Học giỏi để làm giàu quê hương của nữ sinh người dân tộc Nùng

Đó là Xèn Thị Bơn, cô sinh viên giàu nghị lực năm thứ 3 của khoa Chăn nuôi Thú y - Trường Đại học Nông Lâm, quê ở huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang

Học giỏi để làm giàu quê hương của nữ sinh người dân tộc Nùng

Nghị lực to lớn

Không giống như sắc hồng mộng mơ, thanh mảnh của cánh hoa tam giác mạch ở vùng núi đá Hà Giang trong những ngày đầu đông của huyện Xín Mần. Với Xèn Thị Bơn - cô sinh viên giàu nghị lực năm thứ 3 của khoa Chăn nuôi Thú y - Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên, quyết tâm học giỏi đã giúp bạn đạp lên đá tai mèo, đứng vững trước nhiều khó khăn trong cuộc sống để hiện thực hóa giấc mơ được học tập đúng chuyên ngành yêu thích.

Học giỏi để làm giàu quê hương của nữ sinh người dân tộc Nùng ảnh 1

Tình yêu đối với chăn nuôi, thú y của cô sinh viên năm 3 Xèn Thị Bơn

Xèn Thị Bơn cho biết, em sinh ra trong một gia đình thuần nông thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang. Từ khi bắt đầu đi tìm con chữ, đường đến trường của cô bé dân tộc Nùng tại phải đi bộ qua những vách đá tai mèo, hơn 4 km. Lên đến 10 tuổi, em đã phải tự lo cho bản thân và chăm 2 em nhỏ từ nấu cơm, nấu rượu, lấy rau, chăn lợn, cho đến lên rừng lấy củi, làm ruộng, chăn bò, nhưng chưa bao giờ em bỏ sót một buổi học nào trên lớp.

Cũng như đa số các bạn học sinh ở địa phương không có điều kiện đi học thêm, nhưng bằng việc đi cấy thuê, Bơn tự kiếm thêm tiền để mua sách nâng cao về tự học. Ở quê hương em, con gái được đi học hết cấp 3 đã là một sự cố gắng to lớn của bản thân và gia đình. Nhưng với Bơn, em luôn muốn hơn như vậy: “Chỉ có con đường vào cánh cổng đại học thì tương lai em mới có thể được thay đổi, làng xã em mới có cơ hội phát triển". Bơn cho biết

Học giỏi để làm giàu quê hương của nữ sinh người dân tộc Nùng ảnh 2

Xèn Thị Bơn trong một lần nhận khen thưởng về thành tích học tập.

Khi bắt đầu là sinh viên đại học năm thứ 2, khó khăn càng lớn hơn khi em không còn nhận được sự hỗ trợ về kinh tế từ gia đình nữa. Tranh thủ thời gian ít ỏi của mình ngoài giờ học em đã đi làm thêm rất nhiều công việc khác nhau: làm tại trại dâu tây, quán cà - phê, phát tờ rơi, làm spa, bán trà sữa, làm nhân viên dọn dẹp... miễn là kiếm đủ tiền để trang trải chi phí cho việc học. - Bơn tâm sự.

Thầy cô đồng hành

TS Nguyễn Thu Trang, giáo viên chủ nhiệm lớp của em cho biết: Hoàn cảnh của em sinh viên này rất khó khăn. Vậy nên, khi trúng tuyển vào Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên cô bé ấy đã cảm thấy thật tự hào và hạnh phúc. Nhưng khó ai có thể thấy được Bơn phải nỗ lực đến nhường nào khi em đã dũng cảm vượt qua sự phản đối từ chính gia đình mình, bởi vấn đề về kinh tế luôn là rào cản để em hiện thực hóa giấc mơ của mình.

Biết được hoàn cảnh và sự cố gắng của em, các thầy cô trong khoa Chăn nuôi Thú y vô cùng quan tâm, chia sẻ và động viên, giúp em tìm việc làm ngoài giờ học theo đúng chuyên ngành của mình. Các thầy cô đã đồng hành để động viên, giúp đỡ em đạt được ước mơ của mình. Ngoài ra, Bơn cũng được hỗ trợ vay vốn không lãi suất từ quỹ khuyến học của Khoa để em có thể tập trung cao nhất vào việc học tập.

Học giỏi để làm giàu quê hương của nữ sinh người dân tộc Nùng ảnh 3

Xèn Thị Bơn trong một lần đi thực tập nghiên cứu khoa học tại cơ sở.

Bằng sự quyết tâm của bản thân, kỳ học nào em cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi, là một trong những sinh viên tiêu biểu của Khoa nhận được nhiều học bổng trong học tập và rèn luyện. Nhờ việc tham gia lớp học theo chương trình đặt hàng doanh nghiệp của Khoa, ngoài sự hỗ trợ về kinh tế và sự khuyến khích trong học tập từ doanh nghiệp, công việc của em được đảm bảo sau khi tốt nghiệp hứa hẹn với mức thu nhập cao và ổn định.

Bơn chia sẻ “Em thật sự may mắn khi trở thành sinh viên của khoa Chăn nuôi Thú y - trường đại học Nông Lâm - ĐH Thái Nguyên. Đến thời điểm này, em cảm thấy mọi nỗ lực và quyết định của mình đều chính xác khi em đã xây dựng được cho mình định hướng nghề nghiệp rõ ràng đồng thời thỏa mãn được tình yêu động vật từ nhỏ của bản thân.

"Nỗ lực không ngừng nghỉ trong học tập, nghiên cứu khoa học và các hoạt động đoàn thể khác, Xèn Thị Bơn đang cho thấy nghị lực to lớn của em, phấn đấu để trở thành công dân có ích cho dân tộc và quê hương mình. Chắc chắn rằng giấc mơ của em sẽ thành hiện thực, sẽ giúp được gia đình mình thoát nghèo, cũng như góp phần thay đổi nhận thức của người dân ở địa phương bằng con đường bền vững nhất - con đường của tri thức.”- TS Phan Thị Hồng Phúc, Chủ nhiệm Khoa Chăn nuôi, thú ý

Theo giaoducthoidai.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ