Giờ vào học: Tranh luận trái chiều

GD&TĐ -  Những ngày vừa qua, câu chuyện giờ vào học của học sinh là chủ đề được bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội cũng như truyền thông.

Phụ huynh cho rằng, giờ vào lớp quá sớm khiến nhiều hôm phải “đánh vật” với con em mình để kịp đến trường.
Phụ huynh cho rằng, giờ vào lớp quá sớm khiến nhiều hôm phải “đánh vật” với con em mình để kịp đến trường.

Việc các trường quy định giờ vào học quá sớm khiến học sinh và phụ huynh phải chịu nhiều áp lực.

Áp lực giờ cao điểm

Trong những năm học qua, nhiều địa phương, nhất là khu vực đô thị thực hiện lệch giờ vào lớp, tan trường để giảm áp lực giao thông vào giờ cao điểm. Một số trường lùi giờ vào học để giúp học sinh có thêm thời gian ăn sáng, nghỉ ngơi. Tại Trường Tiểu học Lý Nhân Tông (Quận 8, TPHCM), học sinh vào lớp lúc 7 giờ, những em không bán trú thì 10 giờ 35 phút, phụ huynh đến đón con. Buổi chiều, 16 giờ 15 phút bắt đầu tan học, học sinh lớp 5 sẽ về trước tiên, các em lớp 1 về sau cùng vào lúc 16 giờ 45 phút để nhân viên bảo vệ nhà trường dễ quan sát, phụ huynh đón con được an toàn hơn.

Tương tự tại Trường THCS Võ Trường Toản (Quận 1, TPHCM), học sinh khối 7, 9 có mặt ở trường lúc 6 giờ 45 phút để ổn định sau đó bắt đầu học từ tiết 1 lúc 7 giờ. Còn các em khối 6, 8 có mặt ở trường lúc 7 giờ 30 phút, bắt đầu học từ tiết 2 lúc 7 giờ 45 phút, tránh kẹt xe và tình trạng ùn tắc trước cổng trường.

Theo chia sẻ của lãnh đạo nhà trường, khung giờ này đã thực hiện từ năm học 2019 - 2020, do số lượng học sinh tập trung hoặc ra về cùng một lúc rất đông dễ gây ùn tắc giao thông. Đoạn đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quận 1) nơi trường đóng cũng tập trung nhiều trường học từ mầm non đến THPT.

Còn tại TP Biên Hòa (Đồng Nai), giờ học của học sinh cũng tùy theo từng trường và từng khu vực, có trường 7 giờ 30 phút mới vào học nhưng cũng có đơn vị vào học từ 7 giờ, thậm chí 6 giờ 45 phút. Tại Trường Tiểu học Hà Huy Giáp, học sinh được chia giờ học thành 2 buổi sáng và chiều. Buổi sáng, học sinh vào học lúc 6 giờ 45 phút, còn buổi chiều 12 giờ 30 phút vào lớp.

Thầy Nguyễn Văn Thuấn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Huy Giáp, chia sẻ, việc học sớm hay muộn cũng có cái lợi thế riêng. Vào học 6 giờ 45 phút giúp cho phụ huynh làm Nhà nước hay ở các khu công nghiệp kịp giờ làm việc. Tuy nhiên, trẻ phải dậy sớm, cha mẹ phải lo cho con cái ăn để kịp giờ học. Thêm vào đó, khoảng thời gian này là giờ cao điểm người dân ra đường nên không tránh khỏi việc ách tắc giao thông. Còn nếu vào học lúc 7 giờ 30 phút, đường sẽ thông thoáng, tuy nhiên lại khó cho những phụ huynh phải làm việc từ 7 giờ.

“Có những phụ huynh làm công nhân phải vào ca sớm nên 6 giờ đã chở con đến trường. Để bảo đảm an toàn cho học sinh, nhiều năm nay, Trường Tiểu học Hà Huy Giáp phân công bảo vệ mở cửa trước 6 giờ để các em vào trường”, thầy Thuấn cho hay.

Ảnh minh hoa Internet.

Ảnh minh hoa Internet.

Nỗi niềm không của riêng ai

Gần 2 tháng nay, lúc 5 giờ 45 phút, vợ chồng anh Nguyễn Duy Tiệp (quận Gò Vấp, TPHCM) phải đánh thức con dậy vệ sinh, ăn uống... để kịp đến trường lúc 6 giờ 50 phút. Anh Tiệp cho biết, năm học trước, khi học mẫu giáo, có hôm 8 giờ mới đưa con đến trường. Năm nay con vào lớp 1, giờ học sớm hơn, 7 giờ 15 phút đã bắt đầu vào học. Nhà cách trường khoảng 4km, di chuyển bằng xe máy cũng mất hơn 20 phút, nhiều hôm 2 vợ anh Tiệp và con “đánh vật” với nhau mới ra được khỏi nhà, kết quả là trên đường đi cũng phải cuống cuồng, rất nguy hiểm.

“Giờ vào học với trẻ lớp 1 quá sớm, trong khi buổi chiều mới 16 giờ 10 phút đã ra về. Giờ đó nhiều phụ huynh chưa tan sở, hai vợ chồng phải sắp xếp công việc để thay nhau đón con. Chưa kể buổi sáng các con phải dậy sớm, rất tội nghiệp.

Theo tôi, nhà trường có thể sắp xếp khung giờ học cả ca sáng và chiều muộn hơn để thuận tiện cho học sinh lẫn phụ huynh. Khi đó, con sẽ có thời gian nghỉ ngơi, ăn uống để đủ sức khỏe tiếp thu bài học. Vả lại, việc điều chỉnh giờ học linh hoạt theo tôi sẽ giúp phụ huynh thuận tiện trong việc đưa đón con em; học sinh cũng không phải chịu áp lực khi phải dậy sớm và đi học sớm”, anh Tiệp chia sẻ.

So với ca buổi sáng, những học sinh đi học vào buổi chiều sẽ vất vả và áp lực hơn. Giờ vào lớp của học sinh là 12 giờ 30 phút trưa, các em có 15 phút truy bài và chính thức bước vào buổi học lúc 12 giờ 45 phút. Vì lo trễ giờ nên nhiều học sinh thường đến trường rất sớm, nhiều em 12 giờ đã có mặt ở trường để chuẩn bị cho một ngày học mới.

Chị Hoàng Phượng Lâm (quận Bình Tân, TPHCM) có con trai học lớp 6 trường THCS trên địa bàn quận Bình Tân cho biết, thời gian bắt đầu vào lớp của trẻ là 12 giờ 30 phút. Nhà chị cách trường học khoảng 1,5km, di chuyển bằng xe đạp mất từ 15 - 20 phút nếu không bị kẹt xe. Như vậy sau bữa ăn trưa, đúng 12 giờ con chị vội vàng lên xe đến lớp, không có thời gian ngủ trưa. Chị khá lo vì đến lớp con có thể bị buồn ngủ, tiếp thu bài không được tốt.

“Nếu như giờ học của con là 13 giờ 30 phút thì tốt vì cả phụ huynh lẫn học sinh đều có thể thong thả. Sau khi ăn trưa xong, con có thể tranh thủ nghỉ, khi vào học sẽ hiệu quả hơn. Hơn nữa, thời gian này cũng thuận tiện cho học sinh lẫn phụ huynh”, chị Phượng Lâm nói.

Còn chị Hoàng Thị Đào (trú tại TP Thủ Đức, TPHCM) có con học lớp 1 chia sẻ, việc nhà trường sắp xếp thời gian bắt đầu vào lớp trong mỗi buổi học phụ huynh khó can thiệp. Có thể vì lượng kiến thức quá nhiều nên nhà trường cần sắp xếp vào học sớm và kết thúc buổi học trễ mới đủ thời gian.

Để “sống chung” với khung giờ trên, phụ huynh có thể hỗ trợ trẻ xây dựng thời gian biểu riêng hợp lý. Chẳng hạn, hướng dẫn con xây dựng kế hoạch học tập phù hợp, hạn chế dành thời gian cho những việc không cần thiết. Không nên tạo cho con thói quen ngày ngủ đêm thức, hoặc học bài quá khuya, buổi sáng dậy sớm đi học có thể bị mệt mỏi, khó tiếp thu bài.

Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, cho biết, thời gian bắt đầu học và ra về được giao cho các đơn vị chủ động xây dựng. Việc sắp xếp giờ giấc này phụ thuộc vào kế hoạch giảng dạy của quận, nhà trường, độ tuổi học sinh, hoàn cảnh chung của các học sinh, tình hình an toàn trật tự và mật độ giao thông trong khu vực; kế hoạch tổ chức bán trú và các hoạt động sau giờ học chính khóa… Sở tiếp tục nghiên cứu và có các đề xuất chung phù hợp về thời gian vào học để đảm bảo đủ khung giảng dạy theo yêu cầu của chương trình, kế hoạch nhà trường, hạn chế ùn tắc giao thông, thuận lợi việc đưa đón và bảo đảm sức khỏe cho học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ