Học Bác để bút sắc - lòng trong

GD&TĐ - Ông Phan Duy Hương, 83 tuổi, ở TP Vinh (Nghệ An), vẫn nhớ như in chuyến tác nghiệp đặc biệt...

Bức ảnh đồng nghiệp chụp nhà báo Phan Duy Hương khi đang lắng nghe Bác trò chuyện với chị công nhân người dân tộc thiểu số.
Bức ảnh đồng nghiệp chụp nhà báo Phan Duy Hương khi đang lắng nghe Bác trò chuyện với chị công nhân người dân tộc thiểu số.

Với ông Phan Duy Hương, 83 tuổi, ở TP Vinh (Nghệ An), lần được giao tác nghiệp khi Bác Hồ về thăm Nông trường Sông Hiếu năm 1961 là vinh dự đặc biệt trong đời làm báo. Khi ấy, ông là một phóng viên trẻ, mới vào nghề hơn 1 năm. Kỷ niệm về chuyến công tác ấy sau hơn 60 năm đến giờ vẫn vẹn nguyên…

Chuyến tác nghiệp bất ngờ

Năm 1960, Phan Duy Hương (quê ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu) tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An. Tuy nhiên, ông không theo nghề giáo mà là 1 trong 9 người đầu tiên của trường được Tỉnh ủy Nghệ An chọn làm nhân sự thành lập tờ Báo Nhân dân Nghệ An (tiền thân Báo Nghệ An).

Thời điểm đó, người làm báo hiếm hoi, Phan Duy Hương có nền tảng kiến thức, được đào tạo bài bản nên sớm phát huy năng lực. Cậu phóng viên trẻ với bút danh Dương Huy có nhiều bài báo ghi lại cuộc sống và chiến đấu của nhân dân quê nhà trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và được lãnh đạo báo ghi nhận.

Ngày 8/12/1961, Bác Hồ về thăm quê hương Nghệ An lần thứ 2. Đây là sự kiện trọng đại của tỉnh lúc bấy giờ, các cơ quan thông tin đều cử nhà báo có kinh nghiệm đưa tin. Tòa soạn Báo Nhân dân Nghệ An thời điểm đó quyết định cử phóng viên trẻ Dương Huy nhận nhiệm vụ đặc biệt và vinh dự này.

“Tôi vẫn nhớ đó là sáng ngày 10/12/1961, lãnh đạo cơ quan phân công tôi lên Nông trường Sông Hiếu (huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) đưa tin Bác Hồ thăm. Tôi vô cùng bất ngờ vì mình chỉ vào nghề hơn 1 năm, rồi vui sướng vì có cơ hội được gặp Bác! Đó là vinh dự không phải ai cũng có được, nhất là với phóng viên chưa có nhiều thành tích như tôi thời điểm ấy. Rồi sau đó là cảm giác hồi hộp, lo lắng phải làm thế nào để hoàn thành trọng trách cơ quan giao phó. Tất cả mọi cảm xúc lẫn lộn đan xen khó tả vô cùng…”, nhà báo Phan Duy Hương nhớ lại.

Lặng người một lúc, ông Phan Duy Hương tiếp tục kể, ngày ấy mình dáng dấp thư sinh, gầy nhỏ. Vì vậy, lãnh đạo cơ quan đã cho cậu phóng viên trẻ mượn chiếc áo Tôn Trung Sơn cùng mũ vải để trông chững chạc hơn, “hợp vai” nhà báo đưa tin về sự kiện chính trị quan trọng.

Sáng 10/12/1961, Phan Duy Hương theo xe Bí thư Tỉnh ủy Võ Thúc Đồng lên Nông trường Sông Hiếu. Hôm đó, Bác có chuyến thăm Hợp tác xã Vĩnh Thành (xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) - là HTX nông nghiệp cao cấp đầu tiên của tỉnh Nghệ An. Sau đó, trực thăng đưa Bác đi thăm Nông trường Sông Hiếu.

Ông Phan Duy Hương bên kỷ vật là bức ảnh chụp chung với Bác Hồ.

Ông Phan Duy Hương bên kỷ vật là bức ảnh chụp chung với Bác Hồ.

“Tôi đến sớm cùng bà con đợi Bác tại địa điểm được chọn để tổ chức mít tinh. Trực thăng hạ cánh, Bác bước xuống, dáng người cao ráo, bước đi nhanh nhẹn. Mùa Đông nhưng trời nắng, Bác không tỏ ra mệt mỏi với chuyến công tác di chuyển liên tục, mà đi thẳng lên thăm đồi cà phê”, ông Hương kể.

Cậu phóng viên vội vàng nối gót theo Bác, cố gắng ghi chép lại tất cả những gì nghe và thấy được. Ông hồi tưởng: “Khi lên đồi cà phê, nhìn thấy một cháu nhỏ chừng 2 - 3 tuổi theo mẹ lên rẫy, Bác tiến lại gần âu yếm, cười hiền từ. Lúc đó, tôi cảm nhận Bác là người giản dị, tình cảm, những lo lắng cũng vơi bớt và tự tin hơn trong tác nghiệp”.

Bác hỏi han bà con về mật độ, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cà phê. Trên đường quay lại khu vực tổ chức mít tinh, Bác ghé vào một lán công nhân kiểm tra nơi ăn chốn ở. Khu vực mít tinh chỉ dựng bằng tre, bà con nhân dân, công nhân nông trường đứng quây quần, Bác trò chuyện thăm hỏi thân tình, gần gũi…

Đến 15 giờ cùng ngày, theo kế hoạch Bác rời Nông trường Sông Hiếu. Trước lúc chia tay, Bác đi một vòng chào bà con, dặn mọi người: “Các cô chú và các cháu tránh xa máy bay kẻo cánh quạt quay sẽ tung bụi”. “Những hình ảnh, lời nói của Bác khắc sâu vào tâm trí tôi. Không chỉ là vinh dự được trực tiếp gặp mặt, tác nghiệp về lần Người về thăm quê, mà còn giúp tôi học được từ Bác phẩm chất đạo đức, ứng xử tình cảm với nhân dân, phong cách làm việc…”, cựu nhà báo Phan Duy Hương nói.

Cựu nhà báo Phan Duy Hương và những tư liệu, tài liệu của gia đình, bản thân lưu giữ được.

Cựu nhà báo Phan Duy Hương và những tư liệu, tài liệu của gia đình, bản thân lưu giữ được.

Kỷ vật vô giá và ký ức không quên

Theo ông Phan Duy Hương, các nhà báo có mặt đưa tin sự kiện Bác về thăm quê năm 1961 đều mong mỏi được chụp với vị cha già dân tộc một bức hình. Cậu phóng viên trẻ của Báo Nhân dân Nghệ An cũng có nguyện vọng như vậy, bởi được thấy Bác bằng xương bằng thịt, đứng ngay cạnh mà không có tấm ảnh nào thì thật đáng tiếc, bỏ lỡ cơ hội quý giá.

Gần đến giờ nghỉ trưa, cánh phóng viên vẫn loay loay, ngại không biết mở lời với Bác như thế nào, thì chính Người chủ động ân cần hỏi: “Các cô, các chú còn câu hỏi nào không?”. Vậy là ai nấy đều ngỏ ý muốn chụp chung với Bác bức ảnh. Bác đồng ý ngay, đi ra phía bãi cỏ và lần lượt chụp ảnh với từng nhóm, gồm cả bà con, các chị công nhân và nhóm phóng viên. Nhờ vậy, Phan Duy Hương cũng có bức ảnh kỷ niệm quý giá với Bác Hồ - một vinh dự, may mắn đặc biệt mà nghề báo đã đem lại cho ông.

Sau chuyến công tác, phóng viên Phan Duy Hương đã hoàn thành bài viết về chuyến đi thăm Nông trường Sông Hiếu của Bác Hồ. Bài viết có hình ảnh, lời căn dặn của Bác đối với bà con huyện Nghĩa Đàn, công nhân nông trường nói riêng, trở thành quyết tâm chính trị của Đảng bộ và nhân dân Nghệ An trong thi đua lao động xây dựng quê hương. Trước khi đăng tải, bài báo còn được Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Võ Thúc Đồng đọc, chỉnh sửa từng câu chữ.

“Đó cũng là bài báo lớn trong đời phóng viên, để lại cho bản thân kinh nghiệm quý báu và sự trưởng thành trong nghề. Khi đăng tải, bài báo có sức lan tỏa rất lớn. Tôi hoàn thành nhiệm vụ quan trọng cơ quan giao phó, có sự tự tin để sau này tác nghiệp, viết bài về các sự kiện, vấn đề quan trọng khác với sự cẩn trọng, chính xác, khách quan…”, nhà báo Phan Duy Hương tâm sự.

Ngoài bài báo trên, ông còn sáng tác bài thơ “Bác lên nông trường” ghi lại những cảm xúc của lần may mắn được trực tiếp ở gần, làm việc với Bác Hồ. Bài thơ có đoạn: “Nông trường một sáng mờ sương/ Bác về nắng tỏa lên sườn non cao/ Núi rừng quay lại đón chào/ Rì rầm suối hát xôn xao lá cành.../ Bác đi suối lặng đứng nhìn/ Rừng giơ tay vẫy, suối tìm dấu chân/ Bác về mang lại mùa Xuân/ Bác đi hạnh phúc nảy mầm đơm hoa”.

Sau khi nghỉ công tác báo chí, ông Phan Duy Hương chuyển sang làm việc tại Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Nghệ An. Ông sáng tác nhiều thơ ca, đặc biệt là thơ thiếu nhi, trong đó có bài “Chú ở bên Bác Hồ” được đưa vào sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 3.

Ký ức những ngày làm báo và chuyến tác nghiệp lần Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quê của cựu nhà báo bỗng một ngày ùa về khi bất ngờ được tặng một bức ảnh khác chụp chung với Bác. Đó là dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1990), Giám đốc Bảo tàng Kim Liên gọi điện tiết lộ có một bức ảnh có mặt ông Hương chụp chung với Bác Hồ tại Nông trường Sông Hiếu.

Bức ảnh do một nhà báo cũng có mặt tác nghiệp lần Bác về thăm quê hương Nghệ An năm 1961, chụp lại khoảnh khắc Người đang hỏi chuyện chị công nhân nông trường người dân tộc thiểu số. Trong bức ảnh có ông Phan Duy Hương lọt vào, đang đứng gần để nghe thông tin trò chuyện. Bức ảnh được gửi tặng cho Bảo tàng Kim Liên (nay là Khu di tích Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An). Bức ảnh đã được vị Giám đốc Bảo tàng Kim Liên sao một bản, tặng cựu phóng viên Báo Nhân dân Nghệ An làm kỷ niệm.

Ông Phan Duy Hương trao tặng kỷ vật gồm thư, ảnh chiến trường của em trai - liệt sĩ Phan Tứ Kỷ cho Bảo tàng Quân khu IV. Ảnh: NVCC

Ông Phan Duy Hương trao tặng kỷ vật gồm thư, ảnh chiến trường của em trai - liệt sĩ Phan Tứ Kỷ cho Bảo tàng Quân khu IV. Ảnh: NVCC

Giữ bút sắc - lòng trong

Cựu nhà báo Phan Duy Hương sinh ra tại làng khoa bảng Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu (Nghệ An). Bố là ông đồ dạy học xa nhà, mẹ ở nhà nuôi tằm, dệt vải nuôi 4 đứa con. Anh em ông lớn lên trong nghèo khó, chạy ăn từng bữa của thời chế độ chuyển giao, nhưng lại đủ đầy lời ru của mẹ, răn dạy của cha. Khi trưởng thành, ông mới biết mẹ mình là người phụ nữ kiên cường, là cán bộ lão thành cách mạng 1930 - 1931 và cũng là người phụ nữ Quỳnh Lưu đầu tiên bị giặc Pháp 2 lần bắt giam, bất khuất trước đòn roi kẻ thù. Những bài ru cho con nghe hằng đêm, là thơ cách mạng, thơ Bác Hồ.

Năm lên 10 tuổi, Phan Duy Hương mất mẹ, rồi sau đó mất cha. Cả 4 anh em lưu lạc mỗi người một nơi nương nhờ họ hàng. Khi thi đỗ Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, Phan Duy Hương đã mang theo cậu em trai út 10 tuổi vào Vinh cùng nuôi nhau ăn học. Đến lúc ra trường, được giới thiệu về làm việc cho Báo Nhân dân Nghệ An, 2 anh em chuyển về sống ở khu tập thể của cán bộ tòa soạn. Mỗi lần đi công tác, cậu em được gửi cho các anh chị, cô chú đồng nghiệp.

Ông Phan Duy Hương nhớ lại thời gian đầu làm báo vất vả vô cùng, chủ yếu đi xe đạp, chuyến nào thuận lợi mới có xe cơ quan hoặc theo xe của tỉnh. Mỗi chuyến công tác mất hằng tuần, thậm chí cả tháng trời. Phương tiện ghi chép đều bằng tay, tốc ký khi gặp nhân vật rồi về viết lại thành bài báo hoàn chỉnh, đầy đủ và vẫn phải bảo đảm chính xác. Chưa kể thời điểm bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, sơ tán… nhưng gian khổ đó đối với nhà báo Phan Duy Hương là cái chung của thời cuộc, nhân dân nên ông cố gắng khắc phục.

Có lẽ những năm tháng theo nghề báo với bao say mê và tận tụy của Phan Duy Hương đã ảnh hưởng đến cậu em trai Phan Tứ Kỷ. Lớn lên trong khu tập thể tòa soạn báo, Tứ Kỷ học cách chụp ảnh từ chú nhà báo trong cơ quan anh trai. Nhập ngũ, Phan Tứ Kỷ được điều vào Ban Chính trị Sư đoàn 304 vì có năng khiếu viết lách, biết chụp ảnh.

Chàng lính trẻ đã chụp hàng trăm bức ảnh cả hậu phương lẫn tiền tuyến với góc máy của người trong cuộc, nhiếp ảnh gia chiến trường. Cho đến khi ngã xuống ở tuổi hai mươi, nằm lại chiến trường Bình - Trị - Thiên năm 1972, di vật được chuyển về cho gia đình là nhật ký, thư gửi anh trai, chiếc kèn Acmônica và hàng trăm bức ảnh đen trắng, phim, bức ký họa được Phan Tứ Kỷ ghi lại dọc đường hành quân.

Trong tập ảnh, chỉ có duy nhất bức hình không do anh chụp, đó chính là chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dưới bức ảnh là dòng chữ “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân… Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng chiến thắng”… để tự nhắc nhở mình hãy thực hiện nhiệm vụ, chiến đấu xứng danh truyền thống anh bộ đội cụ Hồ.

Về phần nhà báo Phan Duy Hương, ở Nghệ An công tác, ông phấn đấu thay cả phần người em trai liệt sĩ. Nhắc đến danh hiệu, chức vụ từng trải qua, cựu nhà báo Phan Duy Hương sở hữu không ít: Một trong những người thuộc thế hệ đầu của Báo Nghệ An, Bí thư Chi đoàn đầu tiên của báo, Chủ tịch Hội VHNT Nghệ An, Tổng Biên tập Tạp chí Sông Lam… Nhưng ông tự hào nhất với vai trò nhà thơ thiếu nhi, đặt mình vào ánh nhìn trong trẻo của trẻ thơ. Bài thơ thiếu nhi được đưa vào sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 3, chính là viết cho em trai liệt sĩ đến giờ vẫn chưa tìm được mộ: “Đất nước không còn giặc, Chú ở bên Bác Hồ”...

Cả ông và người em trai đều dành cuộc đời, sự nghiệp của mình phấn đấu theo gương Bác Hồ. “Nghề báo bây giờ khác trước nhiều lắm, mọi phương tiện tác nghiệp thuận lợi và hiện đại hơn. Nhưng cái cốt lõi nhất vẫn không thay đổi đó là tính trung thực, chính xác, khách quan và cái tâm của người cầm bút”, cựu nhà báo Phan Duy Hương nhắn nhủ.

“Bức ảnh đen trắng được đồng nghiệp ghi lại là món quà bất ngờ đối với tôi gần 30 năm sau chuyến tác nghiệp đặc biệt năm 1961. Tất cả kỷ vật, ký ức về Bác là món quà vô giá, để trong quá trình sống, làm việc tôi chia sẻ lại cho thế hệ đồng nghiệp, con cháu sau này. Những thành tựu mà tôi có được trong suốt năm tháng sống và làm việc dù đang là nhà báo hay nghỉ hưu làm công tác Hội Văn học nghệ thuật, cũng là từ việc học tập theo tấm gương đạo đức, phong cách của Bác Hồ”, cựu nhà báo Phan Duy Hương chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ