Trong đời sống học thuật Việt Nam hơn 30 năm qua, sự xuất hiện của An Chi được đánh giá là một trong những trường hợp đặc biệt. Điểm đặc biệt đầu tiên của An Chi là một học giả hoàn toàn tự học, không học vị học hàm. Ông say mê nghiên cứu tìm tòi và lao động một cách nghiêm cẩn để rạch ròi những lẫn lộn vàng thau.
Tự học để bảo vệ cái đúng
Sau một thời gian chống chọi bệnh tật, học giả An Chi đã từ giã cõi trần ở tuổi 88, chấm dứt những ngày tháng rong chơi chữ nghĩa cõi nhân gian. Sự ra đi ấy không chỉ khiến bạn bè cũng như giới nghiên cứu nuối tiếc, mà còn để lại khoảng trống không thể khỏa lấp đối với nền học thuật nước nhà.
Học giả An Chi (bút danh là Huệ Thiên) tên thật là Võ Thiện Hoa, sinh năm 1935 ở TPHCM. Thời kỳ đầu ở miền Bắc, An Chi tham gia thanh niên xung phong xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội - Lào và Nhà máy chè Phú Thọ, rồi học Trường Sư phạm trung cấp Trung ương, dạy học cấp 2 ở Thái Bình.
Tuy nhỏ người và ốm yếu, nhưng An Chi không ngừng tự học, tích lũy kiến thức. Nhờ nghị lực vượt khó và niềm đam mê chữ nghĩa, ông dành cả cuộc đời để chuyên tâm nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa - trở thành một học giả uy tín.
An Chi khởi đầu tinh thần tự học bằng tình yêu với tiếng Việt qua việc say mê đọc sách. Ân nhân đầu tiên của ông chính là nhà ngữ học Lê Ngọc Trụ với tác phẩm “Chánh tả Việt ngữ”. Từ đó, ông mê luôn tiếng Việt, chữ Hán rồi âm thầm đi vào nghiên cứu từ nguyên học.
Bước vào nghiên cứu tiếng Việt, An Chi làm việc vô cùng kỹ lưỡng và cẩn trọng với những chứng cứ vững vàng, trước khi bước vào các cuộc tranh biện học thuật. Bản lĩnh An Chi cùng kiến thức sâu rộng, luận chứng cụ thể được trình bày logic và khúc chiết, dễ hiểu qua từng chữ từng bài đã được đông đảo bạn đọc cùng giới nghiên cứu đồng tình.
Ví dụ An Chi đã chỉ ra những chỗ sai trong “Từ điển Truyện Kiều” của GS Đào Duy Anh và cả những điểm mà GS Phan Ngọc sửa chữa không đúng về cuốn từ điển này. Hoặc trong hai cuốn “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam”, “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” của GS Nguyễn Lân, ông cũng chỉ ra chính xác những chỗ sai khó ngờ.
An Chi cũng chứng minh thuyết phục về sự nhầm lẫn của GS Hoàng Xuân Hãn trong việc dùng thuyết “tự nhiên” lý giải ngôn ngữ “Truyện Kiều”, cũng như sự hời hợt, nông cạn về tri thức của một số cây bút khác mang trên mình đầy học hàm học vị.
Một số tác phẩm của học giả An Chi. |
Một trời trí huệ thênh thang
“Quả có nhiều người hình dung An Chi là một cụ già đầu bạc trán hói, thông kim bác cổ, suốt ngày vùi đầu trong những đống sách cũ kỹ. Trong trí tưởng tượng của họ, An Chi gần như là một nhân vật huyền thoại, khó lòng có thật trong cuộc sống còn nhiều hàng dỏm, sách dỏm và trí thức dỏm” - Lời giới thiệu bộ sách “Chuyện Đông chuyện Tây” của An Chi, GS Cao Xuân Hạo đã viết.
Giới nghiên cứu khoa học còn nhớ sự kiện tranh luận hồi năm 1999 giữa An Chi và Vũ Đức Phúc về “bản Nôm “tẩy” và bản Kiều quốc ngữ” của GS Hoàng Xuân Hãn. Cuộc tranh luận gay gắt đến nỗi động chạm đến cả vấn đề nhân cách và đạo đức. An Chi vẫn quyết không buông “vũ khí”, và cuối cùng đi đến thống nhất: “Tử giả vẫn phải vĩnh viễn chịu trách nhiệm về những gì họ đã làm lúc sinh thời”.
“Học giả hoặc nhà văn, dù đã quá cố, vẫn phải vĩnh viễn chịu trách nhiệm về những gì họ đã viết. Có lẽ nào các thế hệ độc giả và học giả hậu sinh lại tuyệt đối không có quyền nhận xét và phê phán những gì mà các tử giả đã viết?” – Chuyện Đông chuyện Tây trang 69 ghi rõ.
Việc quan tâm đến “Truyện Kiều” của Nguyễn Du cũng như thiếu sót của những nhà nghiên cứu đi trước, An Chi đã mang đến cho bạn đọc bản cổ “Duy Minh Thị 1872” do ông trực tiếp hiệu đính. Bản cổ này của “Truyện Kiều” có những chỗ thuộc từ ngữ, cách nói của Nam kỳ mà hai nhà Kiều học hàng đầu là Nguyễn Tài Cẩn và Nguyễn Quảng Tuân do không nắm vững nên phạm sai lầm trong phiên âm.
Việc minh định chân xác về tác phẩm và sự nghiệp của tiền nhân không chỉ trả lại đúng giá trị sự thật lịch sử, mà còn thể hiện cái tâm, cái tầm. Bên cạnh bộ sách “Chuyện Đông chuyện Tây” thì công trình nghiên cứu “Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm” của An Chi cũng rất đáng chú ý.
Dù không chuyên nghiên cứu lịch sử nhưng vấn đề ông đặt ra và kiến giải khá sâu sắc, như: Hùng Vương hay Lạc Vương?; Vấn đề “thành” của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.
Đặc biệt vấn đề Mạc Đăng Dung có dâng đất cho nhà Minh hay không? Sau khi đưa ra những sử liệu phản biện một cách minh bạch, An Chi dũng cảm kết luận: “Vậy thì không làm gì có chuyện Mạc Đăng Dung cắt đất của quốc gia Đại Việt để dâng cho nhà Minh, chỉ có việc sử thần của nhà Lê đã xuyên tạc sự thật lịch sử để hạ nhục nhà Mạc mà thôi”.
Cách làm việc nghiêm cẩn, thẳng thắn của An Chi khiến ông có nhiều rắc rối, nhưng cũng thêm những tình bạn. Thi sĩ Bùi Giáng từng dành những lời thơ đẹp cho An Chi khi chơi chữ bút danh Huệ Thiên: “Một trời trí huệ thênh thang/ Đi về bắt gặp thằng lang thang Bùi/ Bỗng dưng vô tận ngậm ngùi/ Từ đâu vô lượng lấp vùi nỗi đau”.
Khi biết tin học giả An Chi qua đời vào ngày 12/10, giới nghiên cứu bày tỏ niềm nuối tiếc cũng như nhớ lại những kỷ niệm cùng ông. Nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Xuân Diện nói rằng: “Nghiêm cẩn trong từng câu chữ, lịch lãm trong mỗi cử chỉ lời nói. An Chi là vị học giả uyên bác về cổ ngữ hàng đầu hiện nay. Gặp ông, có cảm giác mình là cậu bé đang thập thò trước cửa nhà thầy”.
Nhà nghiên cứu Trần Ban cho hay: “Mỗi lần có hẹn đến nhà cụ là mỗi lần có thêm bài học. Không chỉ lịch lãm, tinh tế - học giả An Chi cũng rất khiêm tốn và lễ nghi như một nhà Nho”.