Chiều 25/3, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của: Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước.
Giáo dục, y tế - lĩnh vực thiết thân
Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP Hồ Chí Minh), giáo dục và y tế là lĩnh vực thiết thân với cuộc sống của người dân, được xã hội rất quan tâm, nên báo cáo Chính phủ phải đề cập sâu sắc hơn. Bởi đó là 2 nghề được xã hội tôn vinh là nghề cao quý.
Theo đại biểu, hiện nay, lương của giáo viên, bác sĩ mới ra trường quá thấp, không tương xứng với các nghề khác. Nghề cao quý, được xã hội tôn vinh nhưng lương không đủ sống thì họ không thể yên tâm cống hiến.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho rằng, trở ngại lớn nhất hiện nay là vấn đề nhân lực. Giáo dục phải là gốc và phải tạo ra hệ giá trị xã hội một cách cơ bản.
“Bên cạnh đó, vấn đề sử dụng con người lại là trách nhiệm của ngành Nội vụ. Tuyển dụng, bổ nhiệm con người đã thực sự đúng hay chưa, đánh giá đúng hay chưa, nếu không sẽ không cải thiện được tình trạng 30% không làm việc” – đại biểu Nguyễn Lâm Thành quan ngại, đồng thời nêu vấn đề:
Chúng ta xây dựng rất nhiều luật, nhưng bên cạnh đó rất nhiều luật cần thiết cho phát triển, cho đời sống thì lại chưa được xây dựng, ví dụ: Luật Quản lý đô thị, rất cần thiết, 2 năm trước đã được trình ra, nhưng không đạt yêu cầu và cũng “rút luôn”.
Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP Hồ Chí Minh), chất lượng làm luật cũng chưa bảo đảm, có những luật từ dự thảo lần 1 đến lần cuối không có thay đổi bao nhiêu. Những dự án luật “khó” thì chúng ta bỏ qua, điều đó là “mắc nợ” dân.
Bên cạnh đó, vấn đề giải quyết khiếu nại, tố cáo của cử tri, nhân dân thì chúng ta cũng đang chỉ dừng ở mức độ chuyển đơn, chưa có chế tài để xử lý việc không giải quyết khiếu nại, tố cáo của cử tri, nhân dân ở các cấp ngành.
Nâng cao chất lượng xây dựng luật
Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre), qua báo cáo của các cơ quan cho thấy, hoạt động của Quốc hội đã tạo nên xung lực mới, tạo “áp lực” cho các cơ quan khác thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Hoạt động của Quốc hội ngày càng mang tính sâu đậm, lan tỏa trong xã hội. Người dân luôn chờ đợi, chứng kiến hoạt động của Quốc hội. Nhiều người ngồi màn hình theo dõi và bình luận về hoạt động của Quốc hội, điều đó cho thấy, người dân hết sức quan tâm tới các hoạt động của Quốc hội.
Theo đại biểu đoàn Bến Tre, hoạt động của Quốc hội cũng giúp cho Đảng, Chính phủ và các cơ quan đánh giá lại quá trình thực hiện chính sách và chỉ đạo, điều hành của mình. Sự đồng hành không có nghĩa là xuê xoa, mà tạo “áp lực” để Chính phủ điều chỉnh các hoạt động của mình tốt hơn.
“Chính phủ là cơ quan điều hành, hành pháp nhưng thực sự đã sáng tạo, hành động và phục vụ người dân. Chính phủ sáng tạo trong hành động thì Quốc hội phải là nhân văn, còn tư pháp là hiện thân của công lý. Như vậy nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước” – đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) ghi nhận và đánh giá cao hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ qua, trong đó có việc quyết định nhiều vấn đề quan trọng của quốc gia. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, cần đánh giá lại công tác làm luật. Công tác này ngày càng phải chất lượng, bảo đảm tính đồng bộ, phù hợp thực tiễn, dễ hiểu, tránh chồng chéo; tạo cho người dân yên tâm hơn.
Đồng tình với ý kiến nâng cao chất lượng xây dựng luật, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, việc xây dựng luật phải là các chuyên gia soạn thảo, sau đó ngồi lại với các cơ quan chuyên môn của Chính phủ để thống nhất nội dung. Nhóm chuyên gia làm luật đó cần phải có thời gian để họ nghiên cứu, soạn thảo.