Học bạ điện tử: Làm sao hiện thực hóa triển khai quy mô quốc gia?

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT nghiên cứu, thí điểm triển khai học bạ, sổ điểm điện tử trên quy mô quốc gia.

Cô giáo Châu Thanh Tuyền. Ảnh: NVCC
Cô giáo Châu Thanh Tuyền. Ảnh: NVCC

Chủ trương này được các chuyên gia, nhà giáo hoan nghênh, hưởng ứng; đồng thời đề xuất giải pháp, từng bước hiện thực hóa.

Cô Châu Thanh Tuyền - giáo viên Trường Tiểu học An Phú (Tịnh Biên, tỉnh An Giang): Cần tối giản các bước thực hiện

Nơi tôi dạy học là vùng nông thôn nghèo. Nhà trường áp dụng hồ sơ, sổ sách bằng giấy; trong đó có sổ liên lạc, sổ điểm, sổ học bạ. Vì thế, tôi tán thành chủ trương thay thế sổ giấy bằng sổ điện tử, nhằm giảm gánh nặng cho giáo viên.

Hiện, giáo viên phải thực hiện thủ công trên sổ điểm, học bạ giấy nên mất thời gian, tốn công sức và nhiều bất tiện. Giả sử, nếu không may giáo viên viết nhầm hoặc sai sót, phải tẩy, xóa, viết lại nên mất thẩm mỹ. Nếu chuyển đổi sang sổ điện tử thì giáo viên chỉ cần dành 1 ngày hoặc 1 buổi và 1 lần là có thể hoàn thành học bạ cho tất cả học sinh. Ngoài ra, việc lưu trữ, tra cứu hồ sơ học sinh trên điện tử dễ dàng, thuận tiện hơn.

Tuy nhiên, nếu áp dụng trên quy mô toàn quốc thì cần thiết kế phần mềm sao cho dễ làm, sử dụng với mọi giáo viên vùng miền. Các tính năng lưu trữ, quản lý hồ sơ, tra cứu cần thân thiện để giáo viên nào cũng có thể thao tác, phụ huynh tiếp nhận dễ dàng.

Thực tế cho thấy, nhiều thầy cô sử dụng công nghệ còn khó khăn nên khi thiết kế học bạ điện tử, cần tối giản các bước, tránh cồng kềnh, phức tạp, giải phóng công việc thủ công cho giáo viên. Vì thế, khi thiết kế đưa vào sử dụng cần tránh “thêm việc” và không làm gia tăng áp lực cho nhà giáo. Tôi cũng mong Bộ GD&ĐT có văn bản hướng dẫn, tập huấn cho giáo viên để có sự thống nhất, đồng bộ trên cả nước.

Thầy Nguyễn Phúc Lộc - Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi): Tập huấn theo hướng “cầm tay chỉ việc”

Thầy Nguyễn Phúc Lộc.

Thầy Nguyễn Phúc Lộc.

Trường THCS Nghĩa Thắng có 506 học sinh, trong đó hơn 100 em thuộc dân tộc thiểu số. Từ năm học 2018 - 2019 đến nay, nhà trường triển khai sổ liên lạc, sổ điểm và học bạ điện tử. Ngay năm đầu triển khai, có 95% học sinh, phụ huynh đồng ý tự nguyện tham gia. Đến năm học 2023 - 2024, tỷ lệ này là hơn 98%.

Thực tế cho thấy, về lâu dài việc sử dụng sổ học bạ, sổ điểm bằng giấy gặp khó khăn khi lưu trữ. Theo thời gian, học bạ giấy có thể bị nhàu nát, mối mọt ăn, chất liệu giấy xuống cấp. Nếu lưu trữ bằng hồ sơ điện tử sẽ tránh được những nhược điểm này. Đặc biệt, các địa phương vùng biển, khi mưa bão đến không phải xoay xở tìm nơi cất giữ.

Phụ huynh học sinh Trường THCS Nghĩa Thắng chủ yếu là ngư dân vùng biển, thường xuyên đánh bắt cá xa bờ nên khi triển khai sổ liên lạc, học bạ và sổ điểm điện tử họ đồng tình, hưởng ứng. Bởi, cha mẹ vẫn nắm bắt được tình hình kết quả học tập của con em thông qua hệ thống tin nhắn. Trung bình mỗi học kỳ, phụ huynh nhận được 9 thông báo.

Sau nhiều năm áp dụng, tôi nhận thấy, sử dụng học bạ, sổ điểm điện tử cần có tính chất hệ thống. Sau mỗi học kỳ, hệ thống sẽ khoá lại, nếu muốn sửa chữa sai sót, thầy, cô phải trình bày lý do và báo cáo với ban giám hiệu. Điều này có thể sẽ hạn chế sự gian lận hơn so với việc dùng học bạ giấy.

Giải pháp dùng học bạ, sổ điểm điện tử mang lại nhiều lợi ích cho nhà trường, giáo viên và phụ huynh. Tuy nhiên, cần thiết kế sao cho đơn giản, tiện dụng nhất. Với thầy, cô giáo chưa có kỹ năng sử dụng công nghệ nên ít nhiều khi làm quen với phần mềm sẽ gặp khó. Do đó, phần mềm học bạ, sổ điểm điện tử cần tối giản các bước thực hiện, tránh cồng kềnh, phức tạp.

Tới đây, cũng cần thiết kế thêm chữ ký điện tử để giáo viên có thể đăng ký và sử dụng trong công việc. Ngoài ra, sở GD&ĐT cần ban hành hướng dẫn chi tiết sử dụng sổ điểm, sổ học bạ điện tử. Đồng thời, tổ chức các buổi tập huấn theo hướng “cầm tay chỉ việc”.

Nói chung, áp dụng sổ điểm, sổ học bạ điện tử là tất yếu, nhất là khi toàn ngành Giáo dục đẩy mạnh chuyển đổi số. Tất nhiên, thời gian đầu không tránh khỏi vướng mắc hoặc ý kiến trái chiều. Nhưng chúng ta cần quyết tâm thực hiện và coi đây là xu hướng không thể đảo ngược. Tinh thần là khó đâu gỡ đấy, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và từng bước tối ưu hóa sổ điểm, sổ học bạ điện tử trong quá trình sử dụng.

Ông Quách Tuấn Ngọc - nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT): Tiến tới thống nhất áp dụng chung trên toàn quốc

Ông Quách Tuấn Ngọc.

Ông Quách Tuấn Ngọc.

Việc thí điểm triển khai sổ học bạ, sổ điểm điện tử trên quy mô quốc gia là khả thi, từng bước tiến tới thống nhất áp dụng chung. Về nguyên lý, khi thiết kế phần mềm này, đơn vị cung cấp sẽ tối ưu hóa sử dụng theo hướng thân thiện, dễ thao tác, đảm bảo phù hợp với cơ sở giáo dục, giáo viên, phụ huynh trên mọi vùng miền đất nước.

Sau bước thí điểm và rút kinh nghiệm có thể áp dụng như một phương thức chính thống giống sổ học bạ, sổ điểm giấy mà cơ sở giáo dục đang sử dụng. Tất nhiên, việc này không thể tùy tiện, ngẫu hứng, mỗi nơi một kiểu. Khi đã thống nhất áp dụng và vận hành trơn tru khâu kỹ thuật, Bộ GD&ĐT cần ban hành văn bản hoặc Thông tư hướng dẫn về học bạ điện tử, sổ điểm, liên lạc điện tử.

Riêng về thiết kế, xây dựng phần mềm, tôi đề xuất hai phương án: Thứ nhất, Bộ GD&ĐT ban hành Bộ tiêu chuẩn, tiêu chí cả về nội dung cũng như yêu cầu kỹ thuật đối với học bạ điện tử, sổ điểm, liên lạc điện tử. Trên cơ sở đó, các địa phương chủ động lựa chọn đơn vị cung cấp.

Thứ hai, Bộ GD&ĐT có thể triển khai một phần mềm dùng chung trên cả nước. Tất nhiên, phần mềm này phải tối ưu hóa hơn so với phần mềm riêng lẻ. Tôi nghiêng về phương án này vì có nhiều ưu điểm. Chẳng hạn, khi cả nước dùng chung phần mềm sẽ đảm bảo tính liên thông. Theo đó, cấp dưới có thể không cần báo cáo lên cấp trên, bởi chỉ cần vào hệ thống phần mềm là cấp trên có thể nắm bắt được tình hình ở dưới.

“Nếu dùng chung phần mềm về sổ điểm, học bạ điện tử mà Bộ GD&ĐT cung cấp sẽ tránh được cồng kềnh, tốn kém. Thứ nữa, khi địa phương phản ánh, góp ý về lỗi kỹ thuật, việc sửa sẽ bao phủ trên phạm vi toàn quốc”, ông Quách Tuấn Ngọc gợi mở giả thiết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ