Tuy nhà trường chỉ tồn tại được 9 tháng thì thực dân Pháp bắt đóng cửa vì chúng đánh hơi thấy tư tưởng cách mạng, giáo dục lòng yêu nước. Ý nghĩa lịch sử của Trường Đông kinh nghĩa thục vẫn để lại trong tâm trí của người Việt Nam một nét sâu đậm đặc biệt trong việc đề cao học chữ Quốc ngữ.
Dấu ấn Đông kinh nghĩa thục
Thời gian từ năm 1926 - 1935, dù bị thực dân Pháp và chế độ phong kiến kiểm tra, theo dõi gắt gao, việc mở các lớp học chữ Quốc ngữ vẫn diễn ra lẻ tẻ ở một số nơi. Một số địa phương do các hội viên của Thanh niên cách mạng đồng chí hội, của một số đảng viên của Đảng cùng những thanh niên trí thức mở lớp hợp pháp dạy chữ cho những nhóm lao động nghèo túng. Đặc biệt, trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931) công cuộc chống nạn thất học được đẩy mạnh ở các khu Xô Viết.
Đến năm 1936, ở Pháp thành lập Chính phủ Mặt trận bình dân có Đại biểu Đảng Cộng sản tham gia thì việc phổ biến chữ Quốc ngữ có nhiều thuận lợi . Năm 1937, báo chí tiến bộ tiếng Việt và tiếng Pháp đã nhiều lần nêu lên sự cấp thiết phải lập một hội đồng chống nạn thất học vừa để mang ánh sáng văn hóa nâng cao dân trí, vừa để động viên, giác ngộ quần chúng lao động.
Vì vậy đầu năm 1938, theo đề nghị của đồng chí Trường Chinh - xứ ủy Bắc kỳ quyết định vận động một tổ chức công khai chống nạn mù chữ. Thực hiện chủ trương đó, đồng chí Trần Huy Liệu (chủ bút báo Tin Tức), Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp đã gặp một số tri thức tiêu biểu có uy tín như Phan Thanh, Nguyễn Văn Tố, Trần Văn Giáp, Bùi Kỷ, Quản Xuân Nam, Lê Thước… họp tại nhà ông Phan Thanh bàn bạc việc thành lâp một tổ chức công khai để chống nạn thất học. Cụ Nguyễn Văn Tố được bầu làm hội trưởng. Khi Hội gửi đơn xin phép ngày 25/5/1938, Hội đã tổ chức một cuộc mít tinh lớn chưa từng có, được nhân dân hưởng ứng nhiệt liệt. Hội lấy ngày 25/5/1938 làm ngày thành lập. Trụ sở của Hội đặt tại Hội quán Trí Tri ở số nhà 59 phố Hàng Đàn, nay là 47 phố Hàng Quạt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Tuy cho phép, nhưng nhà cầm quyền Pháp không ngớt gây những khó khăn trở ngại nhằm hạn chế hoạt động của Hội. Hội phải dựa vào các tổ chức quần chúng rất rộng rãi để tổ chức các lớp học. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói: “Đi học, đi dạy là đi làm cách mạng”.
Hội Truyền bá Quốc ngữ đã tồn tại được đến Cách mạng tháng Tám năm 1945, sau đó được phong trào Bình dân học vụ nối tiếp.
Trong 7 năm hoạt động của mình rất khó khăn, Hội đã xóa bỏ được nạn mù chữ cho hơn 7 vạn người. Bằng kinh nghiệm hoạt động rất phong phú, đồng thời được tiếp cận với các hoạt động của cách mạng, với Việt Minh, với Đảng, Hội TBQN được đánh giá là vườn ươm quý cho Bình dân học vụ. Hội đã đào tạo được nhiều cán bộ trung kiên và sau này trở thành những cán bộ quản lý giáo dục chủ chốt cho BDHV, cho ngành Giáo dục, cho bộ máy chính quyền mới.
“Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”
Đó là lời Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu trong cuộc họp ngày 3/9/1945 - phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời. Bác đề nghị “mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ”. Đầu tháng 10/1945, Hồ Chủ tịch ra “Lời kêu gọi toàn dân chống nạn thất học”.
Lời kêu gọi đã chỉ ra nhiệm vụ cho BDHV: “Xóa mù chữ là công việc cấp thiết của toàn xã hội, vì vậy phải phát động cho được phong trào quần chúng tham gia xóa mù chữ. Sau khi xóa mù chữ phải làm cho mọi người phải có kiến thức để tham gia xây dựng đất nước”.
Chính phủ ra 3 sắc lệnh, trong đó sắc lệnh số 20 quy định rõ: “Việc học chữ Quốc ngữ từ nay bắt buộc và không mất tiền cho tất cả mọi người. Hạn trong một năm, toàn thể dân chúng Việt Nam trên 8 tuổi phải biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ”.
Chiến dịch chống mù chữ lần thứ nhất được phát động và tiến hành trong khí phách hào hùng của dân tộc, được phối hợp với mặt trận chống giặc đói, chống giặc ngoại xâm. Sau một năm, ngày 8/9/1946, cả nước đã có 74.957 lớp BDHV với 95.665 giáo viên bình dân, 2.520.678 người được thoát nạn mù chữ. Đó là một thành tích vang dội cả núi sông!
Hiến pháp nước VNDCCH được Quốc hội thông qua ngày 9/11/1946, điều 15 ghi rõ: “Nền sơ học cưỡng bách và không học phí”. Hiến định như vậy tạo điều kiện cho ngành bình dân học vụ phát triển.
Giữa năm 1950, tổng kết 5 năm (1945 - 1950), số người được xóa mù chữ (XMC) và BTVH trong cả nước là trên 10 triệu người, Quốc hội VNDCCH khóa II đánh giá: “Thành tích BDHV chống giặc dốt là rất vĩ đại, chứng tỏ tinh thần quật khởi của nhân dân Việt Nam”.
Trải qua những năm tháng chiến tranh chống Mỹ gian nan nhưng những lớp BDHV và BTVH vẫn hoạt động thường xuyên với khí thế “học để chống Mỹ cứu nước”. Sau khi đất nước thống nhất, từ tinh thần BDHV sự nghiệp giáo dục tiếp tục được Đảng, Nhà nước quan tâm, nhiều chính sách đã ra đời. Để đến ngày 28/12/2000 nước ta đã công bố với toàn thế giới rằng: “Đã xóa nạn mù chữ và phổ cập GD tiểu học đến 94,6% dân số”. Đó là mốc son trong lịch sử giáo dục nước nhà.
Bài học hôm nay
Nhìn tổng quát lại công cuộc truyền bá chữ quốc ngữ và mở mang dân trí từ đầu thế kỷ XX đến thế hệ chúng ta ngày nay đã hình thành một quá trình liên tục phát triển, trải qua suốt bề rộng và chiều dài lịch sử của đất nước: Đông kinh nghĩa thục - Truyền bá quốc ngữ - Bình dân học vụ - Bổ túc văn hóa - Giáo dục thường xuyên.
Đạt được kết quả như trên, chúng ta càng khẳng định vai tró lãnh đạo sáng suốt, liên tục, mang tầm nhìn chiến lược của Đảng và Bác Hồ đã và đang đem lại những kết quả xuất sắc trong lĩnh vực nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài thông qua con đường từ XMC.
Một bài học vô cùng sáng giá nữa trong suốt chiều dài đất nước ta chống nạn mù chữ - phổ cập giáo dục tiểu học là bài học vận động quần chúng. Phải tuyên truyền vận động để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra “biến không thành có, biến thiếu thành đủ. Đúng như lời Bác Hồ dạy: “Khó vạn lần, dân liệu cũng xong”!