Học bạ điện tử: Bất cập từ thực tế

GD&TĐ - Chuyển đổi sang sổ điểm, học bạ điện tử giúp nhà trường, giáo viên giảm thời gian, công sức, thực hiện công việc nhanh, đầy đủ, chính xác hơn.

Cô và trò Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (Hải Phòng) trong giờ học. Ảnh: NTCC
Cô và trò Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (Hải Phòng) trong giờ học. Ảnh: NTCC

Tuy nhiên, việc này còn không ít khó khăn, do thiếu đồng bộ, quy định mang tính pháp lý thống nhất cả nước.

Chưa đồng bộ

Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác sổ sách, hồ sơ như sổ liên lạc, giáo án, theo dõi chất lượng giáo dục, chủ nhiệm… giúp giáo viên giảm bớt công việc không tên. Tuy nhiên, giáo viên cấp THCS, THPT dạy các môn ít tiết như Công nghệ, Tin học, Giáo dục công dân, Giáo dục kinh tế và pháp luật (Chương trình GDPT 2018)… vẫn phải ghi điểm cùng chữ ký xác nhận vào sổ học bạ.

Tương tự, giáo viên dạy các môn nhiều tiết như Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ… cũng ghi thủ công hàng trăm con điểm, chữ ký. Nếu vào điểm học bạ học kỳ II thì thao tác vào điểm nhân lên gấp đôi (một cột điểm học kỳ II và một cột điểm cả năm).

Ông Châu Tuấn Hồng - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng cho biết, theo tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, tỉnh thông tin đến các trường nghiên cứu triển khai học bạ điện tử. Hiện mỗi trường quản lý học sinh theo phần mềm khác nhau, việc thực hiện không quá khó khăn. Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc là chưa có nền tảng, hệ thống phần mềm dùng chung cho trường học trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Hồng, dùng học bạ điện tử nhưng cuối cùng thầy cô phải in ra giấy, ký tên bằng tay và khi chuyển hồ sơ học sinh vẫn sử dụng học bạ giấy. Mỗi trường sử dụng một phần mềm khác nhau nên học bạ điện tử chỉ có thể sử dụng, lưu hành và quản lý nội bộ, chưa thể kết nối với trường khác cũng như đơn vị bên ngoài. Đây là vướng mắc lớn nhất trong quá trình triển khai.

Tại tỉnh Sóc Trăng, nhiều trường thực hiện số hoá trong quản lý đồng thời sử dụng học bạ giấy. Theo ông Hồng, việc này không gây nhiều khó khăn cho giáo viên vì học bạ giấy chỉ cần in ra từ hệ thống quản lý. Nếu trước đây giáo viên phải tự điền điểm của học sinh vào sổ thì nay thầy cô nhập điểm lên hệ thống, cuối năm in và đóng dấu, ký tên… Do đó, muốn thực hiện tốt học bạ điện tử, cần đồng bộ giữa các tỉnh thành trên cả nước, có sự điều hành thống nhất từ Bộ GD&ĐT.

Cán bộ, giáo viên rất ủng hộ chủ trương này của Bộ và kỳ vọng việc thực hiện học bạ điện tử sớm đi vào thực tiễn, triển khai đồng bộ. Qua đó bớt thủ tục rườm rà, đặc biệt việc quản lý học sinh chuyển vùng dễ dàng, thông tin cập nhật đầy đủ…

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Thiếu tính pháp lý

Theo ông Võ Thanh Vương Đạo - Trưởng phòng Quản lý chất lượng và Công nghệ thông tin, Sở GD&ĐT Bến Tre, từ khi triển khai ký số cho lãnh đạo, giáo viên, bước ký xác nhận học bạ học sinh được chuyển sang thực hiện trực tuyến. Ký số giúp chuyển đổi 100% quy trình tạo lập học bạ sang trực tuyến. Kết quả quy trình là học bạ điện tử, không phải học bạ giấy.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi học bạ thành học bạ điện tử chưa đồng bộ về thời gian; cách thực hiện giữa các nhà trường, địa phương. Ngay cả trong một tỉnh cũng có trường chưa thực hiện vì chưa có chữ ký số. Do đó, cần cấp cho học sinh song song hai loại học bạ giấy và điện tử, tùy theo nhu cầu học sinh cần.

“Nhiều trường cho rằng, đã thực hiện học bạ điện tử sao phải in ra, thêm một bước đóng dấu đỏ xác nhận (học bạ in ra đã có chữ ký số của giáo viên và hiệu trưởng). Để khắc phục hạn chế này, Bộ GD&ĐT cần có quy định mang tính pháp lý thống nhất cả nước để các nhà trường, trường ĐH-CĐ, cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp chấp nhận học bạ điện tử thay cho học bạ giấy nếu người học nộp hồ sơ đi học, làm.

Năm học 2023 - 2024, Bến Tre tiếp tục tăng số trường có học bạ điện tử; tiến tới cấp học bạ điện tử cho học sinh khi ra trường, vẫn cấp song song hai loại học bạ cho đến khi có quy định thống nhất của Bộ GD&ĐT”, ông Võ Thanh Vương Đạo nêu ý kiến.

Tại huyện Kỳ Sơn, Nghệ An, các trường học thực hiện học bạ điện tử, sổ điểm điện tử đồng loạt từ năm học 2021 - 2022. Năm học 2023 - 2024, ngành Giáo dục chỉ đạo 100% trường phổ thông trong huyện sử dụng học bạ điện tử.

Dù có nhiều kết quả, song theo Trưởng phòng GD&ĐT Kỳ Sơn Phạm Viết Phúc, là địa bàn vùng khó, triển khai học bạ điện tử còn rào cản nhất định do điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị một số nhà trường hạn chế, kết nối mạng Internet kém. Khi học sinh chuyển trường vẫn phải in ra bản giấy và ký trực tiếp thay vì công nhận học bạ điện tử. Chưa kể, cuối năm, khi cần xác nhận từng điểm số phải in ra giấy và giáo viên ký xác nhận thì mới được chấp thuận.

Trong các văn bản của Bộ GD&ĐT mới khuyến khích sử dụng và quy định về kỹ thuật học bạ điện tử. Học bạ điện tử (bao gồm cả học bạ in từ bản mềm có ký tươi và học bạ có gắn chữ ký số) không được cơ quan, tổ chức, xã hội công nhận trong thực hiện thủ tục hành chính.

“Hiện, sử dụng học bạ điện tử chưa có tính thống nhất chung trong toàn quốc nên học sinh khi chuyển trường từ huyện này sang huyện khác, tỉnh này sang tỉnh khác gặp nhiều khó khăn. Một số giáo viên còn hạn chế công nghệ thông tin nên quá trình thực hiện lúng túng, mất thời gian. Còn nhiều chức năng không phù hợp địa phương vùng khó khăn như đăng ký nhắn tin, sổ liên lạc điện tử,…”, ông Phạm Viết Phúc chia sẻ.

Cùng có khó khăn bởi cuối kỳ, năm vẫn phải in hồ sơ giấy; giáo viên ký xác nhận bằng tay vào sổ điểm, học bạ, cô Phạm Thanh Thúy – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, TP Hải Phòng) cho biết: Thời gian tới, trường tiếp tục thực hiện hiệu quả sổ điểm, học bạ điện tử. Nhà trường sẽ tập trung nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, tích cực bồi dưỡng kỹ năng sử dụng cho giáo viên, cán bộ quản lý…

“Để sổ điểm, học bạ điện tử thực sự có thể trao đổi, giao dịch trên môi trường số, thay thế dần giấy tờ truyền thống, cần có công cụ xác thực, bảo đảm tính đúng đắn chính xác, toàn vẹn của dữ liệu”, cô Phạm Thanh Thúy đề nghị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.