Học giả, chính khách Nguyễn Văn Tố: Tấm gương sáng chói yêu nước thương dân

GD&TĐ -Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Trưởng ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố (5/6/1889 – 5/6/2019), Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Văn phòng Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Nguyễn Văn Tố với cách mạng Việt Nam”.

Quang cảnh hội thảo khoa học cấp quốc gia
Quang cảnh hội thảo khoa học cấp quốc gia

Chủ trì hội thảo gồm ông Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và ông Nguyễn Xuân Thắng Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh;

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã giới thiệu về thân thế và sự nghiệp và những đóng góp to lớn của cụ Nguyễn Văn Tố cho dân tộc và nhân dân.

Cụ Nguyễn Văn Tố sinh năm 1889, tại Hà Nội, trong một gia đình nhà nho yêu nước. Cụ Nguyễn Văn Tố là người vừa uyên thâm Hán học, vừa tinh thông Tây học, có nhiều bài biên khảo và nghiên cứu lịch sử văn hóa rất phong phú, đa dạng, thể hiện lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc sâu sắc.

Mít tinh vận động cứu đói tổ chức trước Nhà hát Lớn Hà Nội 1946. Cụ Nguyễn Văn Tố mặc áo dài đen , ngồi hàng ghế đầu ngoài cùng bên trái.
Mít tinh vận động cứu đói tổ chức trước Nhà hát Lớn Hà Nội 1946. Cụ Nguyễn Văn Tố mặc áo dài đen , ngồi hàng ghế đầu ngoài cùng bên trái. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định, cụ Nguyễn Văn Tố đã ngã xuống vì cách mạng, vì nước cộng hòa non trẻ, nhưng những cống hiến của cụ mãi mãi là niềm tự hào của các thế hệ người dân Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của cụ đã cống hiến trọn vẹn Đức - Trí - Dũng cho cách mạng, cho khoa học và văn hóa nước nhà.

Ttong tham luận đề dẫn, ông Nguyễn Xuân Thắng- Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã khẳng định: Hội thảo là hoạt động thiết thực nhằm tưởng nhớ, tri ân những cống hiến to lớn của nhà chí sĩ yêu nước, nhà văn hóa Nguyễn Văn Tố đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; đồng thời, bổ sung thêm tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của cụ Nguyễn Văn Tố.

Cụ Nguyễn Văn Tố là một học giả nổi tiếng về văn hóa Việt Nam, uyên thâm cả văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây; đã để lại nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu và liên ngành, bao quát nhiều lĩnh vực khoa học như lịch sử, văn học, văn bản học, khảo cổ học, ngôn ngữ học, dân tộc học, tôn giáo, văn hóa dân gian... Cuộc đời của cụ Nguyễn Văn Tố là tấm gương cao đẹp của một nhà trí thức yêu nước nồng nàn, suốt đời phấn đấu, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc và sự phát triển của đất nước.

Khi chính quyền cách mạng ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi những bậc hiền tài ra giúp dân, cứu nước, cụ Nguyễn Văn Tố đã gác lại sự nghiệp học thuật đang rất thành công để tham gia chính quyền cách mạng.

Ở cương vị là nhà lãnh đạo Quốc hội và Chính phủ, cụ luôn nêu cao tinh thần cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, dồn tâm sức và trí tuệ để phục vụ đồng bào, góp phần xây dựng nền dân chủ mới, xã hội mới. Luôn đặt lợi ích tối cao của dân tộc thành lẽ sống, cụ tận tụy với công việc, tận tâm với nhân dân, cùng Quốc hội và Chính phủ đoàn kết toàn dân, đưa cách mạng Việt Nam vượt qua tình thế hiểm nghèo, chuẩn bị lực lượng cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc thành công.

Với những cống hiến to lớn và nỗ lực không ngừng nghỉ cho đến lúc anh dũng hy sinh, cụ Nguyễn Văn Tố là tấm gương đạo đức trong sáng, mẫu mực của một người trí thức tài năng tiêu biểu, với lòng yêu nước nhiệt thành, không chuộng hư danh, không màng danh lợi.

41 tham luận và nhiều ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã tập trung làm sáng tỏ nhiều vấn đề. Đó là phân tích, luận giải những nhân tố ảnh h¬ưởng của quê hương Hà Nội - vùng đất giàu truyền thống văn hóa và lịch sử, một vùng đất nghìn năm văn hiến, nơi hội tụ khí thiêng sông núi đối với sự hình thành nhân cách của nhà chí sĩ yêu nước, nhà văn hóa Nguyễn Văn Tố.

Phân tích, luận giải về những mốc son trong cuộc đời và sự nghiệp của cụ Nguyễn Văn Tố nhiều tham luận nhấn mạnh đó chính là sự nghiệp văn hóa nhân văn,cao đẹp; là những cống hiến to lớn, góp phần khơi dậy, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; là những cống hiến xuất sắc trong sự nghiệp mở mang dân trí, xóa nạn mù chữ.

Đồng thời, trên cương vị một chính khách, một nhà lãnh đạo của Chính phủ, Quốc hội, cụ Nguyễn Văn Tố luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, trở thành một người bạn, người cộng sự thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là tấm gương đạo đức trong sáng, cao đẹp trong công cuộc mở mang văn hóa và kiến thiết nước nhà. Cuộc đời, sự nghiệp của cụ Nguyễn Văn Tố là tấm gương sáng cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau học tập, noi theo

Hội thảo khoa học cấp quốc gia là hoạt động thiết thực và có ý nghĩa, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của thế hệ cha anh cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ