Hoạt động giúp học sinh tăng nhận thức về nghề nghiệp

GD&TĐ - Chuyên gia cho rằng, cần tăng cường hoạt động ở các cơ sở giáo dục để giúp HS tăng thêm nhận thức về thế giới nghề nghiệp.

Cần tăng cường hoạt động ở các cơ sở giáo dục để giúp HS tăng thêm nhận thức về thế giới nghề nghiệp.
Cần tăng cường hoạt động ở các cơ sở giáo dục để giúp HS tăng thêm nhận thức về thế giới nghề nghiệp.

Vai trò của cán bộ quản lý hướng nghiệp

Việc một cán bộ quản lí hướng nghiệp và GV làm nhiệm vụ giáo dục hướng nghiệp phải có kiến thức về thị trường tuyển dụng tương tự như việc một nhân viên kiểm lâm phải biết rất rõ về cánh rừng nơi mình phụ trách. Vì nếu như không biết rõ về thị trường tuyển dụng thì cán bộ quản lí hướng nghiệp và GV làm nhiệm vụ giáo dục hướng nghiệp khó mà hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Kiến thức về thị trường tuyển dụng bao gồm số liệu, thống kê về xu hướng tuyển dụng trong năm năm và mười năm ở cấp quốc gia và thành phố; Danh mục về các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng trong vùng, cấp tỉnh, thành phố, quốc gia và quốc tế; Những vị trí lao động đang được tuyển dụng trong vùng, cấp tỉnh, thành phố, quốc gia và quốc tế.

Một vài hoạt động mà các cơ sở giáo dục có thể dùng để giúp HS tăng thêm nhận thức về thế giới nghề nghiệp. Đó là tổ chức những cuộc thảo luận toàn trường hay toàn khối về “nghề nghiệp quanh ta”. Đồng thời, mời những vị khách mời thân thuộc và gần gũi với HS. Có thể là cha mẹ hay các thành viên trong gia đình của HS đang làm những công việc tốt, vị trí cao và có bề dày kinh nghiệm.

Điều cần chú ý là cán bộ quản lí hướng nghiệp nên có quan hệ rất tốt và hiểu rõ người khách mời trước khi tổ chức cuộc nói chuyện. Khách mời nên có những đặc điểm “nhận diện” để buổi thảo luận thành công. Đó là khả năng nói trước đám đông, tầm nhìn rộng và tâm huyết với giới trẻ, đặc biệt trong việc giáo dục hướng nghiệp, đam mê và giỏi trong công việc họ đang làm, thích được chia sẻ kiến thức.

Trong những buổi thảo luận này, vai trò người dẫn chương trình không kém phần quan trọng. Họ phải hiểu rõ vị khách mời, hiểu rõ mục tiêu buổi thảo luận để đưa ra những câu hỏi hay lời dẫn khéo léo nhằm giúp HS hiểu rõ thêm về thế giới nghề nghiệp quanh các em.

Tổ chức cuộc thi viết hay hùng biện trong các dịp lễ lớn như Ngày hiến chương các nhà giáo về đề tài liên quan đến hướng nghiệp, đặc biệt về thế giới nghề nghiệp nhằm mục đích tạo nên niềm hứng khởi trong các em về tương lai.

Tìm hiểu về thế giới nghề nghiệp

Sau khi có cái nhìn gần và cụ thể về những nghề nghiệp quanh mình, HS nên bắt đầu tìm hiểu về các nghề nghiệp khác ở tầm quốc gia và quốc tế, những nghề nghiệp mà có thể các em chưa từng thấy bao giờ.

HS có thể tìm hiểu thông qua internet. Dùng những công cụ tìm kiếm như Google hay Yahoo là một cách dễ làm nhất cho HS nếu điều kiện cho phép. Chỉ cần một câu hỏi đơn giản như “Nghề nào hiện đang nóng nhất tại Việt Nam?” là HS có thể đọc được rất nhiều thông tin khác nhau từ những nguồn khác nhau. Khi sử dụng internet, điều quan trọng nhất là HS phải biết chắt lọc thông tin để không nghe một chiều và chỉ dùng nó như một nguồn tin tham khảo, chứ không nên dùng thông tin từ internet như nguồn thông tin chính.

Cán bộ quản lí hướng nghiệp có thể hỗ trợ bằng cách tạo góc hướng nghiệp với những tài liệu liên quan đến nghề nghiệp ở tầm quốc gia và thế giới được cập nhật thường xuyên. Đồng thời, tạo điều kiện cho HS có thể dùng máy vi tính để truy cập internet tìm hiểu thông tin nghề nghiệp.

Điều mà chúng ta cần chú ý là phần tìm hiểu thế giới nghề nghiệp này chỉ hữu dụng trong trường hợp HS đã có nhận thức về bản thân, có thể chưa hoàn toàn hiểu rõ, nhưng ít ra HS đã phải biết đến bốn khái niệm về sở thích, khả năng, cá tính và giá trị nghề nghiệp. Nếu không, những thông tin thu được sẽ trở thành thiếu hệ thống và các lời khuyên từ bên ngoài chỉ làm các em thêm lúng túng, giống như đi trong rừng mà thiếu la bàn để định hướng.

Hệ thống đào tạo nghề bao gồm các trường ĐH, CĐ, TCCN và trường nghề, có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học, kĩ thuật có trình độ trên ĐH, ĐH, CĐ, các kĩ thuật viên có trình độ trung cấp và đội ngũ công nhân kĩ thuật thuộc các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Vì vậy, trước khi HS tốt nghiệp lớp 9 và lớp 12, nhà trường cần tổ chức cho HS tìm hiểu hệ thống đào tạo nghề để HS có được những thông tin cần thiết về các loại hình trường, các hình thức đào tạo và điều kiện tuyển sinh. Đồng thời biết được triển vọng phát triển của mỗi loại hình đào tạo.

Từ đó, có thái độ đúng đắn khi chọn ngành nghề, chọn trường sao cho phù hợp với trình độ học lực, khả năng, sở thích của bản thân, điều kiện kinh tế của gia đình và nhu cầu của xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ