Giờ vào học: Mỗi nơi một kiểu

GD&TĐ - Các trường học trên địa bàn Hà Nội đã sắp xếp thời khóa biểu phù hợp với địa phương, đảm bảo hài hòa với công việc của phụ huynh.

Do không gặp áp lực giao thông, các trường học tại ngoại thành Hà Nội đều triển khai dạy học từ 7 giờ sáng.
Do không gặp áp lực giao thông, các trường học tại ngoại thành Hà Nội đều triển khai dạy học từ 7 giờ sáng.

Giờ học linh động ở nội thành

Đầu năm 2012, Hà Nội thực hiện điều chỉnh giờ học, giờ đi làm và duy trì đến nay. Theo đó, học sinh các trường THPT vào học từ 7 giờ; học sinh mầm non, tiểu học bắt đầu học từ 8 giờ. Tuy nhiên tùy vào thực tế địa phương và nguyện vọng của phụ huynh, các trường có sự điều chỉnh linh hoạt.

Cô Trần Thị Bích Liên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Định (quận Hoàng Mai) - cho biết: Từ nhiều năm nay, học sinh của nhà trường bắt đầu tiết học 1 lúc 7 giờ 45 phút. Trước đó 15 phút, các em phải có mặt để ổn định lớp học. Từ 10 giờ 45 phút, học sinh ăn trưa và đi ngủ đến 13 giờ 20 phút. Giờ học buổi chiều của các em bắt đầu từ 14 giờ đến 17 giờ.

Theo cô Liên, lịch học được phụ huynh ủng hộ vì giờ đi học và tan học của trẻ phù hợp với lịch trình làm việc. Giờ học này cũng phù hợp với học sinh vì không phải dậy quá sớm và có thời gian chuẩn bị sách vở, ăn sáng trước khi đến trường. Cùng với đó, nhà trường cũng mở cổng trường từ sớm để đón học sinh vào lớp, trong trường hợp bố mẹ phải đi làm sớm.

Năm học 2022 - 2023, Trường Tiểu học Nhân Chính (quận Thanh Xuân) vẫn giữ thời gian biểu như những năm học trước Covid-19. Cụ thể, 7 giờ 30 phút, học sinh đến trường và tập trung, sinh hoạt tập thể ở sân trường và học tiết 1 lúc 8 giờ. Nhà trường cũng quy định giờ về khác nhau giữa các khối lớp để tránh tình trạng tắc trước cổng trường.

Theo cô Hiệu trưởng Phan Bùi Thanh Tâm, thời khóa biểu nêu trên phù hợp với thực tế nhà trường, được hầu hết phụ huynh ủng hộ. Đây là thời gian hợp lý để cha mẹ có thể đưa con đi học rồi sau đó đi làm. Nếu thời khóa biểu muộn hơn thì sẽ ảnh hưởng đến phụ huynh và kế hoạch dạy học của nhà trường.

Tương tự, nhiều năm nay, Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (quận Cầu Giấy) duy trì thời khóa biểu tập trung học sinh từ lúc 7 giờ, học tiết 1 lúc 7 giờ 20 phút và kết thúc tiết 5 lúc 10 giờ 45 phút. Buổi chiều, học sinh học từ 13 giờ 5 phút đến 17 giờ 15 phút. “Thời khóa biểu này nhận được sự đồng tình của hầu hết phụ huynh”, cô Nguyễn Thu Anh - Hiệu trưởng nhà trường cho hay.

Trong khi đó, các trường quốc tế tại Hà Nội có chung một đặc điểm là giờ vào học bắt đầu sau 8 giờ sáng và giờ tan học cũng khá sớm so với các trường công ở Việt Nam.

Tại Trường Quốc tế Nhật Bản, học sinh bắt đầu học từ 8 giờ 30 phút sáng và rời trường sau 15 giờ. Mỗi tiết học kéo dài 40 - 45 phút với trường tiểu học và 50 phút ở trường THCS. Học sinh được nghỉ 5 - 10 phút giữa các tiết học. Buổi sáng có 4 tiết học và nhiều trường có giờ giải lao 20 phút. Giờ ăn trưa bắt đầu lúc 11 giờ 30 phút và kéo dài trong khoảng 40 phút.

Giờ học của các trường đều phải tham khảo ý kiến phụ huynh sao cho thuận lợi nhất.

Giờ học của các trường đều phải tham khảo ý kiến phụ huynh sao cho thuận lợi nhất.

Còn tại Trường Quốc tế ParkCity Hà Nội, giờ học chính thức bắt đầu từ 8 giờ sáng đến 14 giờ 55 phút. Trong đó, giờ nghỉ giữa buổi sáng là 20 phút; giờ nghỉ trưa và ăn trưa là 55 phút. Sau giờ học chính thức, ngoại trừ khối mầm non, các khối lớp khác sẽ có thêm giờ học tự chọn trong khung giờ từ 15 giờ 15 phút đến 16 giờ 15 phút các ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần.

Đại diện nhà trường này cho hay, khung thời gian hàng ngày của trường được xây dựng trên cơ sở đảm bảo học sinh và gia đình có đủ thời gian để chuẩn bị các điều kiện cho trẻ đến trường như ngủ đủ, ăn sáng và nghỉ ngơi và giao lưu sau một ngày học tập tại trường.

Thời gian ăn trưa và nghỉ trưa khoảng 55 phút, ngoại trừ khối mầm non, học sinh khối còn lại không ngủ trưa tại trường, thay vào đó các em sẽ tan học sớm. Học sinh tan học vào 15 giờ hoặc 16 giờ 15 phút nếu lựa chọn hoạt động ngoại khóa tại trường. Với giờ tan học này, các em sẽ về nhà sớm và ăn tối sớm trước 7 giờ tối và đi ngủ sớm.

Ngoại thành vẫn duy trì lịch học từ 7 giờ

Từ nhiều năm nay, Trường THCS Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ) vẫn duy trì lịch học từ 7 giờ sáng. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đức Minh cho rằng, ở các huyện ngoại thành không gặp áp lực giao thông như nội thành nên việc học từ 7 giờ là hợp lý. Phụ huynh ở đây muốn con đến trường sớm trước khi bố mẹ đi làm và đề nghị nhà trường tiếp tục duy trì lịch học này.

Còn cô Nguyễn Thị Xuân Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phong Vân (huyện Ba Vì) - cho biết: Từ nhiều năm nay, nhà trường duy trì lịch học từ 7 giờ. Đây là khoảng thời gian hợp lý với điều kiện gia đình học sinh trong xã. Ở nông thôn, người dân dậy rất sớm và học sinh có đủ thời gian chuẩn bị để đến trường.

Nếu thực hiện lịch học từ 8 giờ giống như các trường nội thành là không cần thiết vì để đảm bảo đủ các tiết học sẽ cắt giảm giờ nghỉ trưa của học sinh. Trong khi đó, việc dậy sớm vào mỗi buổi sáng cũng là thói quen nên rèn luyện cho học sinh. Để có thể dậy sớm đi học, học sinh cần ngủ sớm.

Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Sở đã giao quyền chủ động cho các đơn vị, trong đó có việc xây dựng kế hoạch nhà trường, tùy theo điều kiện thực tế của mỗi đơn vị, đặc thù giao thông, lứa tuổi học sinh. Các nhà trường tham khảo ý kiến phụ huynh để áp dụng đạt hiệu quả, phù hợp nhất.

Tại trường ngoài công lập, giờ vào học dao động từ 7 giờ đến 8 giờ giống như trường công lập. Đối với cấp tiểu học, học sinh thường đến trường muộn hơn so với cấp THPT. Tuy nhiên, học sinh nếu di chuyển bằng xe buýt của trường thì phải dậy rất sớm, từ 6 giờ sáng để có thể đến trường (tùy khoảng cách).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ