Học bổng đúng nghĩa

GD&TĐ - Một trong những điểm nhấn của mùa tuyển sinh 2022 là các trường đại học dành nhiều gói học bổng hấp dẫn cho tân sinh viên.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Trường ĐH Hoa Sen có gói học bổng lên đến 40 tỷ đồng, Trường ĐH Phenikaa là 50 tỷ đồng, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM là 36 tỷ đồng; Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng là 22 tỷ đồng...

Đa số các suất học bổng đều nhắm đến sinh viên tài năng như thủ khoa đầu vào, thủ khoa trường, hoặc gia cảnh khó khăn nhưng đạt mức điểm từ khá trở lên. Phổ biến nhất là mức hỗ trợ từ 20 - 100% học phí tùy tổng điểm thí sinh đạt được. Nhiều suất học bổng có giá trị rất khủng. Chẳng hạn như 10 suất học bổng đặc biệt của Phenikaa trị giá từ 170 - 300 triệu đồng, sinh viên không chỉ được miễn phí toàn khóa học, mà còn được hỗ trợ sinh hoạt phí đến 20 triệu đồng/năm. 6 suất học bổng doanh nhân của Trường ĐH Hoa Sen ở mức 165 triệu đồng/năm, toàn khóa đến 660 triệu đồng...

Vào đại học là ước mơ chính đáng, tha thiết và cao đẹp của nhiều thí sinh. Tuy nhiên, con đường đến với ước mơ đó không phải bằng phẳng, nhất là với những thí sinh vùng sâu, vùng xa, có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài, ảnh hưởng đến kinh tế của nhiều gia đình khiến không ít học sinh gặp rào cản về tài chính để có thể theo đuổi sự học. Việc các trường gia tăng chính sách học bổng đã tạo nguồn trợ lực tài chính rất có giá trị, giúp các em tiếp tục con đường học vấn. Gia tăng các quỹ học bổng, vì thế, là chính sách giàu ý nghĩa nhân văn, tôn vinh tinh thần hiếu học, trọng dụng nhân tài, rất đáng khuyến khích nhân rộng.

Khuyến khích gia tăng chính sách học bổng không chỉ có lợi cho sinh viên, mà còn mang đến nhiều lợi ích cho các trường. Học bổng tốt, thiết thực là một trong các biện pháp thu hút thí sinh, một chiến lược quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh và quảng bá thương hiệu của trường đại học. Không ít thí sinh thừa nhận chính học bổng tuyển sinh cũng như các chính sách hỗ trợ sinh viên là yếu tố quan trọng để các em quyết định lựa chọn học tập tại một ngôi trường nào đó.

Tuy nhiên, bên cạnh những trường xây dựng chính sách hỗ trợ học bổng thiết thực thì thực tế tuyển sinh các năm qua cho thấy vẫn có không ít đơn vị đưa ra chương trình học bổng nặng về quảng bá, PR. Tung học bổng nhiều, học bổng lớn nhưng mục đích chính của một số đơn vị nhằm tạo sự quan tâm của thí sinh để phục vụ cho tuyển sinh. Nhiều suất học bổng nghe rất kêu nhưng khó mà thực thi được.

Chẳng hạn như có trường tư thục điểm tuyển sinh quanh năm tầm 15 - 18 nhưng chốt học bổng 100% cho thí sinh có mức từ 26 - 30! Thực tế nếu thí sinh có mức điểm gần như tuyệt đối đó hiếm khi chọn trường này để học. Và kết quả đúng như vậy, suất học bổng trên không thể hiện thực hóa được vì thủ khoa đầu vào của trường không có ai đạt mức này.

Hay từng có trường tung học bổng rất khủng nhưng ràng buộc các cam kết, để rồi khi trường tăng học phí, sinh viên không chịu thấu xin chuyển trường thì… kiện đòi lại học bổng. Lại cũng có đơn vị hỗ trợ học bổng cho sinh viên nhưng theo kiểu “khuyến mại”, ai đăng ký sớm, trước giờ G, giờ H thì được hỗ trợ…

Trong bối cảnh tự chủ đại học, học phí tăng, việc các trường chắt chiu, vận động từng đồng một để xây dựng chính sách hỗ trợ cho sinh viên thật đáng quý. Dù ít, dù nhiều từng đồng học bổng cũng sẽ phát huy hết giá trị giáo dục của nó. Nhưng sẽ là phản giáo dục, nếu học bổng là “ảo”. Vì thế, trước rừng chính sách học bổng hấp dẫn trong mùa tuyển sinh, các chuyên gia khuyến cáo thí sinh phải tỉnh táo xem kỹ điều kiện nhận học bổng, cân nhắc giữa học bổng và học phí, uy tín của nhà trường, giá trị của bằng cấp và cả cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ