Học bài từ sân khấu

GD&TĐ - Sân khấu hóa tác phẩm văn học giúp học sinh phát huy tính chủ động, sáng tạo và tạo cơ hội để các em tiếp thu bài học một cách tự nhiên, gần gũi nhất.

Một vở diễn của các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Hà Nội. Ảnh: Vân Anh
Một vở diễn của các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Hà Nội. Ảnh: Vân Anh

Thêm cách tiếp cận

Thực hiện Đề án “Giới thiệu và biểu diễn các vở diễn được chuyển thể từ tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới có trong chương trình giáo dục phổ thông tại các trường học của Thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2030”, gần 500 học sinh Trường THPT Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm) được thưởng thức vở diễn “Tinh thần thể dục” - chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Công Hoan - do Nhà hát Kịch Hà Nội tổ chức và biểu diễn.

Tiếp thu tính trào phúng, khai thác tình huống truyện độc đáo trong tác phẩm, đạo diễn, NSND Nguyễn Trung Hiếu đã xây dựng vở kịch ngắn với những nét dí dỏm, hài hước, nhưng ẩn bên trong lại là tính châm biếm, trào phúng, đả kích chế độ thực dân phong kiến mục nát, đồng thời khắc họa rõ nét xã hội cũ đầy bất công, đè nén người nông dân.

Vở diễn “Tinh thần thể dục” có sự tham gia của dàn diễn viên trẻ triển vọng Nhà hát Kịch Hà Nội. Phần nhập vai và trình diễn của các diễn viên đã giúp học sinh Trường THPT Mỹ Đình cảm nhận sâu sắc hơn tính trào phúng, giá trị nội dung của truyện.

Cô Nguyễn Thu Hà - Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Đình bày tỏ, sân khấu hóa tác phẩm văn học đã giúp tác phẩm trở nên gần gũi. Vở kịch ngắn “Tinh thần thể dục” là món ăn tinh thần mới, giúp học sinh tiếp cận với các bài học về lịch sử, ngữ văn… nhanh chóng và dễ hiểu hơn thông qua hình tượng nghệ thuật sân khấu. Và đây cũng chính là hiệu quả Đề án đã mang tới cho học sinh.

Còn tại Nhà hát Công nhân, hơn 1 nghìn học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Du và Trường Tiểu học Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm) hào hứng theo dõi buổi công diễn của các nghệ sĩ nổi tiếng.

Chùm kịch ngắn “Lời bà kể” dựa trên 2 tác phẩm “Sự tích cây nêu ngày Tết” và “Mồ Côi xử kiện” đã tiếp thu tính trào phúng, khai thác tình huống độc đáo trong truyện dân gian Việt Nam.

Bằng lối kể chuyện dí dỏm, hài hước, đậm truyền thống pha những câu nói hiện đại, bắt nhịp đời sống học đường, vở kịch đã truyền đến học sinh thông điệp của tác phẩm: Ca ngợi sự thông minh, tài trí của anh chàng Mồ Côi cũng như tục lệ người dân thường trồng cây nêu ngày Tết.

Ngoài phần nhập vai tài tình, các diễn viên Nhà hát Kịch Hà Nội còn khéo léo lồng ghép phần giao lưu với khán giả nhí có mặt tại sân khấu. Điều này không chỉ làm vở diễn thêm sinh động mà còn tạo điều kiện cho học sinh được bày tỏ tiếng nói, thái độ trước những hành vi, chi tiết kịch.

Nguyễn Hương Giang - học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Nguyễn Du cho hay: “Em rất thích xem phần biểu diễn của các nghệ sĩ qua chùm kịch ngắn. Đây là các tác phẩm em đã học nhưng khi trực tiếp xem biểu diễn thấy hay và ý nghĩa hơn rất nhiều”.

Học sinh theo dõi nội dung của tác phẩm. Ảnh: Vân Anh

Học sinh theo dõi nội dung của tác phẩm. Ảnh: Vân Anh

Bảo tồn giá trị truyền thống

Thực hiện Đề án, thời gian qua, các trường học trên địa bàn Thủ đô đã tuyển chọn, hướng dẫn, truyền dạy cho giáo viên, học sinh có năng khiếu và đam mê nghệ thuật sân khấu kết hợp biểu diễn một số vở diễn, trích đoạn trong các tác phẩm sân khấu truyền thống, mẫu mực như: Thị Màu, cô Tấm, Xã trưởng, Mẹ Đốp, Trưng Nữ Vương, Triệu Quốc Trinh, Hộ sanh đàn...

Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay, qua gần 2 năm triển khai, đề án đã phát huy thế mạnh của nghệ thuật sân khấu, giúp học sinh tiếp cận các tác phẩm văn học nổi tiếng một cách gần gũi và sống động hơn, khơi niềm yêu thích và say mê của các em với môn Lịch sử, Ngữ văn. Ngoài ra, đề án hướng tới phát hiện và bồi dưỡng tài năng nghệ thuật sân khấu, tạo nguồn diễn viên tiềm năng.

Đề án cũng góp phần ươm mầm sáng tạo nghệ thuật, hỗ trợ nâng cao hiệu quả giáo dục sáng tạo, phát triển năng lực tư duy, hướng tới cụ thể hóa một trong ba trụ cột chính, xây dựng Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo” là “giáo dục về sáng tạo” thúc đẩy xây dựng nguồn nhân lực chiến lược cho sự phát triển văn hóa của Thủ đô.

Chia sẻ về việc thực hiện Đề án, bà Trịnh Ngọc Trâm - Trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm cho biết: Khi nghe giảng trên lớp, có thể học sinh chỉ chạm đến phần nào đó ý nghĩa tác phẩm văn học. Nhưng được xem tác phẩm văn học dựng thành vở diễn sân khấu, các em có thêm phương thức cảm thụ mới.

NSND Nguyễn Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho biết, khi xây dựng Đề án, các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Hà Nội trăn trở làm thế nào để tác phẩm văn học từ cấp tiểu học, THCS, THPT trong sách giáo khoa cùng các sự kiện lịch sử được hình tượng hóa và đưa lên sân khấu một cách sống động, chân thực nhất.

Tùy theo lứa tuổi, Nhà hát Kịch Hà Nội sẽ xây dựng chương trình sân khấu phù hợp, không đặt nặng tính hàn lâm mà chú trọng đẩy mạnh giao lưu để học sinh, sinh viên tiếp cận, được trực tiếp trải nghiệm, thực hành, giao lưu cùng diễn giả, nghệ sĩ... Các nghệ sĩ của Nhà hát Kịch Hà Nội mong sẽ được lan tỏa tác phẩm nghệ thuật tới học sinh và các trường học cả nước.

“Triển khai Đề án sân khấu học đường với chất lượng tốt sẽ mang lại giá trị nhân văn, xây dựng thế hệ học sinh yêu sân khấu, nghệ thuật và trân trọng hơn giá trị của cuộc sống. Đề án cũng phát huy ý nghĩa thiết thực trong sự nghiệp giáo dục và bảo tồn các giá trị truyền thống của dân tộc, đồng thời góp thêm một phương pháp hữu hiệu cho dạy học lịch sử”, NSND Nguyễn Trung Hiếu nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ