Hóc dị vật: Tai nạn nguy hiểm

Hóc dị vật: Tai nạn nguy hiểm

(GD&TĐ) - Hóc dị vật đường thở là một tai nạn rất thường gặp ở trẻ, nhất là trẻ dưới 3 tuổi. Tai nạn này rất dễ xảy ra nếu cha mẹ, ông bà lơ là, sơ ý để trẻ cầm, ngậm, hay chơi những đồ vật như vòng hạt, bút bi, các loại hạt lạc, đậu, ngô… Hóc dị vật có thể gây nguy hiểm tới tính mạng trẻ.

 Tai nạn nguy hiểm

Cách đây không lâu, một bé trai ở Lâm Đồng nhập viện trong tình trạng khá nặng, xẹp một bên phổi phải kèm suy dinh dưỡng trầm trọng. Hơn 1 tuổi nhưng cân nặng của bé chỉ 8 kg. Cách thời điểm nhập viện khoảng 1,5 tháng, bé ăn trái mãng cầu đột nhiên ho sặc sụa, tím tái và được cha mẹ đưa đi bệnh viện. Sau 1 tháng điều trị nhưng không cải thiện, bé được chuyển từ bệnh viện tỉnh đến Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM. Tại đây, các bác sĩ đã gắp ra từ phổi của bé 1 hạt mãng cầu gai có kích thước khoảng 1x1cm. 

 Bác sĩ Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, không ít trường hợp dị vật đường thở của trẻ dễ bị tưởng nhầm thành viêm phổi, hen suyễn. Nhiều trẻ được cho dùng kháng sinh kéo dài dẫn đến những biến chứng nặng nề như như xẹp phổi, làm mủ trong phổi, hoại tử, áp xe phổi, tràn khí màng phổi... Có những trường hợp để lại di chứng não suốt đời cho trẻ.

Một số dị vật đường thở thường gặp là các loại hạt thực vật như đậu phộng, hạt dưa, hạt me, mãng cầu..; các loại xương cá, xương heo, lươn..; các loại đồ chơi có kích thước nhỏ; một số vật dụng sinh hoạt hằng ngày; các loại pin... Nhiều loại dị vật rất trơn, rất dễ tuột sâu vào lòng phế quản, đi sâu vào trong và gây tổn thương phổi.

 

Để trẻ không bị hóc dị vật

Hóc dị vật đường thở là một trong những tai nạn cực kỳ nguy hiểm và thường xảy ra ở trẻ, nguyên nhân chính cũng do cha mẹ bất cẩn, không để ý tới con. Lời khuyên tốt nhất đó là các bậc phụ huynh và người chăm sóc trẻ cần thiết phải để mắt tới trẻ mọi lúc, mọi nơi. Những đồ vật, đồ chơi hoặc hoa quả có kích thước nhỏ dễ hóc, trẻ hay cho vào mồm nên để lên cao, khỏi tầm tay của trẻ.

Khi lựa chọn đồ ăn cho bé, hãy loại bỏ những đồ ăn có nguy cơ ảnh hưởng tới đường thở của trẻ như: bỏng ngô, lạc, các loại hạt, thạch rau câu... Khi chế biến đồ ăn cho trẻ phải thật cẩn thận, đặc biệt với những thực phẩm có xương sống để tránh cho trẻ bị hóc khi ăn. Trong trường hợp không may xảy ra hóc dị tật đường thở ở trẻ, việc sơ cứu trẻ hóc dị vật vô cùng quan trọng. Nếu xử lý đúng cách và kịp thời, sẽ cứu được bé trong gang tấc. 

Đối với trẻ nhỏ khi bị dị vật đường thở nói chung và bị sặc cháo nói riêng, cần sơ cứu kịp thời bằng cách áp dụng phương pháp vỗ lưng và ép ngực. Nếu trẻ có biểu hiện ho khò khè lâu ngày, khó thở, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay vì rất có thể, dị vật vẫn nằm trong đường thở của trẻ. 

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng (Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, khi trẻ bị hóc dị vật, cha mẹ không nên dùng tay móc họng trẻ. Có rất nhiều trường hợp thương tâm xảy ra khi cha mẹ vô tình khiến dị vật đi sâu vào đường thở của trẻ.

Hồng Liên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ