Hoạt động tổ chức Đoàn - Hội: Thay đổi để thích ứng

GD&TĐ - Noi gương các thế hệ đi trước, tổ chức Đoàn - Hội trong trường học không ngừng đa dạng hóa hoạt động.

Sinh viên tình nguyện ĐH Sài Gòn đi thăm và chúc Tết má Lương Kim Oanh.
Sinh viên tình nguyện ĐH Sài Gòn đi thăm và chúc Tết má Lương Kim Oanh.

Thông qua các câu lạc bộ (CLB), hội thi, cùng các hoạt động tri ân, tình nguyện, chăm sóc Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình liệt sĩ… các giá trị truyền thống đã đến gần hơn với thế hệ trẻ. Đồng thời, để bắt nhịp với thực tiễn, nhiều thông tin, mô hình được số hóa để học sinh - sinh viên dù chưa đi học trực tiếp nhưng không vì thế mà đứt gãy hoạt động tập thể.

Bà Phan Thị Thanh Phương - Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên TP Hồ Chí Minh: Soi mình vào lịch sử truyền thống để sống và cống hiến

Thế hệ tuổi trẻ hiện nay rất may mắn khi kế thừa nhiều di sản quý báu của các thế hệ đoàn viên, thanh niên đi trước. Do đó, trong mỗi giai đoạn lịch sử, hoạt động Đoàn luôn vận hành cùng với nhiệm vụ chính trị quan trọng của đất nước để tập hợp và phát huy lực lượng thanh niên.

Đặc biệt, từ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, với vai trò xung kích, tình nguyện, các thế hệ sinh viên, tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh đã tiếp tục sứ mệnh trong thời kỳ mới là tập hợp lực lượng thanh niên thực hiện những nhiệm vụ mới, với các hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới.

Trong hành trình dài vừa qua, các thế hệ sinh viên, tuổi trẻ của thành phố đã xây dựng nhiều hoạt động phong trào noi gương truyền thống cách mạng, dấn thân đầy vẻ vang của các thế hệ đi trước bằng hàng loạt phong trào đậm dấu ấn như: Chiến dịch Mùa hè xanh, Kỳ nghỉ hồng, Hành quân xanh, Hoa phượng đỏ, Tiếp sức mùa thi....

Với đòi hỏi của thực tiễn hiện nay, được sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo thành phố, sự chỉ đạo xuyên suốt thường xuyên của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, các hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng, xây dựng lý tưởng cho sinh viên được các trường ĐH, CĐ linh hoạt thực hiện ngày một thiết thực và gần gũi đời sống hơn. Đó là sự thay đổi và thích ứng lớn, để qua từng hoạt động, chiến dịch… mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh niên hôm nay soi mình vào lịch sử truyền thống hào hùng của Đoàn, Hội Sinh viên, từ đó sống và cống hiến xứng đáng với các thế hệ đi trước.

Nhằm tăng cường công tác giáo dục truyền thống, đền ơn đáp nghĩa được tốt và hiệu quả hơn, các Đoàn trường, Hội Sinh viên, từng đoàn viên, thanh niên đã không ngừng trăn trở, tìm tòi, sáng tạo, tham gia tích cực vào các chương trình, công trình, dự án của địa phương. Bên cạnh đó, tập trung đổi mới chính tổ chức Đoàn, hoạt động của Hội Sinh viên theo hướng gắn với hơi thở của cuộc sống, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động phong trào gắn liền với đẩy mạnh việc giáo dục truyền thống cách mạng, năng lực thực tiễn cho đoàn viên, thanh niên, sinh viên.

Để làm được điều đó, với phong trào thanh niên tình nguyện thời gian tới, Đoàn trường, Hội Sinh viên các trường cần có sự đổi mới mạnh mẽ theo hướng phù hợp với bối cảnh thực tiễn của đất nước trong giai đoạn hội nhập sâu hơn với thế giới, dưới sự tác động của công nghệ, nền kinh tế số. Ở hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng các trường cần chủ động lồng ghép, tuyên truyền thông qua các hoạt động chăm lo, tri ân các gia đình có công với cách mạng, tuyên truyền một cách sinh động, trực quan những tấm gương dám hy sinh, dấn thân cho xã hội, cộng đồng để lan tỏa tinh thần đẹp.

Bà Phan Thị Thanh Phương - Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên TP Hồ Chí Minh phát biểu trong lễ ra quân Chiến dịch tình nguyện hè năm 2020. Ảnh: TG
Bà Phan Thị Thanh Phương - Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên TP Hồ Chí Minh phát biểu trong lễ ra quân Chiến dịch tình nguyện hè năm 2020. Ảnh: TG

Ông Nguyễn Thành Trung - Phó bí thư thường trực Đoàn trường, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng: Cầu nối truyền thống với hiện tại

Việc tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng theo hướng gần gũi, thiết thực cho sinh viên đóng vai trò rất lớn trong việc gắn kết sinh viên. Ngoài sân khấu hóa các câu chuyện lịch sử, gương anh hùng, liệt sĩ cho sinh viên giao lưu trải nghiệm bằng các hoạt động về nguồn, tri ân… thì quan trọng nhất vẫn phải là tính dẫn dắt từ các hoạt động mà Đoàn trường, Hội Sinh viên nhà trường triển khai.

Mỗi thế hệ sinh viên đều có màu sắc riêng, một cá tính khác nhau. Nhưng điểm chung các bạn đều mong muốn có nhiều hoạt động để tham gia. Để tổ chức các hoạt động sao cho linh hoạt, có sức hút, Đoàn trường, Hội Sinh viên phải có chiến lược trong việc tạo dựng các sân chơi, hoạt động cụ thể cho sinh viên. Trong đó, yếu tố bám sát thực tiễn, bám sát mong muốn nguyện vọng của sinh viên phải được ưu tiên hàng đầu.

Việc liên tục đổi mới các hoạt động trải nghiệm trong môi trường học đường hết sức cần thiết. Vì thời đại hiện nay công nghệ ngày càng tiên tiến và phát triển, mỗi hoạt động được tổ chức phải gắn liền với thực tế, đời sống xã hội mới có thể gắn kết, giáo dục và rèn luyện nhiều kỹ năng sống cho sinh viên. Tuy nhiên, đổi mới nhưng vẫn phải giữ được những giá trị cơ bản, giá trị cốt lõi, đây cũng là mục tiêu chung của các hoạt động trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng sống.

Thực tế, mỗi chiến dịch tình nguyện, hoạt động về nguồn hay các sân chơi hướng đến việc giáo dục truyền thống cách mạng… đều mang đến cho các bạn tham gia những trải nghiệm thật đáng nhớ. Ở mỗi chiến dịch, hoạt động, các em đều được gặp gỡ, tiếp xúc nhiều câu chuyện, nhiều hoàn cảnh khác nhau, điều này cũng giúp các bạn có nhiều góc nhìn, hiểu nhiều hơn về giá trị và ý nghĩa của cuộc sống.

Tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, việc chăm sóc gia đình liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng được giao cho từng khoa. Các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng khi được xây dựng cho sinh viên luôn bảo đảm mang lại trải nghiệm tích cực. Trong nhiều hoạt động, công trình thanh niên như “về nguồn”, đền ơn đáp nghĩa, “Mái ấm nghĩa tình”, công trình mang tên “Phục hồi di ảnh Mẹ Việt Nam Anh hùng và liệt sĩ” tạo được sức hút và sự quan tâm của các đoàn viên thanh niên.

Thông qua việc phục hồi di ảnh, đồng thời gợi nhớ những câu chuyện cảm động, tri  ân sự hy sinh của các Mẹ Việt Nam Anh hùng và liệt sĩ, Ban Thường vụ Đoàn trường đẩy mạnh thực hiện công tác giáo dục truyền thống, đền ơn đáp nghĩa của thế hệ tuổi trẻ sinh viên nhà trường. Thực tế, xuyên suốt các hoạt động nhiều ý nghĩa với các gia đình thương binh, liệt sĩ tại ấp An Hòa, xã Trung An, huyện Củ Chi, những sinh viên tham gia dự án được trải nghiệm và cảm nhận cho mình rất nhiều giá trị thiêng liêng tốt đẹp từ truyền thống vệ quốc, từ những tấm gương hy sinh cho dân tộc.

Đại diện Đoàn trường và sinh viên Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng trao di ảnh Mẹ Việt Nam Anh hùng sau khi phục hồi cho thân nhân.
Đại diện Đoàn trường và sinh viên Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng trao di ảnh Mẹ Việt Nam Anh hùng sau khi phục hồi cho thân nhân.

Ông Nguyễn Minh Ngọc - Bí thư Đoàn trường, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh: Hình thành lý tưởng từ thực tế cuộc sống

Trong bối cảnh mà sự tác động của Internet, thành tựu của khoa học như hiện nay thì việc đổi mới các hoạt động của Hội Sinh viên, giáo dục tư tưởng, đạo đức lối sống cho sinh viên có vai trò sống còn nhằm giữ và tạo sức hút của các phong trào với bạn trẻ.

Để triển khai có hiệu quả sự đổi mới, lồng ghép hoạt động giáo dục và trân trọng các giá trị của truyền thống, Đoàn trường, Hội Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh thời gian qua đã chủ động triển khai đồng loạt nhiều giải pháp. Ngoài việc thành lập hàng loạt CLB như: Công tác xã hội, Ban Xung kích, CLB Kỹ năng Lửa xanh, Đội hiến máu tình nguyện, CLB Sách và Hành động HUFI…. Với vai trò và nhiệm vụ cụ thể trong từng hoạt động, Đoàn trường cũng đẩy mạnh các hoạt động về nguồn, tìm hiểu về giá trị lịch sử thông qua chuyến đi trải nghiệm, chăm lo các công trình di tích cách mạng, gia đình liệt sĩ, chính sách…

Các hoạt động này được xây dựng và thực hiện theo kế hoạch bài bản, với thành phần nòng cốt là thành viên chủ lực của các nhóm, đội nói trên… Chính việc đổi mới các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng theo hướng “thả” sinh viên vào trong từng câu chuyện thực tế, bằng sự cụ thể của những chứng nhân lịch sử của công cuộc vệ quốc và đấu tranh cho phong trào sinh viên. Sau từng hoạt động tình nguyện, hướng về cộng đồng và chăm lo cho thế hệ đi trước, sinh viên sẽ có được những cảm xúc chân thật cho bản thân mình. Từ đó đúc kết cho bản thân mình những giá trị tốt đẹp, lý tưởng cần theo đuổi của tuổi trẻ từ những việc xung quanh cuộc sống mà có thể thường ngày các bạn đã bỏ quên.

Đại diện Đoàn trường và sinh viên Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng trao di ảnh Mẹ Việt Nam Anh hùng sau khi phục hồi cho thân nhân.
Đại diện Đoàn trường và sinh viên Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng trao di ảnh Mẹ Việt Nam Anh hùng sau khi phục hồi cho thân nhân.

PGS.TS Nguyễn Danh Thảo - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TP Hồ Chí Minh, phụ trách công tác sinh viên, đoàn trường: Đưa truyền thống đến gần giới trẻ

Cũng hướng đến việc làm mới, gắn các hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ sinh viên một cách thiết thực và gần gũi nhất, Đoàn trường, Hội Sinh viên Trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TP Hồ Chí Minh trong nhiệm kỳ qua đã thực hiện sự đổi mới trong hoạt động. Không chỉ gắn các hoạt động tình nguyện, vì cộng đồng, công trình thanh niên theo hướng trực tiếp chăm lo, tri ân cho các gia đình cách mạng có công, gia đình liệt sĩ, hoạt động giáo dục, trải nghiệm cho sinh viên cũng trực quan hơn.

Công trình “Không gian truyền thống phong trào học sinh, sinh viên Sài Gòn – Gia Định – TP Hồ Chí Minh” mà nhà trường mới khánh thành, đưa vào sử dụng cũng hướng đến mục tiêu đó. Công trình trên để phục vụ công tác giáo dục truyền thống cho đoàn viên, hội viên, sinh viên thông qua các hoạt động như tham quan, tổ chức sinh hoạt truyền thống; tổ chức kết nạp Đảng – Đoàn – Hội; gặp gỡ các thế hệ cựu sinh viên, cán bộ Đoàn Thanh niên – Hội Sinh viên. Đặc biệt, công trình sẽ là nơi trưng bày, giới thiệu về phong trào sinh viên nhà trường, phong trào học sinh, sinh viên thành phố.

 Để linh hoạt và tạo sự tương tác tốt hơn cho các hoạt động giáo dục truyền thống, Hội Sinh viên TP Hồ Chí Minh đã xây dựng và thực hiện trang tin điện tử Cổng thông tin điện tử – Dữ liệu về Ba má phong trào học sinh – sinh viên TP Hồ Chí Minh với địa chỉ https://www.bamaphongtraohssv.vn từ năm 2019. Trang thông tin nhằm truyền tải thông tin, cũng như để Hội Sinh viên các trường, quận, huyện đoàn lan tỏa tinh thần tri ân, gắn kết cũng như nắm bắt được địa chỉ của các ba má, thế hệ cách mạng, phong trào sinh viên để tiện chăm sóc và phụng dưỡng. Hiện, cổng thông tin đã số hóa được 595 hình ảnh với 255 thông tin cụ thể địa chỉ về ba má phong trào học sinh, sinh viên. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.