học tập sẽ được thực thi thuận tiện, hiệu quả hơn.

Cần lưu ý, xây dựng bài giảng và kho học liệu số không đơn giản là việc số hóa (scan) những cuốn sách giáo khoa hay 1 giáo trình có sẵn. Đó chỉ là một trong những yếu tố cần thiết để tổ chức khóa học/lớp học số.

Cần hướng tới xây dựng các lớp học số dưới dạng khóa học đại chúng mở (Massive Online Open Courses – MOOCs) trên cơ sở tích hợp nhiều nguồn học liệu số khác nhau.

Lớp học số cần đáp ứng đủ các khâu, quy trình dạy học như giảng dạy số/trực tuyến, kiểm tra đánh giá trực tuyến, các hoạt động tương tác trực tuyến… Do đó, khi xây dựng nguồn học liệu số phải đảm bảo sự phong phú, kết hợp được đầy đủ loại hình thông tin số để phát huy hiệu quả dạy học và cuốn hút HS nghiên cứu, học tập.

Quá trình xây dựng kho học liệu số đáp ứng việc dạy và học trong bối cảnh mới cũng cần quan tâm đến kĩ năng xây dựng bài giảng số của đội ngũ GV, bởi điều đó quyết định chất lượng kho học liệu số.

Không nên đưa tất cả bài giảng số mà GV đưa ra vào kho học liệu số nếu chưa có cơ chế giám sát, đảm bảo chất lượng nội dung học liệu. Bởi chỉ khi bài giảng số đảm bảo được chất lượng thì việc khai thác, sử dụng chúng mới tốt.

Để xây dựng bài giảng số mang tính ứng dụng cao, GV phải nắm vững kĩ thuật xây dựng nội dung và phương pháp xây dựng kịch bản dạy học trên môi trường trực tuyến; Cần áp dụng phương pháp sư phạm phù hợp để lựa chọn nội dung, hoạt động tương tác tích hợp trong bài giảng số; biết cách kết hợp sinh động, nhuần nhuyễn các định dạng nội dung số để thiết kế học liệu, giúp người học hứng thú và thuận tiện khi tiếp nhận kiến thức.

Trên thế giới, vai trò của bài giảng số và xây dựng kho học liệu số được ngành Giáo dục nhiều nước quan tâm, nhìn nhận và khai thác phục vụ cho đổi mới giáo dục. Các quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore… đều đầu tư xây dựng nguồn tài nguyên giáo dục mở giàu thông tin và chất lượng.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra phức tạp, dạy học phải chuyển trạng thái càng thúc đẩy việc xây dựng hệ thống bài giảng số, kho học liệu số đảm bảo chất lượng và số lượng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.