Đây là phát hiện của TS Bùi Thị Thu Trang và cộng sự.
Từ mẹo diệt sâu trong dân gian
TS Bùi Thị Thu Trang và nhóm nghiên cứu Viện Hóa sinh biển, dưới sự hướng dẫn của PGS.TS Nguyễn Xuân Nhiệm đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu thành phần hóa học và hoạt tính sinh học của loài dây mật (Derris elliptica (Wall.) Benth)”.
Mục tiêu của nhóm nghiên cứu là xác định một số thành phần hóa học chính của loài dây mật. Đồng thời, đánh giá được hoạt tính kháng vi sinh vật kiểm định và hoạt tính ức chế sản sinh NO trên tế bào RAW264.7 của các hợp chất phân lập từ loài cây này.
TS Bùi Thị Thu Trang cho biết, loài Derris elliptica (Wall.) Benth ở nước ta được gọi với một số tên như dây mật, thuốc cá. Đây là loài cây phân bố chủ yếu ở miền Nam và tương đối dễ trồng.
Trong đời sống, người dân thường sử dụng rễ của loài này trong đánh bắt cá hoặc loại bỏ các loài cá tạp trong ao hồ, đầm nuôi tôm. Bên cạnh đó, loài này cũng được sử dụng để tiêu diệt côn trùng phá hoại thực vật, diệt sâu bọ cho súc vật.
Người ta thường nghiền rễ cùng nước, với liều 1 phần triệu, khiến cá bị say để đánh bắt dễ dàng hay sử dụng liều thấp hơn để loại bỏ các loại cá tạp trong ao nuôi tôm.
Tính chất trừ sâu của cây dây mật cũng được người dân Trung Quốc và Ấn Độ biết từ lâu. Mãi đến khoảng những năm 1930 tính chất này mới được nghiên cứu ở châu Âu và châu Mỹ.
Từ mẹo này trong dân gian, TS Trang bắt đầu tìm hiểu về hoạt chất trong cây dây mật, định danh thành phần và nghiên cứu tác dụng trong diệt côn trùng.
Theo các nghiên cứu đã được công bố, rễ loài này có chứa các hợp chất rotenoid, tiêu biểu là rotenone, là những hoạt chất có tác dụng kháng sâu bệnh.
Kết quả này giải thích cho việc sử dụng bột rễ hoặc cao chiết giàu hàm lượng rotenone của Derris elliptica như một loại thuốc trừ sâu sinh học để xua đuổi côn trùng và bảo vệ cây trồng.
Hiện nay, cây dây mật được trồng khá phổ biến ở một số tỉnh phía Nam của nước ta để lấy rễ cung cấp cho thị trường. Bên cạnh dây mật, các loài trong chi Derris còn chứa rất nhiều các hợp chất rotenoid khác ví dụ như các hợp chất prenylated flavonoids.
Các dạng hợp chất này có tiềm năng cao về hoạt tính sinh học bên cạnh tác dụng trừ sâu. Đến nay, các nghiên cứu đã chỉ ra hoạt tính sinh học chính của chi Derris như sau: Diệt trừ sâu bệnh trong nông nghiệp, làm thuốc đánh bắt cá, chống ung thư, gây độc tế bào, chống oxy hóa, kháng viêm và sát trùng.
“Đây là những hoạt chất rất quý giá trong nghiên cứu cũng như thực tiễn. Quý giá bởi không nhiều loài chứa hoạt chất với dược tính mạnh và phổ rộng như dây mật.
Không chỉ ứng dụng trong nông nghiệp, hoạt chất này có thể còn được ứng dụng trong y tế để bào chế một số loại thuốc phòng chống ung thư, thuốc kháng viêm hay sát trùng”, TS Bùi Thị Thu Trang cho hay.
Sản phẩm thuốc trừ sâu sinh học từ cây dây mật. |
Hoạt chất kháng 7 chủng vi sinh vật
TS Bùi Thị Thu Trang cho biết, nhóm nghiên cứu đã phân lập được 20 hợp chất từ phần thân của loài dây mật. 17 trong tổng số 20 hợp chất phân lập đã được xác định cấu trúc hóa học, trong đó có 7 hợp chất mới lần đầu được công bố.
Hoạt tính kháng vi sinh vật kiểm định của 17 hợp chất đã xác định cấu trúc được đánh giá trên 7 chủng vi sinh vật kiểm định gồm 3 chủng vi khuẩn Gram (–), 3 chủng Gram (+) và 1 chủng Nấm men.
Kết quả cho thấy, 13 hợp chất thể hiện tốt tác dụng kháng nấm, một vài hợp chất thể hiện tác dụng chọn lọc trên một hoặc một vài chủng vi sinh vật thử nghiệm.
Đánh giá hoạt tính kháng viêm của các hợp chất đã xác định cấu trúc dựa trên khả năng ức chế sản sinh NO ở tế bào RAW264.7, kết quả cho thấy ba hợp chất rotenoid mới đều thể hiện hoạt tính tốt.
Dây mật là cây dây leo, có chiều dài từ 7 - 10 m, lá kép, có 9 đến 13 lá chét mọc so le nhau. Lá chét lúc đầu mỏng nhưng về sau dai dày, có đầu nhọn, hình mác. Hoa nhỏ, có màu hồng hoặc trắng.
Quả giống quả đậu, dẹt, có chiều dài 4 - 8 cm. Dây mật thường mọc hoang nhiều ở các nước Indonesia, Malaysia, Ấn Độ và Việt Nam. Hiện nay, dược liệu này được trồng nhiều ở các tỉnh miền Nam như Bạc Liêu, Phú Quốc, Cà Mau, Trà Vinh…
Trong dân gian, người ta dùng rễ cây dây mật làm thuốc tẩy giun. Bên cạnh đó, còn dùng chữa bệnh ghẻ dưới dạng thuốc mỡ. Ở một số vùng, người ta dùng dây thuốc cá tươi quấn lại thành vòng và treo trên sừng của những con trâu bị dòi hay bị ký sinh trùng, khi nghe mùi thuốc, chúng tự đi.
“Nghiên cứu của nhóm đã khẳng định hoạt chất có tác dụng mạnh trong diệt trừ sâu bọ mà không gây hại đến sức khỏe con người. Đặc biệt đây là những hoạt chất mới được tìm ra, mở ra tiềm năng rất lớn trong ứng dụng loại cây này vào y tế”, TS Trang nói.
Từ kết quả này, nhóm nghiên cứu mong muốn tiếp tục mở rộng các nghiên cứu sâu hơn, nghiên cứu ứng dụng từ loài dây mật theo định hướng kháng nấm và/hoặc kháng khuẩn và nghiên cứu thêm về các hoạt tính sinh học khác như hoạt tính kháng sâu bệnh, gây độc tế bào ung thư đối với 3 hợp chất rotenoid có cấu trúc mới.
Đề tài được giới chuyên môn đánh giá cao với 2 bài báo quốc tế trên danh mục SCIE, 1 bài báo đăng trên tạp chí Scopus, hỗ trợ đào tạo 2 kỹ sư và được xếp loại xuất sắc.