Vị Tiến sĩ Văn khoa đầu tiên trên đất Pháp

GD&TĐ - Vừa qua, gia đình cố GS Nguyễn Văn Huyên - Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Giáo dục (nay là Bộ GD&ĐT) - tổ chức khánh thành Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên tại làng Lai Xá (huyện Hoài Đức, Hà Nội).  

Vị Tiến sĩ Văn khoa đầu tiên trên đất Pháp
Vị Tiến sĩ Văn khoa đầu tiên trên đất Pháp ảnh 1Vị Tiến sĩ Văn khoa đầu tiên trên đất Pháp ảnh 2Vị Tiến sĩ Văn khoa đầu tiên trên đất Pháp ảnh 3Vị Tiến sĩ Văn khoa đầu tiên trên đất Pháp ảnh 4Vị Tiến sĩ Văn khoa đầu tiên trên đất Pháp ảnh 5Vị Tiến sĩ Văn khoa đầu tiên trên đất Pháp ảnh 6

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã tới thăm, trao tặng bảo tàng một số tư liệu, hiện vật quý liên quan đến cố Giáo sư - Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên và gắn biển khánh thành công trình Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên. Nhân dịp này xin báo GD&TĐ xin giới thiệu một bài viết về GS Nguyễn Văn Huyên.

Ngày 15/11/1945, một sự kiện trọng đại trong lịch sử giáo dục nước nhà là lễ khai giảng Trường Đại học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm thứ nhất đã được tổ chức. 

Tại buổi lễ long trọng có sự hiện diện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đông đảo bạn bè quốc tế, người vinh dự được soạn thảo chương trình đào tạo và đọc diễn văn khai giảng là GS Nguyễn Văn Huyên, lúc đó đang giữ cương vị Tổng Giám đốc Đại học vụ kiêm Giám đốc Trường Viễn Đông Bác Cổ.

Đã bao nhiêu năm trôi qua nhưng những thanh âm hào hùng của bài diễn văn năm nào vẫn còn vang vọng: “Chúng tôi muốn rằng nền đại học mới này là một lực lượng mạnh trong những lực lượng chiến đấu của dân tộc Việt Nam. Chúng tôi muốn nó là một thành lũy để trường kỳ kháng chiến phục hồi hoàn toàn lãnh thổ và giải phóng tinh thần cho dân tộc, chúng tôi là một dân tộc văn hiến có ngoài nghìn năm lịch sử độc lập và tự gây nên được một nền văn minh đặc sắc trên ven bể Thái Bình Dương này...”.

Gắng học để thành tài

Nguyễn Văn Huyên sinh ngày 16/11/1908 tại phố Thuốc Bắc (Hà Nội). Năm lên 8 tuổi thì thân phụ qua đời, Huyên được mẹ cho đi học chữ Hán với niềm hy vọng sau này cậu sẽ theo nghề ông nội làm thuốc Đông y. 

Thời kỳ này chữ Nho tàn lụi, Huyên lại được mẹ cho chuyển sang học “trường Tây”cùng người chị gái là Nguyễn Thị Mão và người em trai là Nguyễn Văn Hưởng. Ba chị em đều học rất giỏi.

Ngày 2/12/1926, hai anh em Huyên, Hưởng được mẹ cho sang Pháp học tại Montpellier để thi lấy bằng “tú tài Tây”.  Tháng 7/1929, sau khi đỗ Tú tài phần II, Nguyễn Văn Huyên vào học tại Đại học Sorbonne, Paris, một trong những trường đại học lâu đời nhất châu Âu. 

Ở trong nước, người chị gái Nguyễn Thị Mão trở thành người phụ nữ Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp môn toán ở Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương. 

Bà dạy toán nhiều năm tại Trường Nữ Trung học Đồng Khánh (Trường Trưng Vương, Hà Nội hiện nay), hưởng lương theo ngạch Tây nên rất cao: lương tháng là 120 đồng (1 đồng bằng 26 franc), nên có điều kiện nuôi hai anh em đi Pháp học (mỗi tháng 1 người học ở Pháp phải đóng 500 franc). 

Nhưng tình hình ngày càng khó khăn, kinh tế khủng khoảng, 1franc ở quê nhà có thể mua được 3 - 4 tạ gạo. Rồi bà Mão kết hôn với ông Phan Kế Toại, có gia thất riêng, không còn giúp hai em được nhiều. 

Mẹ của Huyên và Hưởng phải mua quần áo của lính sửa lại bán đi lãi một áo chỉ nửa xu đến một xu. Món quà chờ đợi từ quê nhà của hai anh em Huyên, Hưởng là những bao bì bằng chiếc hộp bánh bích quy đựng lạp sườn hoặc ruốc. 

Suốt mấy năm học, mỗi người lúc nào cũng chỉ có hai bộ quần áo và một đôi giầy. Dù đi họp, đi học, đi chơi cũng chỉ một đôi, khi nào mòn vẹt, rách mới mua đôi khác. Ngày nghỉ hai anh em mỗi người một xe đạp đi chơi, xem người ta hái nho, rồi đi hái nho không công chỉ để được cho ăn nho. 

Tại Pháp, hai anh em kết thân với các nhân vật nổi tiếng sau này như Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Tường Tam (sau nay là nhà văn Nhất Linh),  Phạm Đình Ái, Phạm Trinh Mẫn…

Ý thức được nỗi đau mất nước cộng với tinh thần hiếu học và động cơ học tập vì dân vì nước, hai anh em đã nỗ lực hết mình để vượt qua nhiều khó khăn gian khổ về đời sống và học tập của sinh viên Việt Nam nghèo trên đất Pháp. 

Tháng 7/1931, sau khi đỗ cử nhân Văn chương và cử nhân Luật học,Nguyễn Văn Huyên vừa tiếp tục học lên cao vừa kiếm sống bằng cách dạy tiếng Việt ở Trường Ngôn ngữ Phương Đông. Còn Nguyễn Văn Hưởng trở về nước sau khi đỗ cử nhân Luật.

Tiến sĩ văn khoa người Việt đầu tiên trên đất Pháp

Ngày 17/2/1934, tại Đại học Sorbonne, Pháp, lần đầu tiên trong lịch sử của trường có một sinh viên Việt Nam đã bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ Văn khoa với Luận án chính Hát đối của nam nữ thanh niên ở Việt Nam, và luận án phụ Nhập môn nghiên cứu nhà sàn ở Đông Nam Á.  

GS Vendryes - Chủ tịch Hội đồng Giám khảo - nhận xét: “Đó là sự kiện lớn lao đáng ghi nhớ trong lịch sử Trường đại học Sorbonne”. 

Hai bản luận án được Chủ nhiệm Khoa Văn Đại học Paris R. Delachoix và Chủ tịch Viện Hàn lâm Paris S. Charléty tự mình xem lại và duyệt in, ngay sau đó, được Nhà xuất bản Paul Geuthner in thành sách, và nhận được sự hoan nghênh nồng nhiệt của các tạp chí nhân văn ở Pháp, Đức, Hà Lan...

Thi hào và là nhà toán học Pháp nổi tiếng Paul Valéry đánh giá rất cao công trình của nhà nghiên cứu Việt Nam trẻ tuổi: “Tôi thấy trong cuốn sách của ông những thí dụ hình thành thơ ca ở trạng thái nảy sinh. 

Tôi tìm thấy ở đấy trạng thái bài hát và sáng tác bằng bái hát và bằng nhịp điệu, và tôi nghĩ đến Ronsard đã làm thơ bằng cách dựa vào một cây đàn luth. 

Tôi cũng nhớ đến bản thân mình đã từng làm nhiều bài thơ xuất phát từ hình tượng nhịp điệu chợt đến và ám ảnh tôi, những hình tượng đó xác định dần dần những “từ” và cuối cùng một “ý”.

Năm ấy Nguyễn Văn Huyên 26 tuổi. Thành quả tốt đẹp này đã chứng tỏ ý nguyện sâu sắc của chàng trai đất Việt từ khi vừa đặt chân lên đất Pháp.

Trở về cố hương, đến với cách mạng

Ngay sau khi đỗ hai bằng cử nhân Luật và Tiến sĩ Văn chương, năm 1935 Nguyễn Văn Huyên về lại cố hương với cái nhìn của một người muốn góp sức mình cho dân cho nước. 

Trước khi về nước, ông đã trao đổi cùng GS Nguyễn Mạnh Tường: “… Nhất định không làm quan, chỉ dạy học và nghiên cứu khoa học”. Về nước Nguyễn Văn Huyên dạy học tại Trường Bưởi (Lycée du Protectorat - Trường Trung học bảo hộ), Ban Tú tài bản xứ.

Qua mai mối tìm hiểu, ngày 12/4/1936, Nguyễn Văn Huyên kết hôn với tiểu thư Vi Kim Ngọc, 20 tuổi, con gái quan Tổng đốc tỉnh Thái Bình Vi Văn Định.

Tận mắt chứng kiến tình cảnh khốn khổ của người nông dân, Nguyễn Văn Huyên đã viết trong tác phẩm “Vấn đề nông dân Việt Nam ở Bắc Kỳ”: “Bình thường bữa ăn của một bần nông là 500g gạo giá 5 xu, 1 xu rau, 1 xu muối và tương. Người vợ và người chồng ít khi được hai bữa một ngày từ tháng giêng đến tháng 3 người ta chỉ ăn một bữa cháo thay cơm bỏ muối”.

Năm 1938, Hội Truyền bá Quốc ngữ được thành lập do cụ Nguyễn Văn Tố làm Chánh Hội trưởng, Đặng Thai Mai làm thủ quỹ, Võ Nguyên Giáp làm phó thủ quỹ, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Xuân Hãn là thành viên trong Ban Trị sự. 

Cũng trong năm này Nguyễn Văn Huyên đã giúp  thành lập bộ môn Lịch sử văn minh Việt Nam tại trường Đại học Luật Hà Nội. Năm1941, ông là Ủy viên Hội đồng nghiên cứu khoa học Đông Dương.

Năm 1938, ông hoàn thành tập sách “Hội Phù Đổng” bằng tiếng Pháp. Đây là tư liệu cơ bản để các cơ quan chức năng Việt Nam nghiên cứu lập hồ sơ đề nghị và được UNESCO công nhận Hội Gióng đền Phù Đổng là Di sản văn hóa thế giới.

Chỉ trong vòng hơn 10 năm (1934 - 1945), Nguyễn Văn Huyên đã công bố 46 công trình giá trị (hầu hết bằng tiếng Pháp, mới được dịch ra tiếng Việt) về văn hóa cổ truyền Việt Nam như tục thờ cúng thần tiên, thờ thành hoàng ở Việt Nam, lễ hội Phù Đổng, các bài cúng trong lễ tế Nam Giao, rồi những khúc ca đám cưới Tày ở Lạng Sơn và Cao Bằng, sự ra đời của Nội Đạo Tràng ở Việt Nam, Tết Trung Thu, Tết Đoan Ngọ… 

Giám đốc Trường Viễn Đông Bác Cổ Georges Coedès viết về Nguyễn Văn Huyên với lòng cảm phục: “Cùng với sự đào tạo đại học vững chắc mà ông đã nhận được ở Pháp tại Khoa Văn và Khoa Luật của Đại học Paris, ông Nguyễn Văn Huyên còn có ưu thế vô song là nắm được các sự kiện xã hội Việt Nam bằng kinh nghiệm bản thân và bẩm sinh, có khả năng tiếp cận trực tiếp và tức thì với chất liệu xã hội học và có thể đi sâu tiến hành những khảo sát mà những nhà nghiên cứu châu Âu không thể nào thực hiện nổi. 

Những con chủ bài đó đã cho phép ông tiến hành và hoàn thành tốt đẹp nhiều nghiên cứu về đời sống tôn giáo, tinh thần, xã hội của dân quê Việt Nam”.

Năm 1944, TS Nguyễn Văn Huyên đã công bố một công trình nghiên cứu có giá trị là “Văn minh Việt Nam”, khẳng định nền văn hóa, văn minh của dân tộc Việt Nam đã có bề dày truyền thống...

Trở thành Bộ trưởng Bộ Giáo dục Quốc gia

Phong trào đấu tranh lên cao, trước ngày Cách mạng tháng Tám thành công, Nguyễn Văn Huyên là một trong những người đại diện trí thức Thủ đô ký bức điện yêu cầu vua Bảo Đại thoái vị. Sau ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ông được cử giữ chức Giám đốc Đại học vụ kiêm Giám đốc Viện Bác cổ. 

Thời gian này GS Ngụy Như Kon Tum làm Đổng lý văn phòng Bộ Giáo dục kiêm Phó giám đốc Đại học vụ, Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục là luật sư Vũ Đình Hòe. Nguyễn văn Huyên đã có công đầu trong việc việc nghiên cứu soạn thảo dự án Cải cách Giáo dục theo Sắc lệnh ngày 10/10/1945. 

Trong tờ trình bản dự án, ông nêu rõ đường lối cải cách như sau “Nền giáo dục mới đặt trên ba nguyên tắc cơ bản: “Dân chủ, dân tộc, khoa học và theo tôn chỉ phụng sự lý tưởng quốc gia”. 

Ngày 15/11/1945, tại lễ khai giảng Trường Đại học đầu tiên của nước nhà, ông đã trình bày một cách rõ ràng, khoa học về mô hình đào tạo đại học “cách tân” trong giai đoạn đất nước hết sức khó khăn. 

Theo đó, Trường Đại học niên khóa đầu tiên có 5 ban: Y khoa, Khoa học, Văn khoa, Chính trị xã hội và Mỹ thuật.  Ban Y khoa thì có Y học, Dược học và Nha học; ban Khoa học thì có đủ các khoa  Toán, Lý, Hóa và Thiên nhiên học; ban Mỹ thuật thì có Hội họa và Điêu khắc học.

“Thêm nữa, vì nhận xét rằng trong thế giới đại đồng ngày nay không một nước nào dầu lớn hay nhỏ là có thể sống tách biệt được, nên Trường Đại học sẽ chú trọng đặc biệt ngay trong niên khóa 1945 - 1946 tới những sinh ngữ có quan trọng cho văn hóa, như tiếng Trung Hoa, tiếng Anh - Mỹ, tiếng Nga”. 

Ông còn đề nghị trường đại học thành lập Hội đồng Quản trị gồm các giáo sư có kinh nghiệm, lập quỹ nghiên cứu… Đó là một hướng đi rất đúng đắn, có giá trị cho đến hôm nay.

Nguyễn Văn Huyên  có vinh dự đặc biệt là được tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự Hội nghị Fontainebleau (Pháp) giữa năm 1946, để mưu cầu nền hòa bình giữa hai dân tộc Việt - Pháp... Tại Pháp, Nguyễn Văn Huyên viết thư về cho vợ, có đoạn: 

“…Trong mấy năm tuy chúng ta lủi thủi cùng nhau như một đàn chim lạc nhưng trong lòng lúc nào cũng hy vọng có ngày lần tới được một cảnh rộng mà vẫy vùng. Ngọc ạ, lúc này mà chúng ta không tự hy sinh một chút lợi riêng thì còn lúc nào nữa nhỉ?... Hai mươi năm lăn lộn sách đèn, một chục năm phiêu lưu chân giời góc bể mới có dịp giơ thẳng cánh tay. Chúng ta dắt tay nhau mà cố lên vậy”.

Đầu tháng 11/1946, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội (khóa I) nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Liên hiệp quốc dân được thành lập, do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Trong số 14 vị bộ trưởng, có Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên là Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục.

Ngoài công tác chuyên môn, GS Nguyễn Văn Huyên là đại biểu Quốc hội Việt Nam  từ khóa 2 đến khóa 7, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. 

Với những đóng góp to lớn vào sự nghiệp trồng người và phát triển nền văn hóa Việt Nam, GS.TS Nguyễn Văn Huyên đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học xã hội và Nhân văn, Huân chương Độc lập hạng Nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ngành chức năng địa phương hỗ trợ người dân dập lửa.

Cháy 5 căn nhà ở Cà Mau

GD&TĐ - Trên địa bàn xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) vừa xảy ra vụ hỏa hoạn làm cháy 5 căn nhà.
Hệ thống Patriot tại Ba Lan.

Kiev ngạc nhiên vì quyết định của NATO

GD&TĐ - Tổng thống Ukraine Zelensky tỏ ra ngạc nhiên vì NATO đánh chặn tên lửa và UAV Iran tại Israel nhưng lại không làm điều tương tự với vũ khí Nga tại Kiev.