Giúp cho học sinh phát triển toàn diện
Việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa trải nghiệm, nâng cao kiến thức kỹ năng sống, đặc biệt là hoạt động hướng nghiệp cho học sinh là điều cần được khuyến khích trong trường học. Bởi lẽ hoạt động này giúp các em phát triển toàn diện, năng động, sáng tạo, thích nghi tốt với môi trường sống.
Tại thành phố Hà Nội, hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh những năm gần đây được các nhà trường coi trọng. Giờ học Lịch sử, Giáo dục công dân của học sinh Trường THPT Nguyễn Tất Thành được giáo viên lồng ghép vào các hoạt động ngoại khóa. Học sinh được đến tham quan làng Cốm Vòng, từ đó các em sưu tầm, làm video clip trải nghiệm. Tương tự, đến tham quan làng gốm Bát Tràng học sinh vừa được quan sát thực tế các hoạt động của làng gốm từ khâu chọn đất, nhào đất, nặn, phơi, nung, và bày bán sản phẩm…vv.
Các chuyên gia giáo dục cũng khẳng định, hoạt động trải nghiệm sáng tạo là hoạt động giáo dục, trong đó, dưới sự hướng dẫn và tổ chức của nhà giáo, từng cá nhân học sinh được tham gia trực tiếp vào các hoạt động thực tiễn khác nhau của đời sống gia đình, nhà trường cũng như ngoài xã hội với tư cách là chủ thể của hoạt động, qua đó phát triển năng lực thực tiễn, phẩm chất nhân cách và phát huy tiềm năng sáng tạo của mình.
Thay đổi nhận thức và hành vi
PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Nam (ĐH Cần Thơ) chia sẻ: Thời gian gần đây, hoạt động trải nghiệm sáng tạo của học sinh Trường Thực hành sư phạm Cần Thơ thông qua dự án gắn với cộng đồng là điều rất tốt. Ví dụ, trường tổ chức cho học sinh làm một phóng sự xã hội về Tết Việt ở đất phương Nam. Rõ ràng, qua phóng sự các em đi gặp người nghèo, người trồng hoa, bán hoa, người quét rác ở chợ hoa ban đêm đã khiến cho nhận thức của HS thay đổi.
Từ bài học, học sinh được thực tế, hành vi và nhận thức của các em có sự chuyển biến, có tác động rõ ràng hơn. Chẳng hạn, khi được nhà trường tổ chức đến tham quan những di tích lịch sử văn hóa, nhận thức của các em về lịch sử cũng thay đổi. Học sinh nắm chắc hơn kiến thức lịch sử, đồng thời, kích thích được các em ham tham quan, học hỏi, tò mò, muốn mở rộng tầm hiểu biết lịch sử quê hương, của dân tộc mình.
HS cũng thay đổi nhận thức về di tích lịch sử. Nhiều thầy cô giáo sau khi đưa học sinh của mình đi tham quan, đã khẳng định: nhất định sẽ dẫn con đến di tích đó. Điều này cho thấy hoạt động trải nghiệm sáng tạo của học sinh có tác động tích cực. Bản thân HS thông qua cách làm clip đã biết lồng âm thanh, hình ảnh, phối cảnh, phối hình, tạo thoại. Cách làm sáng tạo của học sinh nhiều khi khiến thầy cô ngạc nhiên vì khi giao việc cho các em họ cũng không nghĩ các em làm được như vậy. Thế nhưng thực tế học sinh đã làm được điều vượt hơn cả mong đợi của giáo viên.
Khi cho học sinh trải nghiệm sáng tạo, có những cái nhà trường không có đủ điều kiện, thời gian để truyền đạt hết kiến thức khi học ở trên lớp, nhưng thực tế trải nghiệm đã bổ sung cho các em. Các em trưởng thành cả về trình độ và nhận thức, vốn sống. Bản thân các em rút ra được kinh nghiệm sống cho mình. Như đến bảo tàng hay nơi trang nghiêm, học sinh biết ăn mặc đàng hoàng, nói năng lễ phép. Đây chính là điều thực tế đôi khi nhà trường không thể dạy hết được.