Hoạt động trải nghiệm sáng tạo: Làm gì để thực tế gần hơn với hiệu quả?

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo: Làm gì để thực tế gần hơn với hiệu quả?

Khó khăn từ thực tế triển khai

Những năm gần đây, hoạt động trải nghiệm sáng tạo được các nhà trường tổ chức thường xuyên trong năm học, kỳ nghỉ hè nhằm đưa học sinh đến gần với thực tế cuộc sống. Hoạt động này diễn ra khá phong phú, đa dạng dưới nhiều hình thức tổ chức khác nhau, giúp học sinh có được những bài học vô cùng sinh động, phong phú để thêm yêu cuộc sống và giúp ích cho việc học tập.

Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện, nhà trường gặp không ít khó khăn. Việc xây dựng kế hoạch, chương trình dạy học hiện nay thường kín về thời lượng. Nếu muốn tổ chức một hoạt động trải nghiệm bổ trợ môn học, chương trình học thì rất khó bố trí vào khoảng thời gian giữa các tiết học, buổi học. Không thể tiến hành một hoạt động trải nghiệm trong vòng một tiết học khi phải lấy quỹ thời gian của tiết học khác. Vì vậy, việc sắp xếp quỹ thời gian hợp lý cho hoạt động trải nghiệm cần được nghiên cứu và phân bố hợp lý.

Thông thường thì các địa điểm trải nghiệm như: Khu di tích, bảo tàng, các địa danh, các khu công nghiệp, du lịch, sinh thái, làng nghề… thường khá xa trường học. Vì vậy, sẽ rất khó khăn khi tổ chức cho học sinh đến học tập, trải nghiệm. Dù ở đâu cũng cần phải có khoản kinh phí nhất định để phục vụ cho hoạt động trải nghiệm như: Tiền thuê xe đưa đón, nước uống, ăn sáng, trưa, chiều… trong khi kinh phí cho hoạt động này thì lại rất eo hẹp.

Khi tổ chức, yếu tố về sự an toàn cho học sinh là rất quan trọng. Do khoảng cách địa lý, phương tiện di chuyển và đối tượng trải nghiệm nên việc bảo đảm an toàn trong quá trình tổ chức cho số đông học sinh tham gia học tập sẽ gặp không ít khó khăn. Bản thân các trường lại không có giáo viên chuyên trách nên những giáo viên còn thiếu giờ dạy sẽ được phân bổ dạy môn giáo dục hướng nghiệp ngoài giờ lên lớp. Những giáo viên này chưa được tập huấn về nghiệp vụ tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho nên năng lực thực hiện hoạt động này còn nhiều bất cập, đa số thiếu kinh nghiệm, chưa nắm vững kỹ năng, nghiệp vụ.

Một khó khăn nữa là, tâm lý e ngại của cha mẹ học sinh, và của chính một số giáo viên chủ nhiệm vì lo sợ mất thời gian học tập, tốn tiền, sự an toàn của học sinh, của con em mình. Ngoài ra, một số giáo viên, học sinh, phụ huynh có tư tưởng tham gia hoạt động trải nghiệm sáng tạo là đi chơi nên không có nhận thức đúng đắn về hoạt động trải nghiệm sáng tạo, mang tâm lý đi du lịch là chính.

Làm thế nào để hoạt động hiệu quả?

Nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và các lực lượng giáo dục về tầm quan trọng và trách nhiệm của mình trong hoạt động trải nghiệm là giải pháp hàng đầu. Có nhiều cách làm để nâng cao nhận thức như: Tổ chức học tập, nghiên cứu một cách nghiêm túc các văn kiện của Đảng, của Nhà nước về GD-ĐT; Phổ biến các văn bản liên quan đến chương trình giáo dục phổ thông, chương trình tổng thể, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, hướng nghiệp cho tập thể giáo viên, nhân viên của nhà trường; Tham gia giao lưu với các trường khác giúp giáo viên học hỏi và trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau…

Khi xây dựng kế hoạch thực hiện hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh, nhà trường phải thực hiện đúng quy định và phù hợp với điều kiện thực tiễn, có tính khả thi nhằm định hướng cho giáo viên, học sinh trong việc thực hiện, tạo tính chủ động khi huy động các nguồn lực; phối hợp triển khai và đánh giá việc thực hiện các hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh.

Nhà trường cần trao đổi với đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp nêu rõ thực trạng học sinh của nhà trường về năng lực, kiến thức, kỹ năng. Sau đó trình bày ý tưởng tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo xin ý kiến của Ban đại diện cha mẹ học sinh về việc xây dựng kế hoạch chi tiết cho hoạt động. Huy động sự tham gia của giáo viên, tổ chức đoàn thanh niên, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh xây dựng kế hoạch các chuyên đề hoạt động cụ thể cho từng tháng, từng kỳ với từng đối tượng học sinh. Bám sát chủ đề, chủ điểm năm học, trong đó nêu rõ các lực lượng tham gia, địa điểm tổ chức, dự trù kinh phí tổ chức.

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo là nhiệm vụ mới mẻ, khó khăn nên giáo viên còn rất lúng túng trong khâu xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện. Do vậy, tổ chức tập huấn để mỗi giáo viên nắm chắc mục đích, ý nghĩa, yêu cầu và hình thức tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo là rất cần thiết. Trong hoạt động trải nghiệm sáng tạo, người giáo viên chỉ định hướng còn học sinh là chủ thể của tất cả các khâu, do đó, các em phải hiểu về hoạt động trải nghiệm sáng tạo thì mới có thể tham gia thực hiện được.

Để làm được điều này, giáo viên sau khi được tập huấn cần giới thiệu, hướng dẫn cho học sinh hiểu về mục đích, hình thức, cách tổ chức để học sinh biết lựa chọn hình thức tổ chức phù hợp với nội dung, nắm được các bước cơ bản cần thực hiện, trách nhiệm của từng cá nhân khi tham gia hoạt động…

Việc đổi mới và đa dạng hóa các phương thức tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo là cần thiết nhằm tạo sự hấp dẫn, hứng thú cho học sinh để các em được trải nghiệm về kiến thức và rèn luyện các kỹ năng mềm. Thông qua đổi mới các hình thức tổ chức sẽ phát triển môi trường học tập, giúp học sinh phát triển toàn diện nhân cách, thúc đẩy sự sáng tạo của học sinh.

Cần phối hợp giữa các lực lượng trong và ngoài nhà trường để tổ chức có hiệu quả các hoạt động trải nghiệm, tạo được sự đồng thuận thông qua cơ chế phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa các lực lượng giáo dục; Tăng cường kiểm tra, đánh giá quá trình tổ chức thực hiện các hoạt động trải nghiệm cho học sinh để thu thập thông tin, đánh giá đúng ưu điểm, hạn chế trong việc thực hiện kế hoạch, qua đó kịp thời điều chỉnh, uốn nắn những sai lệch, bảo đảm cho các hoạt động trải nghiệm được thực hiện hiệu quả và có chất lượng.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.