Phan Ngọc là dịch giả, nhà nghiên cứu văn hóa, nhà ngôn ngữ học được đào tạo thời Pháp thuộc. Ông nguyên là chuyên viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Ngôn ngữ học, khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Ông quê gốc ở xã Nhân Thành (Yên Thành - Nghệ An). Ông tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, vào bộ đội, thuộc Đại đoàn 304.
Theo nhà nghiên cứu Kiều Mai Sơn, nhờ sự giới thiệu của giáo sư Trần Đức Thảo, Phan Ngọc về công tác tại Trường đại học Sư phạm Văn khoa (nay là Đại học Sư phạm Hà Nội) và Đại học Tổng hợp Hà Nội mới thành lập.
Ngôi trường lúc đó tập hợp được những nhà khoa học sáng danh một thời như Cao Xuân Huy, Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Văn Giàu, Trương Tửu, Trần Đức Thảo…
Ban đầu Phan Ngọc được cử làm trợ giảng cho hiệu trưởng Đặng Thai Mai, sau đó ông Ngọc đã đứng lớp giảng 6 bộ môn thay các vị giáo sư bậc thầy.
Từ năm 1980, ông về công tác tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), được Nhà nước phong học hàm phó giáo sư (1992), rồi nghỉ hưu cuối năm 1999.
Phan Ngọc là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu có giá trị về ngôn ngữ học, văn hóa học và văn học như: Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều, Văn hóa Việt Nam một cách tiếp cận mới, Bản sắc Văn hóa Việt Nam, Văn hóa Việt Nam tiếp xúc với Pháp, Thức nhận về Văn hóa Việt Nam, Giải thích văn học bằng ngôn ngữ học, Thi Thánh Đỗ Phủ và một nghìn bài thơ…
Công trình nghiên cứu Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều và Văn hóa Việt Nam một cách tiếp cận mới của ông đã được trao Giải thưởng Nhà nước đợt đầu tiên (năm 2001).
Với dịch thuật, ông có các tác phẩm Chiến tranh và hòa bình, chung nhóm dịch của Cao Xuân Hạo; Sử ký Tư Mã Thiên, Hàn Phi Tử. Ngoài ra ông biên soạn bộ Thần thoại Hy Lạp, Từ điển Anh - Việt (1994).
Nhà nghiên cứu Kiều Mai Sơn cho rằng, Phan Ngọc là vị giảng sư cuối cùng của thế hệ những người thầy đầu tiên xây dựng nền Đại học Việt Nam ở miền Bắc những năm 1954 - 1956. Ông cũng là người phụ giảng trẻ nhất, tài hoa nhất, thông minh và uyên bác khi đứng trên bục giảng. Bài giảng về “Bữa tiệc hồng môn” (Hồng môn yến) khiến cho sinh viên bị hấp dẫn và ấn tượng đến suốt đời.