Những bài học về Bác luôn ý nghĩa và xúc động

GD&TĐ - Dạy học về Chủ tịch Hồ Chí Minh để giúp học sinh hiểu và học hỏi theo tư tưởng, đạo đức của Bác đòi hỏi mỗi người thầy sự hiểu biết vững vàng và không ngừng đổi mới phương pháp.

Cô và trò Trường THCS Lương Yên (Hai Bà Trưng – Hà Nội) trong tiết học chủ đề liên quan tới Bác Hồ. Ảnh: TG
Cô và trò Trường THCS Lương Yên (Hai Bà Trưng – Hà Nội) trong tiết học chủ đề liên quan tới Bác Hồ. Ảnh: TG

Dạy và học về Bác luôn cuốn hút

Cô Nguyễn Hồng Hải – giáo viên (GV) Ngữ văn  Trường THPT Phạm Hồng Thái (Ba Đình – Hà Nội) nhận xét: Tôi cảm nhận khi học những tác phẩm của Bác và viết về Bác được học sinh đón nhận say sưa và hứng thú. Nhiều tác phẩm dù học từ lớp 6 nhưng khi bước vào THPT được hỏi lại, các em đều nhớ và có thể đọc thuộc lòng trôi chảy. Điều đó chứng tỏ những tác phẩm của Bác, viết về Bác có dấu ấn lớn trong lòng học trò.

Lê Nguyễn Hà Linh – HS lớp 9 Trường THCS Đống Đa (Hà Nội) bày tỏ: Em và các bạn thích học các tác phẩm của Bác và tác phẩm viết về Bác. Bởi qua lời dạy của cô giáo, chúng em như được trở về với lịch sử của dân tộc, hiểu thêm ý chí, nghị lực, tài năng, tư tưởng… của Bác trong suốt hành trình tìm đường cứu nước và lãnh đạo đất nước.

Dù chúng em thuộc thế hệ sau này nhưng hình ảnh, nụ cười và sự gần gũi của Bác với trẻ em, HS được sách truyện viết lại cũng khiến em cảm nhận và tưởng tượng như tình cảm của người ông trong gia đình mình...

Cô Nguyễn Thị Thúy, GV Ngữ văn, Tổ trưởng Tổ Xã hội Trường THCS Lương Yên (Hai Bà Trưng – Hà Nội) bày tỏ: Tôi dạy các tác phẩm của Bác, viết về Bác cho HS khối THCS hơn 20 năm. Thế nhưng mỗi lần dạy là một lần trong tôi bồi hồi xúc động.

Tôi cũng nhận thấy, những câu chuyện đời thường của Bác trong suốt hành trình tìm đường cứu nước luôn được HS đón nhận hào hứng. Mặt khác, bản thân là GV để giảng dạy hay về Hồ Chí Minh, giúp HS cảm nhận được tinh thần, giá trị, tư tưởng, đạo đức của Bác nhất định phải có sự cảm nhận sâu sắc, toàn diện, biết mở rộng, lồng ghép vấn đề… Khi nào GV có cảm xúc khi đó việc giảng dạy mới truyền tải được nội dung, tư tưởng, đạo đức về Bác đến HS.

Đổi mới phương pháp dạy học giúp HS hứng thú với những tác phẩm của Bác và viết về Bác. Ảnh: TG
Đổi mới phương pháp dạy học giúp HS hứng thú với những tác phẩm của Bác và viết về Bác. Ảnh: TG

Để mỗi bài học thêm ý nghĩa

NGƯT Nguyễn Thị Hạnh – GV môn Ngữ văn, Trường THPT chuyên Lào Cai (Lào Cai) chia sẻ: Bác Hồ là vị lãnh tụ, nhà chính trị, Danh nhân văn hóa thế giới… Còn HS sinh ra và lớn lên trong thời bình. Nếu GV không đổi mới phương pháp khi giảng dạy, bài giảng không chỉ thiếu sinh động hấp dẫn mà HS khó tiếp nhận được tư tưởng, đạo đức, những bài học quý giá của Bác trong cuộc sống.

Trên thực tế khi dạy về Bác Hồ, cô Nguyễn Thị Hạnh luôn để HS chủ động tìm hiểu trước các dữ liệu thông tin, bài viết, hình ảnh về Bác qua tranh ảnh, bài hát, sách truyện… sau đó yêu cầu thuyết trình hiểu biết, bài học rút ra. Trên cơ sở đó, GV tiếp tục lồng ghép những nội dung, tư tưởng vào giảng dạy, giúp HS tiếp nhận kiến thức một cách tự nhiên nhưng vẫn mang giá trị văn học.

Cô Nguyễn Thị Hạnh cũng cho rằng: Dạy học về các tác phẩm của Bác và tác phẩm viết về Bác nhất định GV phải có kiến thức “nền”, tư liệu về Bác dày dặn. Ngoài tìm hiểu các nguồn tài liệu chính thống viết về Bác, GV có thể tìm kiếm, nghe thêm những câu chuyện kể về Bác từ các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử; những người từng được gặp và tiếp xúc trực tiếp với Người… để tích lũy thêm tư liệu, kiến thức, cảm xúc…

Tuy nhiên, cô Nguyễn Thị Hạnh cũng chỉ ra: Trên mạng có nhiều nguồn thông tin về Bác (cả chính thống và không chính thống). Chính vì vậy, GV cần hướng dẫn, định hướng kĩ lưỡng để các em tìm hiểu được những thông tin chính xác, có giá trị. HS tránh đưa vào bài thuyết trình, bài thu hoạch những thông tin, bình luận không chính xác. Đặc biệt, GV phải chắc kiến thức về Bác để thẩm định được những điều HS nói và viết, tìm hiểu về Bác...

Cô Nguyễn Hồng Hải cũng chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy các tác phẩm Hồ Chí Minh và tác phẩm viết về Người cho HS thật hấp dẫn: Trước khi giảng dạy về sự giản dị của Bác, tôi cho HS nghe lại bài hát “Đôi dép Bác Hồ” sau đó xem những thước phim về cuộc sống, sinh hoạt đời thường của Bác. Với cách mở đầu bài giảng này, HS được tiếp thêm cảm hứng học tập và hiểu ra sự giản dị của Bác được bắt đầu từ những vật dụng, nhu cầu, hành động… trong sinh hoạt hàng ngày...

Cô Nguyễn Thị Thúy cũng khẳng định: Nếu chỉ nói suông, hô hào HS học tập theo tư tưởng, đạo đức của Bác qua những tác phẩm khó hình thành rung cảm. GV phải liên hệ thực tế, tích hợp mở rộng kiến thức và phải có những câu chuyện liên quan thực tế, HS mới bị cuốn hút, hào hứng học tập với chủ đề về Bác. 

Đọc và giảng dạy bài thơ “Viếng lăng Bác” của nhà thơ Viễn Phương, tôi vẫn nghẹn lời. Cảm xúc dâng trào, tôi như một người con miền Nam được ra thăm Bác sau bao ngày mong đợi…  - Cô Nguyễn Thị Thúy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ