Học giờ nào phù hợp?

GD&TĐ - Việc bố trí giờ vào học, ngoài bảo đảm nhịp sinh học của học sinh, còn phải cân nhắc đến số tiết học/buổi, cũng như giờ giấc của phụ huynh.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Thầy Võ Thanh Phước – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng):Chỉ có thể điều chỉnh nếu dạy – học 2 buổi/ngày

Thầy Võ Thanh Phước.

Thầy Võ Thanh Phước.

Hầu hết các trường THCS ở Đà Nẵng, học sinh chỉ học 1 buổi/ngày và nghỉ học ngày thứ Bảy. Với lịch học như vậy, thời khóa biểu của mỗi lớp học đều phải đủ 5 tiết/tuần. Khối sáng, học sinh bắt đầu vào lớp lúc 6 giờ 45 phút. Sau 15 phút sinh hoạt đầu giờ, 7 giờ, học sinh vào học tiết 1.

Đây cũng gần như là giờ vào học phổ biến của nhiều trường THCS tại Đà Nẵng. Nếu lùi giờ vào lớp 15 phút đồng nghĩa với việc học sinh sẽ tan trường rất muộn. Với thời tiết mùa hè, các em sẽ di chuyển giữa trời nắng nóng sau 5 tiết học rất mệt mỏi, thậm chí say nắng.

Có một phương án tổ chức dạy – học khác nữa là học sinh chỉ học 4 tiết/buổi và thứ Bảy sẽ không được nghỉ học như hiện nay. Tuy nhiên, phương án này vẫn không thể đủ số tiết/tuần theo phân phối chương trình và phải có thêm 1 ngày học sinh học trái buổi.

Chưa kể là gần như thứ Bảy nào, nhà trường cũng có hoạt động giáo dục hoặc sinh hoạt chuyên môn, hội họp khác. Nếu vẫn tổ chức dạy – học vào thứ Bảy, giáo viên sẽ không có ngày nghỉ vì sẽ đẩy lịch hoạt động khác sang ngày Chủ nhật. Do vậy, lùi giờ vào học là bất khả kháng với các trường THCS nếu dạy học 1 buổi/ngày như hiện nay.

Thường khoảng nửa tháng đầu tiên sau khai giảng, rải rác vẫn có học sinh đi học muộn hoặc có trạng thái uể oải khi vào tiết 1. Tình trạng này tập trung nhiều ở học sinh khối lớp 6 nếu các em học ca sáng. Tuy nhiên, sau khoảng thời gian này gần như tất cả học sinh đều bắt nhịp được và không còn tình trạng trễ học.

Để thuận tiện cho những học sinh chưa kịp ăn sáng, chúng tôi kéo dài thời gian ra chơi sau 2 tiết học thêm 10 phút. Thay vì ra chơi giữa giờ 15 phút như một số trường, giờ ra chơi của nhà trường lên đến 25 phút. Các em có thể tranh thủ ăn sáng vào thời điểm này. Thời gian ra chơi kéo dài cũng giúp cho học sinh thay đổi trạng thái hoạt động, có thể chơi một số trò chơi ngoài sân, bớt đi sự căng thẳng để tiếp thu tốt ở 3 tiết học sau đó.

TS Nguyễn Hằng Phương – Giảng viên Khoa Tâm lý – Giáo dục, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng:Tình thương yêu của cha mẹ, quan tâm của thầy cô quan trọng hơn cả

TS Nguyễn Hằng Phương.

TS Nguyễn Hằng Phương.

Với khả năng thích ứng cao, trẻ con ở đâu cũng nhanh chóng hòa nhập và điều mà các trẻ mong đợi nhất là được sống trong tình thương yêu của cha mẹ, sự quan tâm của thầy cô. Chỉ từng đấy thôi đủ giúp các em đáp ứng được nhiều yêu cầu trong cuộc sống và học tập.

Bất kỳ một thay đổi nào đều tác động trước nhất đến người lớn chứ chưa phải là trẻ nhỏ. Và thường khi người lớn bị ảnh hưởng sẽ nghĩ rằng trẻ con cũng liên đới theo. Vì vậy, đôi khi áp lực chuyển giờ học hoặc giữ nguyên giờ học lại xuất phát từ mong muốn của người lớn nhiều hơn là nghĩ cho đứa trẻ. Việc thay đổi hay giữ nguyên giờ học, phải căn cứ vào tình hình thực tế và điều kiện tổ chức dạy học của từng trường, địa phương.

Với những trường tổ chức dạy – học 2 buổi/ngày, việc điều chỉnh giờ vào học muộn hơn sẽ không có xáo trộn nhiều. Nhưng nếu chỉ có thể dạy – học 1 buổi/ngày thì vào học muộn hơn cũng đồng nghĩa với giờ ra về muộn hơn. Sự mệt mỏi của học sinh lúc đấy chuyển từ thời điểm này sang thời điểm khác trong ngày mà thôi.

Người lớn có nhiều mục tiêu để hướng tới, từ con cái, gia đình cho tới công việc và luôn nỗ lực làm sao để đáp ứng tất cả mong cầu đó nên vô tình làm cho mình trở nên căng thẳng hơn. Sự căng thẳng của cha mẹ vô hình trung tác động đến tâm lý của trẻ. Trong trường hợp bất khả kháng, phụ huynh nên chấp nhận với một tâm trạng vui vẻ, thoải mái để thích ứng thì năng lượng tích cực đó sẽ tạo nên sự hứng thú cho bản thân và con cái khi khởi động một ngày mới.

Chị Nguyễn Thị Hải Phước (trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng): Ưu tiên chọn trường gần nhà

Chị Nguyễn Thị Hải Phước.

Chị Nguyễn Thị Hải Phước.

Khi con đầu của tôi đang học tiểu học, do phải chuyển nơi ở sang quận khác nên quãng đường từ nhà đến trường là xa. Vì vậy, dù giờ vào học của con là 7 giờ 30 phút nhưng phải thức dậy từ 6 giờ sáng để con kịp đến trường, mẹ còn đi làm. Nhưng rất ít khi tôi chuẩn bị được đồ ăn sáng cho con ở nhà mà phải mua tạm bánh mì, xôi… ở trước cổng trường.

Giờ vào học của con muộn nhưng nhà xa trường, ngược với nơi làm của mẹ nên đành phải chấp nhận đi học sớm. Vì vậy, khi đứa con thứ 2 vào tiểu học, chúng tôi chọn trường gần nhà. Thời gian di chuyển ít hơn nên không còn cảnh phải vội vàng vào đầu giờ buổi sáng như trước đây nữa. Số bữa ăn sáng cùng với gia đình của con cũng nhiều hơn.

Từ thực tế của gia đình, tôi nghĩ rằng, việc trẻ phải dậy sớm khi còn đang ngái ngủ, đôi khi không phụ thuộc vào giờ vào học của nhà trường, mà còn phải tùy tính chất công việc của bố mẹ cũng như khoảng cách từ nhà đến trường.

Với học sinh tiểu học và THCS, nếu trẻ học đúng tuyến thì quãng đường từ nhà đến trường không quá xa, vẫn có thể ngủ thêm 15 – 20 phút mỗi buổi sáng hoặc có thêm thời gian để ăn sáng trước khi vào học. Khi chọn trường, phụ huynh cũng nên cân nhắc thêm về thời gian di chuyển trên đường cũng như tuyến đường đi làm của bố mẹ. Bởi trẻ mất đến 5 năm học tiểu học, 4 năm học THCS, nếu ngày nào cũng phải di chuyển xa, thường xuyên phải dậy sớm rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển.

Nếu đi học sớm ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh, các gia đình có thể sắp xếp để con đi ngủ trước 10 giờ đêm để được ngủ đủ 8 tiếng. Buổi sáng, các em thức dậy sẽ không còn cảm giác uể oải. Tuy nhiên, nhiều gia đình, con cái ngủ theo giờ giấc của bố mẹ nên giờ đi ngủ rất muộn. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sự phát triển thể chất của trẻ bởi hormone tăng trưởng tiết nhiều từ 21 giờ đến 24 giờ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ